
Ngày 26-1, hãng Reuters đưa tin giá dầu thế giới lại rơi xuống mức dưới 30 USD/thùng (29,78 USD/thùng) chỉ vài ngày sau khi tăng lên hơn 32 USD/thùng. Jean-Michel Six, nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của công ty xếp hạng tín dụng Standard and Poor’s, cảnh báo đây thực sự là mối đe dọa đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán lao đao
Kang Yoo-jin, nhà phân tích về hàng hóa của công ty đầu tư và chứng khoán NH tại Seoul (Hàn Quốc), cho hay đợt giá lạnh tại Mỹ và khu vực Bắc bán cầu đã giúp giá dầu tăng tạm thời. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý đã lại đẩy dầu thô xuống mức giá thấp. Sản lượng khai thác dầu tại Iraq đạt mức kỷ lục lên 4 triệu thùng/ngày, trong khi Công ty dầu khí quốc gia Saudi Arabia Aramco tiếp tục đầu tư để nâng cao khả năng khai thác dầu và khí đốt đã tạo ra sự quan ngại về cung vượt quá cầu ngày một lớn. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến diễn ra vào ngày 26-1 (giờ địa phương). Đây là cuộc họp đầu tiên của FED kể từ sau khi cơ quan này cho nâng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 12-2015. Daniel Ang, chuyên gia đến từ Công ty Phillip Futures của Singapore, nhận định: “Tăng trưởng toàn cầu yếu không chỉ đặt gánh nặng lên vai của FED mà còn cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Có nghĩa đồng USD có thể sẽ không duy trì mức cao như hiện nay sau cuộc họp của FED. Điều này sẽ ít nhiều giúp giá dầu tăng trở lại”.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 6,4%, một phần vì giá dầu
Giá dầu giảm cùng nỗi lo dòng vốn tiếp tục chảy khỏi thị trường khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 6,4% trong ngày 26-1. Chỉ số Shanghai Composite trong phiên giao dịch cuối ngày mất 6,42%, ở mức 2.749,79 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2014. Nỗi lo về giá dầu cũng khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc sụt giảm với lần lượt chỉ số Nikkei 225 mất 2,35%, Kospi mất 1,15%. Một ngày trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng ngập tràn trong sắc đỏ vì dầu.
Thương mại sụt giảm, bất ổn xã hội
Chuyên gia Jean-Michel Six cảnh báo giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài ảnh hưởng nặng nề đến thương mại thế giới. Theo thống kê của cơ quan phân tích chính sách kinh tế của Chính phủ Hà Lan, thương mại thế giới đã sụt giảm 0,1% trong tháng 11-2015 so với 1 tháng trước đó. Nguyên nhân là do các nước xuất khẩu dầu thô không nhập khẩu hàng hóa nhiều nữa do nguồn thu từ dầu đang co lại.
Giá dầu mỏ thấp có lợi cho ngành vận tải nhưng đe dọa đến sự tồn vong của ngành công nghiệp năng lượng. Olivier Garnier, nhà kinh tế trưởng của Societe Generale cho rằng hậu quả của giá dầu thấp sẽ là núi nợ đè lên vai các công ty khai thác dầu.
Theo chuyên gia Jean- Michel Six, chính nhu cầu hàng hóa từ các nước xuất khẩu dầu đã giúp châu Âu và Mỹ rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhu cầu từ các đối tác xuất khẩu dầu sụt giảm có thể sẽ là yếu tố làm suy yếu một châu Âu đang phục hồi mong manh.
Một yếu tố đáng lo ngại nữa, theo nhà kinh tế trưởng Olivier Garnier nhận định, ở những quốc gia xuất khẩu dầu phải đối mặt với vấn đề nợ công, thắt lưng buộc bụng; chính sách không được lòng dân đó sẽ nhanh chóng tạo ra sự bất ổn trong xã hội.
Ngày 26-1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) “bơm” vào hệ thống tài chính lượng tiền nhiều nhất trong một ngày kể từ tháng 2-2013: 360 tỷ NDT (tương đương 55 tỷ USD). Số tiền này được “bơm” dưới hình thức mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại theo hợp đồng mua lại kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 2,6%, và 80 tỷ NDT (khoảng 12 tỷ USD) theo hợp đồng mua lại kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 2,25%. Việc “bơm” tiền mặt vào hệ thống tài chính này có thể được xem như biện pháp thay thế việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tình hình thanh khoản thường khó khăn trước tuần nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thường “bơm” một lượng lớn tiền mặt vào thị trường tiền tệ nhằm ổn định lãi suất. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)