Liên kết phát triển chuỗi giá trị nông sản
Liên kết giữa nông dân với các kênh phân phối để tăng cường nguồn cung thực phẩm, đồng thời ổn định đầu ra cho sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã và đang trở thành vấn đề bức thiết. Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM - Saigon Co.op là một trong số ít các doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện khá thành công mô hình này.
Nhờ việc kết hợp tốt với các HTX, DN nên Saigon Co.op luôn chủ động nguồn hàng và ổn định giá bán. Ảnh: Thanh Tấn
Sau 4 năm thực hiện chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, Saigon Co.op đã tiến hành ký kết tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với các HTX, khu công nghệ cao, công ty cũng như hợp tác với các tỉnh, thành để bao tiêu sản phẩm. Tính đến nay, Saigon Co.op đã hợp tác với trên 100 nhà cung cấp ở 24 tỉnh, thành cả nước, gồm các mặt hàng thủy hải sản, thực phẩm chế biến các loại, rau củ quả…
Qua chương trình kết nối, Saigon Co.op cũng đã đưa các mặt hàng đặc sản vùng miền đến tay người tiêu dùng cả nước. Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng chọn lọc và liên kết hợp tác với các DN có uy tín, chất lượng tốt, sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của Co.opmart. Điển hình như khu vực miền Bắc (Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc) có vải thiều, chanh đào, cam canh, bưởi diễn, hành khô, tỏi khô, rau củ quả… với sản lượng tiêu thụ khoảng 600 tấn/tháng; khu vực cao nguyên (Lâm Đồng) có rau củ quả Đà Lạt như cà chua, bắp cải, cà rốt… sản lượng tiêu thụ khoảng 1.200 tấn/tháng; miền Trung (Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Thiết, Phú Yên, Quảng Ngãi) có thanh long, nho, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến với sản lượng khoảng 135 tấn/tháng; khu vực Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước) có rau củ quả, thủy hải sản, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến… sản lượng 1.500 tấn/tháng; khu vực Tây Nam bộ (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) có bưởi, cam quýt, xoài, hành tím, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến với sản lượng gần 2.000 tấn/tháng. Riêng TPHCM chủ yếu là rau củ quả nhiệt đới như rau muống, khổ qua, bí đao… sản lượng tiêu thụ khoảng 1.600 tấn/tháng.
Về cách tổ chức thực hiện, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, phụ trách mua, cho biết, Saigon Co.op luôn đồng hành, hỗ trợ các hộ nông dân trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. Để có nguồn hàng như mong muốn, Saigon Co.op tổ chức tập huấn, hướng dẫn trồng trọt theo quy trình sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm an toàn hay VietGAP và đặt yêu cầu nhà sản xuất, hộ nông dân phải đảm bảo quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp với áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Tất cả sản phẩm phải được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến siêu thị, người tiêu dùng.
Do sản phẩm nông nghiệp có yếu tố mùa vụ, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, rủi ro khá cao nên trong chính sách thu mua, Saigon Co.op luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, còn yếu tố giá thì linh động điều chỉnh phù hợp theo từng thời điểm để nông dân không bị thua thiệt. Nhiều HTX qua quá trình đồng hành cùng Saigon Co.op, với sự hỗ trợ từ việc ứng vốn, hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng thanh toán trước tiền hàng vào các dịp cao điểm, đến việc đầu tư dây chuyền nhà sơ chế rau đã phát triển quy mô và doanh thu tăng đáng kể qua các năm. Trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, Saigon Co.op cũng lựa chọn nhiều DN thuần Việt, có thế mạnh hỗ trợ, đầu tư cải thiện quy trình sản xuất đạt các tiêu chuẩn HACCP, ISO để đủ sức đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opmart, đồng thời xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.
Với thế mạnh của một nhà bán lẻ, tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng nên Saigon Co.op có thể nắm bắt nhanh xu hướng tiêu dùng, từ đó tư vấn cho các đối tác sản xuất theo đúng yêu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy nhìn nhận, việc hỗ trợ, liên kết, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân với nhà phân phối đã mamg lại nhiều ý nghĩa, vừa ổn định nguồn hàng cho kinh doanh, vừa hỗ trợ nông dân phát triển đời sống kinh tế, đồng thời đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm xanh, đảm bảo ATVSTP với giá cả hợp lý.
UYỂN CHI