Kinh doanh không chỉ tìm lợi nhuận

Kinh doanh không chỉ tìm lợi nhuận

LTS: Cho đến nay, sau 15 năm, khi khu chế xuất Tân Thuận đứng hàng đầu các khu chế xuất, khu công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương, khi đại lộ Nguyễn Văn Linh (rộng 120m) được xem là đại lộ khang trang nhất Việt Nam, khi khu đô thị Phú Mỹ Hưng trở thành niềm thán phục của nhiều người, thì dù muộn cũng xin thắp một nén hương cho một người đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai: Ông Lawrence S.Ting – cố Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CT&D và Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng. Mời bạn đọc xem bài viết dưới đây của ông Bùi Thanh Sơn – một trong những người có mặt đầu tiên tại Phú Mỹ Hưng khi nơi này còn là vùng hoang hóa.

Kinh doanh không chỉ tìm lợi nhuận ảnh 1

Ông Lawrence S.Ting (bìa trái) đang trình bày dự án phát triển thành phố hướng ra biển Đông với ông Võ Văn Kiệt (đứng giữa), nguyên Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đầu năm 1996, tôi nhận quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh điều động về Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), sau đó được giao phụ trách Công vụ tại Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng mà IPC là phía đối tác trong nước. Có thể nói giai đoạn này là một bước ngoặt đáng ghi nhớ trong đời tôi.

Lúc bấy giờ ông Ting là Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty. Trước khi về đây, tôi đã biết đến ý tưởng sáng tạo trong việc quy hoạch khu Nam Sài Gòn lên đến 2.600 ha của ông Ting, một cống hiến vô giá đối với thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù lúc ấy chẳng dễ dàng tìm được sự đồng tình, thậm chí không ít người chỉ trích về việc tốn kém đến hàng triệu USD mời các công ty nước ngoài làm quy hoạch tổng thể. Có người còn khẳng định vùng đất trũng này không thể nào phát triển thành khu đô thị được.

Đáng tiếc là ý tưởng ban đầu của ông Ting chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp và của các nhà đầu tư nói chung. Ngày nay, sau hơn 10 năm, khu Phú Mỹ Hưng hình thành đã mang đầy đủ dáng dấp một đô thị hiện đại, nhưng cũng chỉ mới là một phần nhỏ của quy hoạch tổng thể. Nếu mọi người, mọi cấp, mọi ngành cùng nhau ra sức bảo vệ và thực hiện theo đúng quy hoạch ban đầu thì chắc chắn trong 20 năm, thậm chí 30 năm nữa, thế hệ con cháu chúng ta vẫn có đủ đất để phát triển mà không phải đau đầu với việc giải tỏa đền bù hay cất công bố trí lại khu dân cư. Nhưng bây giờ nguy cơ quy hoạch bị phá vỡ là điều đang ngày càng rõ nét. Thật đáng buồn biết bao!

Tầm nhìn xa trông rộng của ông Ting còn thể hiện rõ trong việc đề xuất mở rộng tuyến đường trung tâm rộng 120m để dành cho giai đoạn phát triển về sau mà lúc ấy nhiều người đã phê phán là một việc làm lãng phí. Với lộ giới rộng rãi như đại lộ Nguyễn Văn Linh hôm nay, trong tương lai chúng ta có thể làm được rất nhiều việc như bố trí các tuyến đường ngầm, tuyến giao thông trên cao, đường xe lửa, metro… Bài học nhãn tiền của đại lộ Đông Tây hay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho thấy do trước đây chúng ta chưa lường hết tốc độ phát triển của đô thị nên ngày nay phải tốn rất nhiều tiền của lẫn công sức để giải tỏa mặt bằng, từ đó mới thấy một tầm nhìn chiến lược như tầm nhìn của ông Ting là cần thiết đến mức nào.

Có biết bao câu chuyện cảm động khi nhớ về ông. Vào năm 1996 lúc tôi mới chân ướt chân ráo về đây, một mặt phải cùng lo triển khai nhanh các thủ tục để khởi công xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh, mặt khác phải vất vả trước những phản ứng của người dân địa phương. Số là sau thành công bước đầu của Khu chế xuất Tân Thuận, giá đất trong vùng quy hoạch đô thị Nam Sài Gòn tăng vọt, vì vậy những chủ đất trong diện giải tỏa tại khu A đã liên kết với những người từng nhận tiền đền bù đất nông nghiệp của dự án Khu chế xuất Tân Thuận trước đây đòi hỏi thêm quyền lợi. Có đến hàng trăm bà con tụ tập cất chòi, ăn ở luôn trước cổng Công ty Phú Mỹ Hưng, rồi hàng ngày kéo đến bao vây văn phòng, thậm chí tấn công anh em bảo vệ lẫn nhân viên công ty.

Trong tình hình hết sức căng thẳng ấy, mỗi khi có mặt tại thành phố ông Ting đều đích thân ra tiếp xúc với mọi người, gặp gỡ từ bà lão, ông cụ nông dân để giải thích cặn kẽ nhằm thuyết phục họ. Quả thật hiếm có một nhà đầu tư nước ngoài nào, với cương vị Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị của một công ty liên doanh, lại chịu khó cất công đi vận động và thuyết phục người dân về việc đền bù giải tỏa như vậy.

Không ít nhà đầu tư đến Việt Nam với mục đích duy nhất là tìm kiếm lợi nhuận nhưng đó không phải là trường hợp của ông Ting. Một ví dụ nhỏ chứng minh điều này. Trước đây nhiều doanh nghiệp trong nước đề nghị Công ty Phú Mỹ Hưng chấp thuận cho họ mang xà bần và những chất thải nạo vét ở các sông rạch trong thành phố đến đổ tại đây. Trong khi chúng tôi nghĩ rằng đó là một phương án rất hay giúp công ty đỡ tốn kém chi phí san lấp mặt bằng thì ông Ting dứt khoát không đồng ý vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng chỉ sử dụng cát lấy từ biển để san lấp. Rõ ràng trong đầu tư, ông Ting luôn đặt lợi ích của sự phát triển lâu dài lên trên hết.

Lợi nhuận mà Phú Mỹ Hưng sớm có được cũng một phần nhờ vào cách tính toán đâu vào đó và phương thức quản lý khoa học của ông. Chẳng hạn như điện thì đã có Nhà máy Điện Hiệp Phước, bưu chính viễn thông từ Saigon Postel, hệ thống giao thông nội bộ nối kết thật thuận lợi với hệ thống giao thông thành phố. Riêng vấn đề cây xanh, ông Ting mời nhiều chuyên gia nước ngoài sang nghiên cứu và đích thân ông chọn những giống cây, loài hoa thích hợp với vùng đất, khí hậu, thổ nhưỡng vùng Nam Sài Gòn.

Ông tính toán chi li và tiết kiệm từng chút nhưng hễ cần thiết thì đắt bao nhiêu ông cũng chi. Ví dụ công tác quy hoạch, thiết kế thì ông mời gọi nhiều kiến trúc sư tầm cỡ thế giới, hay việc tư vấn giám sát ông nhất định thuê các công ty có uy tín với giá cao để bảo đảm chất lượng công trình… Những gì cần phải làm để phục vụ cho sự phát triển khu đô thị ông đều đã làm, chẳng hạn như thành lập Công ty SPCC để chủ động trong thi công, hay liên doanh làm xưởng đúc bê tông, xưởng bê tông tươi, cho đến viên gạch lót vỉa hè cũng được ông quan tâm để đảm bảo chất lượng và cung ứng kịp thời vật tư cho từng công trình xây dựng đòi hỏi tiến độ và chất lượng rất nghiêm ngặt.

Trong chỉ đạo sản xuất ông luôn tìm những phương pháp khoa học, tiên tiến để hạ giá thành, nâng cao lợi nhuận, nhờ vậy Nhà nước thu thuế nhiều mà phía Việt Nam cũng được chia lãi nhiều, đồng thời đời sống công nhân viên ngày càng được nâng cao.
Hơn mười năm trước, thu nhập người dân trong vùng đất này chỉ khoảng 10USD/tháng, đến nay đã được nâng lên gấp từ bốn đến năm lần. Kết quả ấy có sự đóng góp rất lớn của Công ty CT&D mà đặc biệt là của ông Ting trong vai trò đứng mũi chịu sào.

Nhớ lại suốt quá trình làm việc, ông Ting luôn lạc quan và tin tưởng vào sự thành công của dự án, cũng như ông luôn động viên tinh thần chúng tôi rằng nhất định khu đô thị Phú Mỹ Hưng sẽ thành công trong một ngày không xa. Chúng tôi nghe theo ông mà lòng chưa hoàn toàn tin tưởng, bởi nhìn chung quanh đâu đâu cũng toàn là… dừa nước, khó mà hình dung được một tương lai rực rỡ như ông vẫn khẳng định.

Trong dịp tổng kết 10 năm thành lập Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng vào hồi tháng 5-2003, ông Ting đã viết một câu rất ngắn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một tốp người đã bỏ tâm lực suốt 15 năm để tạo dựng nên Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ngày hôm nay. Và trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có càng nhiều người đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố Hồ Chí Minh hướng ra biển Đông”.

Câu ấy giờ đây đã được trang trọng treo trên tường và mỗi ngày khi bước vào tòa nhà mang tên ông, câu nói này đã trở thành lời động viên quý báu, là di chúc đầy tâm huyết ông để lại mà chúng tôi, cũng như các thế hệ sau, quyết tâm thực hiện theo đúng ý nguyện của ông lúc sinh thời.

BÙI THANH SƠN
(Phó Tổng Giám đốc Công ty LD Phú Mỹ Hưng)

Tin cùng chuyên mục