Trước lượng xe máy lưu thông quá tải dẫn đến nạn kẹt xe triền miên và tai nạn giao thông lên đến mức báo động tại nhiều đô thị, chính quyền thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến về việc sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô từ năm 2025. Thực tế, đây là một trong những biện pháp đã được áp dụng thành công tại các thành phố phát triển ở Đông Nam Á, vốn dĩ có nhiều nét tương đồng với Hà Nội.
Hạn chế, cấm và tăng thuế mua xe
Xe máy không chỉ gây náo loạn giao thông khiến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây chết người. Trong những năm gần đây, một số thành phố châu Á đã áp dụng thành công lệnh cấm xe máy, trong đó có thủ đô Jakarta của Indonesia, thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, Yangon của Myanmar...Theo các chuyên gia, thành công của một quyết tâm thực hiện lệnh cấm triệt để xe máy bằng một lộ trình hơn 10 năm nhằm giải quyết vấn nạn giao thông của thành phố Quảng Châu là mô hình nên được tham khảo.
Từ tháng 10-1991, Quảng Châu thông báo cấm xe máy không đăng ký từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối ở 8 quận nội thành. Mỗi tháng chỉ được phép cấp mới 500 xe máy, nhưng đến năm 1995, Quảng Châu không được phép cấp mới xe máy. Từ năm 1999, tất cả xe máy nào không có đăng ký sẽ bị cấm hoạt động ở Quảng Châu. Tháng 1-2002, tất cả xe máy hoạt động trên 15 năm sẽ bị tịch thu. Sau đó một năm, xe máy chỉ được phép sử dụng tối đa 10 năm sau lần đăng ký đầu tiên. Các xe máy bị tịch thu đều được đền bù và số tiền đền bù được tính dựa theo thời gian sử dụng xe máy, ít hơn 10 năm hay trên 10 năm...
Kẹt xe ở thủ đô Jakarta, Indonesia
Còn Jakarta của Indonesia, trước khi áp dụng chính thức vào đầu tháng 1-2015, chính quyền thành phố Jakarta áp dụng một tháng thử nghiệm 24/7 tại hai tuyến đường chính ở thủ đô. Cuộc thử nghiệm này buộc người đi xe máy phải tìm những tuyến đường thay thế khi đi qua trung tâm thành phố. Chính phủ Indonesia, năm 2015, cũng đồng thời triển khai nhiều biện pháp như tăng thuế mua phương tiện để giảm ách tắc giao thông, tăng thuế cầu đường tại khu trung tâm, giảm trợ cấp xăng dầu... Do giá xe máy và ô tô khá rẻ, cho nên biện pháp “đánh vào hầu bao của người dân” sẽ có tác động hữu hiệu nhằm hạn chế việc sở hữu phương tiện cá nhân. Chính phủ Indonesia cũng khẩn trương xây dựng các làn xe dành riêng cho xe buýt ngay sau lệnh cấm xe hai bánh, đồng thời nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm. Thái Lan cũng xây dựng hệ thống đường sắt trên cao vào năm 1999 và tàu điện ngầm vào năm 2004 để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông từ thập niên 90.
Hướng tới giao thông “xanh”
Để hạn chế xe máy mà vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, Quảng Châu đã phát triển nhiều loại phương tiện công cộng như xe buýt. Ngoài những xe buýt lớn trên các tuyến phố chính, nhiều xe buýt nhỏ được ưu tiên để bổ sung đến những con phố chật hẹp. Hơn 50 tuyến đường nhỏ và ngắn được bổ sung các xe buýt phù hợp. Các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân thành phố.
Ở Jakarta, ngay khi áp dụng lệnh cấm xe vào thành phố được áp dụng, 20 xe buýt, trong đó có 10 xe buýt hai tầng được tung ra để giúp người dân thay đổi thói quen. Thực tế, cũng như Quảng Châu, xe buýt càng nhỏ càng phát huy hiệu quả và không cần thiết phải áp dụng trên những tuyến cố định. Chặng hạn, ở thành phố Thượng Hải, các doanh nghiệp vận tải tư nhân được mời gọi tham gia cung cấp “dịch vụ len lỏi” này. Tại Bắc Kinh, các tập đoàn tư nhân và các thực thể của chính phủ đều được khuyến khích cung cấp các dịch vụ giao thông chung cho hành khách để giảm số lượng phương tiện cá nhân. Không thể phủ nhận sự đóng góp thành công của các hình thức vận tải tư nhân đang tồn tại tốt ở các thành phố như thủ đô Jakarta của Indonesia, Manila của Philippines và Bangkok của Thái Lan.
Ngoài ra, nếu các chính phủ châu Á chịu tham khảo các mô hình của các chính sách “giao thông xanh” của châu Âu, để giảm một phần xe máy lưu thông, họ phải trả lề đường cho người đi bộ và làn đường cho người đi xe đạp. Ngày nay, xe đạp được nhiều thành phố phát triển trên thế giới ưa chuộng như một biện pháp giảm ô nhiễm và tai nạn giao thông. Theo tính toán của Ủy ban Môi trường Quảng Châu, lệnh cấm xe máy đã giúp thành phố này giảm 24.000 tấn CO2, 300 tấn NO2 và 300 tấn chất hạt thải ra không khí mỗi năm.
Sau thành công của chính sách xe đạp ở châu Âu, một số thành phố ở Đông Nam Á đã chủ động tách bạch làn đường dành riêng hẳn cho xe đạp trên những con đường lớn. Chính quyền Bắc Kinh cũng khuyến khích tư nhân tham gia vào các dịch vụ cho thuê xe đạp như Đại học Thanh Hoa và Công ty truyền thông I-Bike đã làm. Hiện I-Bike cũng tung dịch vụ này ở thành phố Thượng Hải và Vũ Hán. Thành phố Đài Bắc cũng mở rộng đường, dành hẳn một phần diện tích lớn cho làn xe đạp, thậm chí cho phép xe đạp lưu thông trên những tuyến xe điện ngầm. Mô hình này cũng được áp dụng ở thành phố Changwon, Hàn Quốc. Riêng một số quận ở trung tâm thủ đô Seoul cũng đã áp dụng hình thức cho mượn xe đạp miễn phí, mặc dù chính quyền chưa áp dụng chính thức.
Tuy nhiên, để thành công cần phải tính đến sự đồng bộ các giải pháp để tránh rơi vào tình trạng lợi bất cập hại, như trường hợp của thành phố Yangon. Myanmar là một trong nhưng quốc gia ban hành lệnh cấm xe máy từ khá sớm vào năm 2003. Theo Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Chính phủ Myanmar đã thiếu những giải pháp đồng bộ về cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Sau khi Chính phủ Myanmar quyết định mở cửa thị trường nhập khẩu ô tô liệu vào năm 2011, mặc dù không có bóng dáng xe máy, nhưng mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi hàng dãy ô tô kẹt cứng trên các tuyến đường giao thông ở Yangon.
HẠNH CHI