Các nhà lãnh đạo thế giới vừa đón nhận một cảnh báo thẳng thừng rằng thế giới vẫn chưa thể đối phó hiệu quả với các cú sốc sau khi nền kinh tế toàn cầu bị suy yếu từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Theo bản báo cáo từ cuộc thăm dò do các tổ chức tài chính uy tín thế giới thực hiện cho Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công tác điều hành yếu kém và sự thiếu thống nhất trên toàn cầu là hai thách thức lớn nhất cho các nhà hoạch định chính sách. Bản báo cáo nhận định cuộc khủng hoảng tài chính đã làm giảm mức độ năng động của kinh tế toàn cầu, đồng thời làm tăng thêm căng thẳng về địa chính trị, khiến nhiều xã hội suy giảm khả năng đối đầu với các thách thức toàn cầu. Trong khi đó, thế giới ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ hơn, vì vậy những tác động xấu càng dễ ảnh hưởng qua lại và trở nên nghiêm trọng.
Báo cáo của các chuyên gia tại WEF cho rằng cải thiện khả năng điều hành toàn cầu là yếu tố cơ bản để vượt qua những thách thức. Tuy nhiên, để thực hiện sẽ không dễ dàng do thế giới vẫn còn những khác biệt về lợi ích, xung đột về động cơ cũng như mâu thuẫn về giá trị và tiêu chuẩn phát triển. Tiêu biểu nhất là thất bại tại vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại thế giới và Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen.
Các nhà kinh tế xếp các nguy cơ thành 3 nhóm chính. Thứ nhất, nguy cơ một cuộc khủng hoảng kinh tế mới xuất phát từ tình trạng căng thẳng giữa các nền kinh tế mới nổi cũng như mức độ vỡ nợ của phương Tây. Thứ hai là hệ thống kinh tế ngầm, thương mại bất hợp pháp, tội ác có tổ chức và tham nhũng. Bản báo cáo cho biết giá trị thương mại bất hợp pháp toàn cầu ước tính lên đến 1,3 ngàn tỷ USD trong năm 2009. Thứ ba là những áp lực mang tính chất không bền vững đè nặng lên nguồn tài nguyên. Do dân số tăng, xã hội giàu lên nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nước uống và năng lượng sẽ cao hơn từ 30% đến 50% trong 20 năm tới. Điều này sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng tăng cao gây biến động xã hội.
Ngoài ra còn có các nguy cơ như khả năng xảy ra cuộc chiến tổng lực trên không gian ảo, áp lực tài chính từ lực lượng dân số già và các nhóm khủng bố trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt...
Theo ông Robert Greenhill, trưởng bộ phận doanh nghiệp của WEF, những hệ thống được hình thành trong thế kỷ 20 không thể giúp thế giới đối phó với các nguy cơ của thế kỷ 21. Do đó, thế giới cần những hệ thống mới để xác định và giải quyết các thách thức trước khi nó trở thành các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Daniel Hoffman, nhà kinh tế đứng đầu Tập đoàn Tài chính Zurich, nói đa số các chính sách tài chính của các nền kinh tế công nghiệp hóa hiện nay không vững bền, thiếu sự điều chỉnh cấu trúc sâu rộng, dễ dẫn tới nguy cơ lớn về vỡ nợ.
Khánh Minh (theo Guardian)