Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương: Hồi phục còn gian nan

Năm 2020, lần đầu tiên trong gần 6 thập kỷ, các nền kinh tế trên toàn châu Á sẽ suy giảm trước khi có khả năng hồi phục trở lại bắt đầu từ năm 2021 khi mà khu vực này khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là nội dung báo cáo mới nhất được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 15-9.


Chỉ phục hồi một phần

Báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế châu Á (ADO) 2020 dự báo Tổng sản phẩm (GDP) khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế khu vực tăng trưởng âm kể từ đầu những năm 1960. Tăng trưởng khu vực này sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021, một phần vì chỉ số tăng trưởng của năm 2021 sẽ được tính toán dựa trên những số liệu khá thấp của năm 2020. 

Khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Ảnh: World Finance
Kinh tế khu vực sẽ phục hồi theo biểu đồ hình chữ L (suy thoái sâu và trì trệ “giữ đáy” trong thời gian dài) thay vì chữ V (suy thoái xuống đáy nhưng nhanh chóng bật dậy, lấy lại tốc độ tăng trưởng). Theo ADB, khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Theo nhà kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada, hầu hết các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ trải qua chặng đường hồi phục gian nan trong những tháng còn lại của năm 2020. Các chính phủ cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó với đại dịch, các chính sách cần ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đặc biệt là những nhóm dễ chịu tác động và đảm bảo người lao động trở lại làm việc và các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn. 

Khác biệt trong tăng trưởng

Theo ADB, đại dịch Covid-19 kéo dài vẫn là nguy cơ lớn nhất đe dọa triển vọng tăng trưởng khu vực trong năm nay và năm sau. Để giảm thiểu nguy cơ, các chính phủ trong khu vực đã triển khai những chính sách ứng phó trên diện rộng, bao gồm các gói hỗ trợ, chủ yếu là hỗ trợ thu nhập, có tổng trị giá lên tới 3.600 tỷ USD, tương đương khoảng 15% GDP khu vực. Các nguy cơ khác như những vấn đề nảy sinh từ các diễn biến căng thẳng địa chính trị hay những bất ổn tài chính cũng có thể gia tăng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Có sự khác biệt tạm thời giữa các quốc gia tạm khống chế được dịch với những quốc gia vẫn chưa khống chế được dịch. Theo ADB, Trung Quốc là một trong số ít những nền kinh tế khu vực có thể hóa giải xu hướng sụt giảm và dự kiến tăng trưởng khoảng 1,8% trong năm nay và 7,7 % trong năm 2021 nhờ những biện pháp y tế hiệu quả, tạo nền tảng tốt cho kinh tế phát triển. Tại Ấn Độ, GDP của quốc gia này được dự báo sẽ giảm 9% trong cả tài khóa 2020 trước khi hồi phục 8% trong tài khóa 2021.

ADB dự báo các tiểu vùng khác tại châu Á cũng sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020, ngoại trừ Đông Á, khu vực được dự báo tăng trưởng 1,3% trong năm nay và sẽ hồi phục mạnh mẽ lên mức 7% trong năm 2021. Trong khi đó, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch, đặc biệt là ở khu vực Thái Bình Dương là Nam Á, sẽ suy giảm ở mức 2 con số trong năm 2020. Các dự báo đều cho rằng hầu hết các nền kinh tế ở châu Á đang phát triển sẽ phục hồi trong năm tới, ngoài trừ một số nền kinh tế ở Thái Bình Dương.

Tin cùng chuyên mục