Kinh doanh trực tuyến: Cánh cửa mới cho doanh nghiệp

98% người đã mua sắm online trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. Xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược truyền thông kỹ thuật số và tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ hơn trên thị trường. Nhận định này được đưa ra tại chương trình “Tái khởi động kinh doanh sau dịch Covid-19” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức tại TPHCM. 
Nhận hàng đặt mua online. Ảnh: CAO THĂNG
Nhận hàng đặt mua online. Ảnh: CAO THĂNG

Tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh sẽ thay đổi

Chia sẻ báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Panel, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh Kantar Vietnam World Panel, cho biết, dịch Covid-19 đã có những tác động đáng kể vào hành vi, thói quen của người tiêu dùng. Về mua sắm, tiêu dùng, theo khảo sát, chi tiêu cho nhóm tiêu dùng nhanh tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2020, đặc biệt ở khu vực thành thị. Giỏ hàng trong mùa dịch được nạp đầy với 3 nhóm chính: thực phẩm cần thiết và tiện lợi, các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe. Với chiến dịch “stayhome”, những mặt hàng liên quan đến nhu cầu kết nối, các nhu cầu xã hội như đồ ăn vặt, các sản phẩm giúp đơn giản hóa việc nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Người tiêu dùng chi tiêu cho các mặt hàng thuộc về thói quen như kẹo, cà phê, trà, sữa… 

Tại thành thị, các mô hình bán lẻ mới nổi, bao gồm siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nhóm hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, mua sắm trực tuyến được đánh giá cao ở tính tiện lợi và “hạn chế tiếp xúc”, siêu thị mini được chọn vị trí gần nhà cho các nhu cầu cơ bản trong một khoảng thời gian ngắn. Đối với các kênh siêu thị và đại siêu thị, số giao dịch tăng lên đáng kể trước khi lệnh giãn cách, được dự đoán sẽ còn tiếp diễn và dần về lại mức bình thường khi nhu cầu tích trữ hàng giảm. Nhu cầu mua sắm ở khu vực nông thôn cũng không khác mấy so với khu vực thành thị. Người dân nông thôn đã ưu tiên mua sắm đối với các mặt hàng thiết yếu và tốt cho sức khỏe, thay vì các mặt hàng tiêu dùng khác.

Cơ hội mới cho doanh nghiệp

Theo bà Hồ Đức Minh, Chánh văn phòng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, kết quả khảo sát người tiêu dùng năm 2019 và giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19 cho thấy mua sắm trực tuyến bùng nổ ấn tượng. Đa số người tiêu dùng được khảo sát có tới 82% số người có mua online thời gian thực hiện cách ly xã hội; 98% người đã mua online trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục duy trì mua online trong tương lai. Lý do người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến chủ yếu là vì sự thuận tiện; hàng hóa phong phú, đa dạng, dễ lựa chọn; nhiều ưu đãi, khuyến mãi. Tuy nhiên kèm theo đó là những lo ngại, như sản phẩm chất lượng kém; vấn nạn hàng giả, hàng nhái; dịch vụ giao hàng, bảo hành kém. Theo khuyến nghị của bà Hồ Đức Minh, trong thời hậu dịch Covid-19 cần phải hiểu sâu sắc khách hàng mục tiêu của mình, từ đó thiết kế hành trình của khách hàng và định vị thương hiệu. Cũng cần thay đổi kênh bán hàng, vì người tiêu dùng giờ không chỉ mua tại một nơi như trước nữa.

Luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật TNHH Lê Nguyễn, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chia sẻ, kinh doanh trực tuyến không chỉ giúp DN tồn tại trong tình hình dịch bệnh, đây còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Người tiêu dùng ngày càng sử dụng internet nhiều hơn, tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trực tuyến nhiều hơn, mở ra cơ hội cho DN thúc đẩy hoạt động kinh doanh, tăng doanh thu. Nền kinh tế thế giới đang chuyển mình hướng đến nền công nghiệp 4.0, các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán mobile ngày càng phổ biến; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, YouTube… thì kinh doanh trực tuyến đang ngày càng trở nên quan trọng đối với doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục