Kinh tế Trung Quốc: Cố gắng tìm lại đà tăng trưởng

Hãng tin Reuters ngày 19-10 dẫn thống kê mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3-2012 đã chậm lại khi GDP ở mức 7,4%, thấp hơn mức 7,6% của quý 2-2012. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có thể đang dần phục hồi.  
Kinh tế Trung Quốc: Cố gắng tìm lại đà tăng trưởng

Hãng tin Reuters ngày 19-10 dẫn thống kê mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3-2012 đã chậm lại khi GDP ở mức 7,4%, thấp hơn mức 7,6% của quý 2-2012. Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có thể đang dần phục hồi.  

Dây chuyền lắp ráp ô tô ở nhà máy của SAIC-GM-Wuling, Thanh Đảo, Trung Quốc.

Dây chuyền lắp ráp ô tô ở nhà máy của SAIC-GM-Wuling, Thanh Đảo, Trung Quốc.

Nhịp tăng trưởng chậm lại

Đã 7 tháng liên tục, GDP Trung Quốc sụt giảm. Đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tăng trưởng chậm lại. Lý do được đưa ra là tăng trưởng của Trung Quốc trong những năm gần đây phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu Trung Quốc như cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu, sự phục hồi chậm chạp của kinh tế Mỹ… Các chuyên gia kinh tế quan ngại rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới và có thể thấp hơn mức 7%, dẫn đến đình trệ thị trường nội địa và quốc tế. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể ở mức 7,5% trong năm 2012. 

Sự đình trệ kinh tế khiến nhiều người lo lắng có thể khiến các doanh nghiệp phải giảm số lượng lao động. Trong trường hợp kinh tế xấu đi, giá cả bất động sản cũng sẽ bị kéo theo, giảm giá trị tài sản của rất nhiều người. Trong khi đó, AFP ngày 19-10 đưa tin, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 9. Trong 9 tháng năm 2012, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 83,4 tỷ USD vào Trung Quốc, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính do kinh tế toàn cầu tiếp tục ảm đạm trong khi nền kinh tế Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi.

Dấu hiệu phục hồi

Tuy nhiên, một số thống kê khác lại cho thấy có tín hiệu phục hồi ở nền kinh tế thứ 2 thế giới. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2011 và cao hơn mức 8,9% trong tháng 8. Tăng trưởng doanh số bán lẻ thường niên ở mức 14,2% so với một năm trước đó, phát đi tín hiệu nhu cầu nội địa đang quay trở lại.

Ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế Công ty Nomura (Hồng Công - Trung Quốc) cho rằng, tăng trưởng sẽ phục hồi thấy rõ trong quý 4-2012. Theo chuyên gia kinh tế Dariusz Kowalczyk tại Credit Agricole - CIB (Anh), đã đến lúc thôi quan ngại về tình trạng trì trệ kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 9-2012, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ cũng như đầu tư bất động sản so với cùng kỳ năm 2011 đều đã tăng, cho thấy đà cải thiện của kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đã tung ra nhiều gói kích cầu trong những tháng gần đây nhằm củng cố nhu cầu thị trường nội địa và ổn định tăng trưởng. Ngân hàng trung ương đã hạ mức dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng xuống 3 lần trong những tháng trước nhằm đẩy mạnh vay vốn ngân hàng. Chính phủ nước này cũng đã cắt lãi suất 2 lần kể từ tháng 6 để giảm bớt gánh nặng của các doanh nghiệp và những người vay vốn khác. Bắc Kinh đồng thời cũng đã thông qua nhiều dự án cơ sở hạ tầng với tổng giá trị 94 tỷ USD trong nỗ lực thúc đẩy làn sóng tăng trưởng kinh tế mới.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng dù có dấu hiệu phục hồi nào đi nữa thì cũng chỉ đang ở trong thời kỳ bắt đầu, nền kinh tế nước này cần thêm sự hỗ trợ để tiếp tục duy trì tăng trưởng. Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng vào việc Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp để đẩy mạnh tăng trưởng. Hiện có các ý kiến quan ngại xoay quanh vấn đề nếu Trung Quốc ngưng hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp, tăng trưởng có thể bị chững lại hoặc quay đầu.

Đỗ Cao (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục