Việc thay đổi cách vận chuyển thịt gia súc (đã giết mổ), từ để nằm trên sàn xe khi vận chuyển sang treo thịt mảnh lên móc đang gây bức xúc với chủ các phương tiện vận chuyển. Để hiểu rõ hơn về việc này, chúng tôi đã trao đổi với ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM.
Phóng viên: Vì sao lại có sự thay đổi về cách vận chuyển này khi mà lâu nay vẫn để nằm?
Ông HUỲNH TẤN PHÁT: Để thực hiện Năm an toàn vệ sinh thực phẩm - 2015, TPHCM đưa ra nhiều yêu cầu, trong đó có việc chuyển đổi các phương tiện vận chuyển thịt gia súc từ cơ sở giết mổ về chợ đầu mối và từ chợ đầu mối đến các chợ truyền thống bằng xe chuyên dùng, có móc treo cho thịt cũng như có hệ thống bảo ôn. Đây là khâu tiếp theo trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để hạn chế việc lây nhiễm vi sinh trong quá trình vận chuyển, không để 2 mảnh thịt tiếp xúc với nhau như quy định của ngành nông nghiệp. Chúng tôi nói khâu tiếp theo là bởi, từ năm 2005, việc vận chuyển thịt gia súc (đã giết mổ) từ các tỉnh về TPHCM đều phải bằng xe chuyên dùng, có hệ thống bảo ôn và móc treo thịt mảnh. Việc này đã được giới vận chuyển các nơi về TP tuân thủ và áp dụng. Như vậy, đây là việc hoàn chỉnh trong việc hạn chế mức thấp nhất khả năng lây nhiễm thịt trong quá trình vận chuyển nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức cao nhất có thể khi đến tay người tiêu dùng. Từ tháng 12-2015, Chi cục Thú y TP có văn bản thông báo triển khai cho các thương nhân và chủ phương tiện về vấn đề này. Do cuối tháng Giêng là thời điểm cận tết nên gia hạn đến hết tháng 2-2016. Có thể nói, đây là một trong nhiều phương án nhằm kéo giảm tỷ lệ lây nhiễm vi sinh trên thịt.
Kết quả hiện nay ra sao và việc này có tác động gì đến việc phân phối thịt gia súc đi các nơi?
lKhi làm việc với doanh nhân các lò giết mổ, Chi cục Thú y TPHCM nhận được sự đồng thuận. Nhưng với các chủ phương tiện có phần khó khăn hơn do phải tốn kém thêm chi phí để làm móc treo và đăng kiểm lại. Vì vậy, lò giết mổ An Hạ (Củ Chi) đề nghị giãn thêm thời gian để đáp ứng yêu cầu này. Hiện nay, khoảng 95% phương tiện vận chuyển tại lò giết mổ tập trung An Hạ có hệ thống bảo ôn và móc treo. Với lò giết mổ Nam Phong (quận Bình Thạnh) cũng đã chuyển đổi 100%. Lý do chậm trễ vì trước đó, không ít chủ xe còn nhìn nhau xem có ai làm không và khi gần hết hạn lại cùng tìm nơi lắp đặt, dẫn đến tình trạng chậm trễ vì quá tải. Chủ lò giết mổ An Hạ còn điều xe từ Tiền Giang lên để hỗ trợ vận chuyển thịt gia súc về chợ đầu mối nên nhìn chung không ảnh hưởng đến việc phân phối.
Mổ thịt heo treo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Cao Minh
-Trước đây nhiều năm, các chủ vựa bán sỉ thịt gia súc chợ đầu mối Bình Điền từng phản ứng khá mạnh khi TP yêu cầu thịt mảnh phải treo để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?
Đúng vậy. Lúc đó, trong khi chợ thịt đầu mối Hóc Môn nhờ sự góp ý của ngành thú y nên các quầy bán sỉ (thịt mảnh) đều có móc để treo, thay vì để nằm như trước đó. Riêng chợ thịt đầu mối Bình Điền, vì yêu cầu phải chuyển chợ thịt đầu mối An Lạc (huyện Bình Chánh cũ, nay là quận Bình Tân) nên chuyển về đây như là chợ tạm, diện tích nhỏ, tạm thời vẫn để thịt heo mảnh trên sàn của quầy thịt. Vì vậy, sau đó khi TP yêu cầu thiết kế thêm móc treo đã gặp sự phản ứng khá gay gắt từ không ít các chủ vựa do phải thay đổi thói quen. Vừa qua, Sở NN-PTNT và Ban quản lý dự án Lifsap đã làm việc với Ban quản lý chợ để quy hoạch địa điểm xây dựng chợ đầu mối có kho lạnh nhằm đảm bảo tất cả thịt mảnh đều phải treo như quy định, cũng như tách biệt giữa khu vực treo này với khu vực pha lóc để bán lẻ.
-Được biết, trước đó nữa, khi TPHCM chuyển đổi phương thức từ giết mổ nằm (để thịt trên sàn nhà) sang giết mổ treo cũng gặp phản ứng mạnh?
-Vì thói quen từ lâu chỉ biết giết mổ trên sàn nên lúc đó cả chủ lò giết mổ và công nhân đều phản ứng, cho rằng khó thao tác, nặng nề khi treo lên... Nhưng khi việc giết mổ treo ở các lò mổ trong TP đi vào nền nếp, chính các chủ lò và công nhân thừa nhận giết mổ treo giúp giảm bớt rất nhiều sức lực anh em công nhân, nhẹ nhàng hơn khi thao tác và điều quan trọng hơn, làm giảm đáng kể việc lây nhiễm vi sinh qua các mảnh thịt nhờ treo, tránh sự tiếp xúc thịt heo với sàn nhà và giữa các mảnh thịt với nhau. Từ cách làm của TPHCM, sau đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu nhân rộng mô hình giết mổ treo sang các tỉnh, thành khác. Có thể nói, giết mổ treo, vận chuyển treo và kinh doanh thịt các chợ đầu mối cũng phải treo đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
-Xin cảm ơn ông.
ĐĂNG LÃM