Kinh tế thế giới đang dần hồi phục với tốc độ đáng ngại: quá nhanh đối với các nền kinh tế mới nổi hoặc quá chậm đối với các nền kinh tế mạnh như Mỹ, Nhật Bản. Hiện tượng này được chuyên gia kinh tế từng đạt giải Nobel của Trường Đại học Columbia, Joseph Stiglitz gọi là tăng trưởng “2 pha”, kèm theo đó là những nguy cơ không thể xem thường.
Các nước đang phát triển hiện dẫn dắt sự phục hồi kinh tế toàn cầu ở mức độ chưa từng có thay vì phải phụ thuộc vào vai trò chủ đạo của Mỹ như trước đây. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), phần đóng góp của các nước đang phát triển trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu đã tăng từ 18% trong năm 1980 lên 26% vào năm 2010. Năm 2010, tăng trưởng của các nước đang phát triển là 7,1% trong khi của các nước giàu là 3%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán trong năm nay, các nước đang phát triển sẽ tiến nhanh hơn các nước giàu 2,5% - 6,5%.
Dễ nhận thấy các nền kinh tế đang nổi ngày càng có những ảnh hưởng rộng hơn tới bộ mặt kinh tế thế giới. Dẫn đầu là Trung Quốc với việc vượt qua Nhật trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Tốc độ tăng trưởng nhanh ở những nền kinh tế đang nổi đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời tạo ra những thị trường tiêu dùng vô cùng rộng lớn cho các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và nhiều quốc gia phát triển khác.
Tăng trưởng - lạm phát
Giá cả tiêu dùng tăng chóng mặt tại Argentina, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc... đang để lại hậu quả. Lạm phát lên tới gần 5% tại Trung Quốc, hơn 9% tại Ấn Độ và gần 11% tại Argentina. Trong khi đó, lạm phát ở Mỹ trong năm 2010 chỉ là 1,9%.
* Kinh tế phát triển “2 pha” thật sự đang khiến thế giới đối mặt với thách thức. Nhà sản xuất các thiết bị hạng nặng của Mỹ Caterpillar lo sợ mâu thuẫn giữa các quốc gia có mức tăng trưởng nhanh và chậm đang dần phá hỏng sự hợp tác. Thay vì phục hồi kinh tế phải đều khắp trên toàn cầu, nền kinh tế phát triển “2 pha” hiện nay có thể khiến đoàn tàu kinh tế thế giới trật bánh do những tranh cãi về thương mại và tiền tệ. |
Theo Công ty Tư vấn bất động sản CB Richard Ellis của Mỹ, đầu tư vào thị trường bất động sản châu Á đã tăng mạnh tới 59% trong năm 2010 lên 63 tỷ USD, nhờ nền kinh tế khu vực dẫn đầu tiến trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi đó, năm 2009, con số này chỉ là 39,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chính phủ ở châu Á đã tỏ ra lo ngại về nguy cơ những bong bóng tài sản vô cùng nguy hiểm được tạo ra bởi dòng tiền đầu tư ồ ạt từ nước ngoài.
Để đối phó với tình hình trên, nhất là khi CB Richard Ellis dự đoán dòng đầu tư vào bất động sản tại châu Á sẽ tiếp tục tăng trong năm 2011, các nhà hoạch định chính sách từ Thái Lan đến Brazil đã đánh thuế lên các nhà đầu tư nước ngoài và tăng tỷ lệ lãi suất. Ví dụ rõ nhất là Brazil. Tháng 1 vừa qua, chỉ trong một đêm, Ngân hàng Trung ương Brazil đã nâng tỷ lệ lãi cho vay từ 10,75% lên 11,25%. Trong khi đó, tỷ lệ lãi cho vay tại Mỹ chỉ là 0,15%.
Đa phần các chuyên gia kinh tế đều cho rằng các quốc gia đang phát triển khác có thể tránh được lạm phát bằng cách để đồng tiền của nước mình tăng giá thật nhanh nhằm kìm giá các mặt hàng nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, hầu hết các nước này đều không muốn làm như vậy vì đồng tiền mạnh hơn sẽ khiến các mặt hàng xuất khẩu của họ trở nên đắt đỏ và giảm tính cạnh tranh ở các nước khác. Cũng chính vì vấn đề định giá đồng tiền mà Mỹ và Trung Quốc, quốc gia có xuất khẩu chiếm tới 30% tổng sản lượng kinh tế quốc gia, đã tranh cãi gay gắt và thổi bùng lên nguy cơ về tranh chấp quốc tế xung quanh lĩnh vực thương mại và tiền tệ.
Thất nghiệp - thâm hụt ngân sách
Tỷ lệ thất nghiệp cao đang là vấn đề đau đầu đối với chính phủ tại các quốc gia giàu. Cuối năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha đã lên tới hơn 20%, ở châu Âu là 9,6% và ở Mỹ là 9,4%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Brazil là 5,3%. Trước đây, các nước đang phát triển thường bị phụ thuộc vào các nước mạnh, đặc biệt là Mỹ, để tạo ra tăng trưởng toàn cầu, theo đó sẽ đem lại lợi ích cho các nước này khi các nước giàu mua các sản phẩm xuất khẩu của những nước nghèo hơn. Do đó, một khi các nước giàu bị mất ổn định thì các nước nghèo hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Giáo sư Robert Lawrence, chuyên gia về chính sách thương mại của Đại học Harvard (Mỹ), mối quan hệ này giờ đã bị đảo ngược. Các nền kinh tế mới nổi đã khéo léo tránh được cuộc khủng hoảng nhà ở, yếu tố làm đóng băng thị trường tín dụng tại Mỹ và châu Âu, đồng thời tiếp tục tăng trưởng, dù chậm hơn so với trước đây. Chính phủ những nước này không phải lo bảo lãnh cho các ngân hàng của mình, hứng chịu tỷ lệ thất nghiệp cao hay tăng trưởng đình đốn - những hệ quả thường thấy của khủng hoảng tài chính. Vì vậy, năm 2009, số lượng các ngân hàng tại các nước đang phát triển tăng 2,5%. Trong khi đó, tại các quốc gia giàu, số lượng ngân hàng giảm 3,4%. Do lo ngại tê liệt thị trường tài chính tại các nước giàu, Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước tiếp tục cho vay để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc. Và họ đã làm như vậy, xuất ra các khoản vay mới lên tới 1,4 ngàn tỷ USD trong năm 2009, trong khi cùng năm đó lượng cho vay tại các ngân hàng của Mỹ sụt giảm.
Thâm hụt ngân sách chính phủ ở các nước giàu ngày càng lớn. Đó là hệ quả của việc nguồn thu thuế giảm sút, chi phí bảo lãnh hệ thống ngân hàng, giá các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng và nhu cầu kích thích nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế Mỹ dự đoán thâm hụt ngân sách 2011 của Mỹ có thể đạt mức 1.650 tỷ USD. Còn tại Anh, Ireland và Tây Ban Nha, chính phủ đua nhau thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, tăng thuế để tránh thâm hụt ngân sách. Chính phủ Bồ Đào Nha thì sụp đổ do không thống nhất được về chính sách cắt giảm ngân sách. WB cảnh báo các chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ khiến mức tăng trưởng ở các nước giàu giảm 0,7% trong năm nay và 0,4% trong năm 2012. Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang tiếp tục phải trang trải cho các khoản nợ chồng chất vay từ thời kỳ chi tiêu lu bù hồi giữa những năm 2000. Hiện gần 1,4 triệu người Mỹ bị thất nghiệp, trong đó 1,8 triệu thất nghiệp đã 2 năm nay hoặc thậm chí còn lâu hơn...
Không phải chịu gánh nặng do khủng hoảng tài chính, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia đang phát triển khác tiếp tục duy trì mức tăng trưởng nhanh nhờ tiến hành chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Trên thực tế, các nước này đang tự tạo ra mức tăng trưởng cho mình thay vì phải dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa cho các nước giàu. Năm 2010, nhu cầu trong nước, bao gồm cả đầu tư kinh doanh, các chương trình của chính phủ và mức chi tiêu của người tiêu dùng, chiếm tới 80% tăng trưởng của Trung Quốc.
Đỗ Văn