“Kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn”

* Anh công bố kế hoạch thắt chặt tài khóa Ngày 23-6, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh do giới đầu tư lo lắng về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau bài phát biểu trước Quốc hội của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner.
“Kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn”

* Anh công bố kế hoạch thắt chặt tài khóa
Ngày 23-6, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một phiên sụt giảm mạnh do giới đầu tư lo lắng về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau bài phát biểu trước Quốc hội của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner.

Ông tuyên bố : “Nền kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Hàng triệu người Mỹ vẫn còn đang tìm kiếm việc làm và đang bị thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng. Tác động của cuộc khủng hoảng sẽ còn rất lâu dài”. Trước đó, Hiệp hội quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR) cho biết doanh số bán nhà đã qua sử dụng trong tháng 5 đã giảm xuống 2,2%. Con số này đã đi ngược với kỳ vọng (sẽ tăng 5%) của giới phân tích kinh tế dự đoán.

“Kinh tế Mỹ vẫn còn trong giai đoạn cực kỳ khó khăn” ảnh 1

Kinh tế Mỹ tạo ra ít việc làm hơn kỳ vọng

Những thông tin bất lợi cho nền kinh tế lớn nhất thế giới được đưa ra đồng thời với những cảnh báo của nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), được đăng tải trên tạp chí “Tiền tệ và Thị trường” (MAM) của Mỹ trong số ra mới đây. Trong đó, ông đã đưa ra 4 cảnh báo khẩn cấp đối với nền kinh tế nước này.

Thứ nhất, Mỹ có thể là nạn nhân kế tiếp đi theo “vết xe đổ” của Hy Lạp vì đã đến lúc nền kinh tế Mỹ không còn khả năng cứu trợ tài chính nữa.

Thứ hai, cuộc khủng hoảng nợ nhà nước đã tác động đến nền kinh tế Mỹ khi chính phủ nước này phải trả lãi suất cho các khoản tiền vay nợ cao hơn lãi suất mà các công ty tư nhân phải trả. Trước đó, nhà kinh tế Mike Larson của MAM cảnh báo các công trái Mỹ có nguy cơ biến thành các tờ giấy lộn.

Thứ ba, lãi suất dài hạn có thể tăng bất ngờ và không thể kiểm soát giống như thời kỳ những năm cuối thập kỷ 1980.

Thứ tư, giá vàng tăng vọt báo hiệu sự sụp đổ của đồng tiền Mỹ trong tương lai. Ông Alan Greenspan cho biết việc giá vàng không ngừng tăng khiến ngày càng nhiều các nhà đầu tư tìm nơi an toàn để tích trữ tài sản thay vì tích trữ các đồng tiền giấy đang lưu hành.

Không chỉ riêng nền kinh tế Mỹ, tại Anh, Bộ trưởng Tài chính George Osborne cũng vừa công bố bản dự thảo ngân sách khẩn cấp, trong đó đặt ra nhiều kế hoạch giảm chi tiêu và tăng thuế đầy tham vọng nhằm đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay để đạt thặng dư trong vòng 5 năm tới.

Theo kế hoạch trên, chính phủ Anh sẽ cắt giảm chi tiêu cho đầu tư và phúc lợi xã hội khoảng 30 tỷ bảng/năm, đồng thời tăng thuế VAT lên 20% (hiện đang là 17,5%) nhằm tạo thêm nguồn thu 10 tỷ bảng/năm. Vay mượn của chính phủ cũng sẽ giảm dần từ 10,1% GDP trong tài khóa này xuống còn 1,1% GDP vào tài khóa 2015-2016. Cùng với một loạt các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” khác, những biện pháp này sẽ giúp chính phủ tiết kiệm tới 90 tỷ bảng mỗi năm từ nay tới năm tài khóa 2014-2015. 

Cũng trong khu vực châu Âu, Quốc hội Tây Ban Nha đã sơ bộ thông qua dự luật cải cách thị trường lao động do chính phủ đệ trình. Dự luật mới tăng số hợp đồng dài hạn, siết chặt qui định về thuê lao động tạm thời và giảm phí tổn thuê nhân công. Do văn bản này chỉ nhận được sự ủng hộ của đảng Xã hội cầm quyền, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận các chi tiết nhằm đi đến một dự luật rõ ràng hơn trong vài tháng tới trước khi thông qua lần cuối.  

H.CHI.

Tin cùng chuyên mục