Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở ĐBSCL đang rơi vào cảnh “chết dở, sống dở” do sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Nguyên nhân chính do nguồn lực yếu, thiếu định hướng sản xuất kinh doanh, làm theo phong trào. Mặt khác, loại hình kinh tế này chưa được sự quan tâm đúng mức của các ngành và địa phương.
Chết vẫn chưa được chôn
Nhiều nhất trong số này có lẽ là các HTX nông nghiệp ở Long An. Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 91 HTX, nhưng có 14 HTX hoạt động yếu kém, ngưng hoạt động nhưng chưa giải thể được; nhiều nhất là các HTX nông nghiệp. Trong số 46 HTX nông nghiệp, có 11 HTX ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng như HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tân, HTX Nông nghiệp Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng); HTX Bông Lúa Vàng (huyện Thạnh Hóa); HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhơn Ninh (huyện Tân Thạnh); HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hòa Bắc (huyện Đức Huệ)… đã “chết” trong một thời gian dài nhưng các địa phương này vẫn chưa giải thể được bởi nhiều lý do.
Không chỉ ở Long An, nhiều HTX nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, huyện nào trong tỉnh cũng có HTX nông nghiệp ngưng hoạt động, nhưng các địa phương chưa muốn giải thể mà “muốn giữ lại để củng cố”. Tại Vĩnh Long, 26 xã viên đã rời bỏ HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) do HTX làm ăn kém hiệu quả. Cảnh khó cũng đang diễn ra đối với HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Châu Thành, Tiền Giang). Hơn 5 năm qua, nơi đây chỉ vỏn vẹn có 55ha (hơn 100 xã viên) áp dụng GlobalGAP. Hiện tại, HTX không có điều kiện bảo quản sản phẩm lâu ngày, hàng hóa không xuất khẩu được. Xã viên tự tìm đường tiêu thụ nên không còn mặn mà với mô hình. Nhiều người đã xin về với cách sản xuất truyền thống…
Lúc đầu, ai cũng tưởng HTX này hình thành sẽ góp phần giúp cho “thương hiệu” vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được nâng lên, theo đó thu nhập của người dân chuyên canh mặt hàng này cũng được tăng thêm. Nào ngờ, sau thời gian hoạt động, HTX này đang đứng bên bờ vực phá sản, do làm ăn không hiệu quả dẫn đến thâm vốn, nợ nần. Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, khi kiểm quỹ HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chỉ còn 53 triệu đồng, nhưng tiền mặt chỉ có 5 triệu đồng, phần còn lại là hàng hóa, vật tư tồn kho không sử dụng được. Đã vậy HTX còn đang nợ gần 400 triệu đồng (vay Quỹ đầu tư phát triển của Sở KH-CN để làm kho lạnh); không có kinh phí (khoảng 5.000 USD) để xin tái chứng nhận GlobalGAP cho thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, cũng không có nguồn để trả tiền thuê đất làm nhà kho và một số khoản nợ trong xã viên. Các ngành chức năng của tỉnh, huyện đã nhiều lần củng cố nhưng đến nay hoạt động HTX này cũng đang “mắc nghẹn”.
Đâu là lối ra?
Ai cũng biết, chuyện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thông qua mô hình kinh tế hợp tác là để giúp hàng hóa của bà con làm ra được nâng vị thế cạnh tranh trên thị trường, tăng thu nhập nông dân. Nhưng liên kết như thế nào để mang lại hiệu quả, giúp các HTX nông nghiệp thoát khỏi tình trạng bế tắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như hiện nay đang là vấn đề bức bách. Bởi thực tế ngay những HTX hoạt động có hiệu quả, có thương hiệu với nguồn nguyên liệu đặc sản của địa phương cũng gặp không ít khó khăn.
HTX Nông nghiệp Mỹ Thành chuyên sản xuất lúa ở huyện Cai Lậy là một ví dụ. Lúc đầu, HTX này hợp tác với Công ty ADC sản xuất lúa rất hiệu quả, được chứng nhận GlobalGAP (HTX nông nghiệp đầu tiên trên cả nước được công nhận tiêu chuẩn này). Sau đó, Công ty ADC không tiếp tục bao tiêu đầu ra sản phẩm nữa. Hiện vẫn còn mấy trăm tấn lúa GlobalGAP (chủ yếu là lúa Cẩm Cai Lậy) của Công ty ADC gởi trong xã viên chưa tiêu thụ được. Trước thực trạng như vậy, xã viên phải “buông” sản xuất GlobalGAP và phải tự thân vận động. Từ đó, HTX Mỹ Thành gặp không ít khó khăn trong hoạt động cũng như thu hồi và chi trả các khoản nợ tồn đọng. Do không có vốn, HTX cũng không thể xin tái cấp lại giấy chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP.
“Các HTX hiện nay, nhất là các HTX nông nghiệp thuộc diện thiếu đủ thứ. Nông dân chỉ còn hy vọng mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 sẽ giải quyết được các vấn đề trên, tạo đà và lực cho các HTX nông nghiệp “tái cơ cấu” trong thời gian tới” - ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An nhận định.
TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, phát biểu: Các HTX đang đối mặt nhiều khó khăn, nhưng nếu tự thân các HTX không duy trì được các mô hình này thì trong tương lai càng khó khăn hơn. Chỉ có cách áp dụng các tiêu chuẩn GAP mới có thể xuất khẩu được nông sản, tăng thu nhập cho nông dân. Do vậy, Nhà nước phải hỗ trợ nông dân trong việc chứng nhận đạt các tiêu chuẩn GAP. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn, và nhất thiết phải sản xuất theo quy hoạch, tăng cường liên kết để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn. Có như vậy thì mới “làm ăn lớn” được.
| |
ĐĂNG NGUYÊN