Kinh tế châu Âu vẫn mong manh

Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, cơ quan truyền thông đưa ra những dự báo khả quan về tình hình kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố của Eurostat (cơ quan thống kê của châu Âu) cho thấy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu, đặc biệt tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), vẫn rất mong manh.
Kinh tế châu Âu vẫn mong manh

Thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, cơ quan truyền thông đưa ra những dự báo khả quan về tình hình kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, báo cáo vừa được công bố của Eurostat (cơ quan thống kê của châu Âu) cho thấy tăng trưởng kinh tế tại châu Âu, đặc biệt tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), vẫn rất mong manh.

        Chất chồng khó khăn

Nhiều tín hiệu lạc quan khiến không ít người tin rằng eurozone đang thoát khỏi khó khăn: đầu tư và các hoạt động công nghiệp đã phục hồi kể từ mùa thu năm ngoái; niềm tin tiêu dùng đã trở lại vào cuối 2013; Italia, Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 eurozone, đã thoát khỏi suy thoái để có 3 quý tăng trưởng liên tiếp.

Theo Eurostat, GDP tại eurozone tăng 0,2% trong quý 1-2014, đánh dấu 4 quý tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ bằng một nửa sự mong đợi của các chuyên gia kinh tế, những người cho rằng tốc độ tăng trưởng này là “quá yếu ớt”. Mức tăng này thấp hơn thời điểm trước cuộc khủng hoảng 2008 và thậm chí còn sau cả cuộc đại suy thoái những năm 1930.

Sự khác biệt về tăng trưởng giữa các quốc gia rất rõ ràng. Trong khi nền kinh tế Đức tăng trưởng 0,8% thì Pháp, nền kinh tế lớn thứ 2 eurozone, quay lại tình trạng trì trệ trong quý 1-2014. Italia, Bồ Đào Nha và Hy Lạp sau khi có 3 quý tăng trưởng liên tiếp dường như cũng đang chững lại. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine chưa có hồi kết cũng đang đe dọa các nền kinh tế tại châu Âu. Trong khi đó, nhiều quốc gia tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thắt lưng buộc bụng và Hy Lạp là một ví dụ.

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế eurozone.

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước sẽ góp phần làm tăng trưởng kinh tế eurozone.

Trong thời kỳ khủng khoảng kinh tế vừa qua, chính phủ các quốc gia thành viên eurozone đã cam kết sửa đổi các chính sách cho thị trường lao động, chi tiêu và thuế nhằm thúc đẩy sự phục hồi. Tuy nhiên, những thay đổi trên vẫn chưa đem lại kết quả. Các chuyên gia kinh tế quan ngại việc không cải cách mạnh mẽ có thể sẽ tiếp tục cản trở sự phục hồi của nền kinh tế eurozone.

Hơn thế, sự kết hợp của lạm phát thấp với tăng trưởng yếu đang làm dấy lên lo ngại rằng eurozone có thể rơi vào giảm phát hoàn toàn, gây nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế của khu vực này.

Jacob Funk Kirkegaard, một thành viên cấp cao của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, trụ sở tại Washington (Mỹ), cảnh báo: nếu eurozone không thật sự bật dậy, “thập kỷ bị đánh mất” đối với nền kinh tế khu vực này sớm trở thành hiện thực.

        Gánh nặng của ECB

Thúc đẩy tăng trưởng eurozone hiện đang được đặt lên vai của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cơ quan này đã cam kết sẽ đưa ra các biện pháp “kích thích kinh tế” trong tháng tới. Nhiều chuyên gia kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất xuống mức gần 0%, công cụ tiền tệ truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, mới đây, người đứng đầu ECB Mario Draghi vừa tuyên bố sẵn sàng sử dụng các chính sách khác thường để thực hiện nhiệm vụ “thúc đẩy tăng trưởng”. Giới quan sát nhận định rằng trong các biện pháp được ECB đưa ra rất có thể bao gồm các khoản vay lãi suất thấp mới dành cho các ngân hàng thương mại với hy vọng nâng cao tăng trưởng tín dụng, giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các khoản cho vay, qua đó mở rộng kinh doanh và sản xuất.

Thúc đẩy tiêu dùng trong nước cũng là một biện pháp góp phần làm tăng trưởng kinh tế khu vực. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble kỳ vọng nhu cầu nội địa sẽ tăng ở mức 1,8% trong năm nay. Bài học này châu Âu có thể thấy từ Nhật Bản khi thời gian qua Tokyo đã tung ra các gói kích thích tiêu dùng, khiến nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi giảm phát. Việc tăng thuế tiêu dùng đã góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng của Nhật Bản.

Một tín hiệu đáng mừng là các thị trường xuất khẩu truyền thống của châu Âu như Nhật và Mỹ đều đang khởi sắc. Quý 1-2014 đánh dấu mức tăng trưởng mạnh nhất của Nhật Bản trong hơn 2 năm qua, trong khi đó kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi từ đầu năm nay.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục