Ngày 28-5, hãng xếp hạng tín dụng của Mỹ Moody’s đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nga trong tài khóa 2015-2016. Theo đó, các chuyên gia của Moody’s dự báo GDP của Nga sẽ giảm 3% trong năm nay và tăng trưởng 0% trong năm 2016.
Con số này thấp hơn nhiều so với mức 5,5% trong năm 2015 và 3% trong năm 2016 mà Moody’s đưa ra trước đây. Báo cáo của hãng xếp hạng tín dụng Mỹ nêu rõ suy thoái kinh tế ở Nga đã không còn nghiêm trọng như trước, thị trường tài chính ổn định trở lại, những chỉ số như lạm phát hay nợ công đều có dấu hiệu giảm. Đây thực sự là một dấu hiệu tích cực nữa sau rất nhiều những tín hiệu vui đến với nền kinh tế Nga trong thời gian qua. Đồng rouble sau một thời gian dài mất giá thê thảm (tháng 12-2014, 1 USD đổi 80 rouble) đã tăng trở lại ấn tượng (1 USD đổi 60 rouble). Hãng tin Bloomberg bình luận sự hồi phục mạnh mẽ của đồng rouble đã gây sốc hầu hết các nhà phân tích kinh tế phương Tây.
Nhận định về việc nền kinh tế Nga đang từng bước ổn định, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Nga Ernesto Ramirez Rigo cho rằng Chính phủ Nga đã thực hiện kịp thời các giải pháp kinh tế, trong đó có gói biện pháp chống khủng hoảng. Chính phủ và doanh nghiệp Nga luôn có sự phối hợp nhịp nhàng để cùng nhau vượt qua khó khăn trong thời gian qua. Như sự kiện mới đây, nhận thấy việc thay đổi về tỷ giá hối đoái đồng rouble làm tăng sức cạnh trạnh về giá sản xuất trong nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức có buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Nga để trao đổi về việc nắm bắt thời cơ tăng cường sản xuất nội địa ở khu vực phi dầu mỏ để từ đó gia tăng xuất khẩu.
Theo không ít các chuyên gia kinh tế, qua sự kiện trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga, người ta mới thấy được sự năng động, giỏi xoay xở của Mátxcơva. Chính phủ của xứ sở Bạch Dương không ngồi chờ chết mà thay vào đó là chuyển hướng sang các thị trường mới như châu Á hay Mỹ Latinh. Cái “bắt tay” trong lĩnh vực năng lượng với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD là minh chứng rõ nét nhất cho sự năng động của Nga. Chưa kể đến các hợp đồng mua bán vũ khí với nhiều quốc gia trên thế giới như Iran, Brazil… cũng mang lại cho Mátxcơva khoản thu không hề nhỏ.
Thêm một lý do nữa khiến giới phân tích tin rằng kinh tế Nga có thể hồi phục trong thời gian tới đó là những căng thẳng về Ukraine - nguyên nhân phương Tây trừng phạt Nga - đang có dấu hiệu lắng xuống. Dấu hiệu hòa dịu đầu tiên đã xuất hiện ở Sochi, vùng nghỉ mát ở miền Nam nước Nga, nơi mà Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Sau 2 năm căng thẳng, Mỹ đã để người đứng đầu ngành ngoại giao tới Nga bàn về các vấn đề quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ phương Tây và Nga đang bớt căng thẳng đó là việc Giám đốc IMF Christine Lagarde tuyên bố bà muốn Mátxcơva quay trở lại nhóm các cường quốc công nghiệp G8. Trước đó, nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đã quyết định loại Nga ra khỏi nhóm G8 sau khi Mátxcơva sáp nhập bán đảo Crimea.
Có thể nói, dù còn không ít thách thức, khó khăn nhưng với những tín hiệu tích cực trong thời gian qua cùng dự báo giá dầu cải thiện trong thời gian tới, việc Bộ Kinh tế Nga lạc quan tin tưởng GDP của Nga sẽ tăng từ 2,3%-2,4%/năm từ năm 2016-2018 có lẽ không phải là điều gì quá mơ mộng.
MINH CHÂU