Kinh tế Trung Quốc trong vòng luẩn quẩn

Một số liệu thống kế về tình hình kinh tế Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2016 cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2000, mức tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định của nước này đạt dưới mức 10%. Một chuyên gia kinh tế của chính phủ Trung Quốc cảnh báo, tổng nợ của nước này năm 2015 đã nhiều hơn gấp 2 lần GDP của đất nước. Trong khi đó, một chuyên gia khác nhận định, kinh tế của Trung Quốc đang ở trong vòng luẩn quẩn.
Kinh tế Trung Quốc trong vòng luẩn quẩn

Một số liệu thống kế về tình hình kinh tế Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2016 cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2000, mức tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định của nước này đạt dưới mức 10%. Một chuyên gia kinh tế của chính phủ Trung Quốc cảnh báo, tổng nợ của nước này năm 2015 đã nhiều hơn gấp 2 lần GDP của đất nước. Trong khi đó, một chuyên gia khác nhận định, kinh tế của Trung Quốc đang ở trong vòng luẩn quẩn.

Nợ tương đương 249% GDP

Nợ của Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng do Bắc Kinh thi hành chính sách tín dụng giá rẻ trong nỗ lực nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế. Li Yang, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho báo chí biết rằng, tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc đã vay tổng cộng hơn 25.000 tỷ USD, tương đương với 249% GDP.

Các “thành phố ma” tại Trung Quốc là minh chứng cho việc đầu tư không hiệu quả khiến bong bóng nợ Trung Quốc tăng mạnh

Thật ra con số nợ khổng lồ này vẫn còn thấp hơn một số thẩm định của các tổ chức quốc tế. Công ty Tư vấn McKinsey Group cho biết, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2007 và tính đến giữa năm 2014 đã lên đến 28.000 tỷ. Theo một chuyên gia kinh tế Trung Quốc, rủi ro đáng lo ngại nhất nằm ở khu vực doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực tài chính. Nhiều công ty trong số này là các doanh nghiệp nhà nước đã vay rất nhiều từ các ngân hàng được nhà nước hỗ trợ.

Các vấn đề của khu vực này có thể gây nên những rủi ro mang tính hệ thống cho nền kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước bởi vì các ngân hàng Trung Quốc có liên hệ rất chặt chẽ với chính phủ. Chính vì vậy mà theo chuyên gia Li Yang, Trung Quốc phải giải quyết vấn đề nợ khẩn cấp hơn là các quốc gia khác dù tỷ lệ nợ tính trên GDP của nước này không phải là thuộc loại cao nhất thế giới (tỷ lệ này của Mỹ là 331%). Trước đó, Phó tổng giám đốc thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) David Lipton cũng đã báo động về món nợ ngày càng tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nguy cơ nợ chồng nợ

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, đầu tư vào tài sản cố định của nước này tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự đoán 10,5% từ tháng 1 đến tháng 4 của các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng đầu tư tư nhân vào tài sản cố định cùng kỳ chỉ đạt mức 3,9% so với mức dự báo 5,2%. Đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi Trung Quốc bắt đầu thu thập số liệu vào năm 2012. Tỷ lệ tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đạt mức 6%, không đổi so với tỷ lệ cùng kỳ năm ngoái và tháng 4 năm nay. Trước đó, các nhà kinh tế đã dự đoán rằng, tỷ lệ này sẽ giảm nhẹ còn 5.9%.

Một số số liệu mới được công bố ngày 13-6 có vẻ lạc quan hơn, cho thấy có thể tránh được nguy cơ các hoạt động kinh tế sụp đổ đột ngột. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là tới đây Trung Quốc sẽ đạt được mức tăng trưởng đáng chú ý. Do tình trạng chậm tăng trưởng kinh tế kéo dài, nhiều nhà phân tích nhận định rằng các biện pháp khôi phục kinh tế có thể sẽ được bổ sung trong những tháng tới đây. Ngân hàng ANZ dự báo, Chính phủ Trung Quốc có thể công bố các biện pháp ngân sách mới. Vấn đề mấu chốt nằm ở đây.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang ở trong một vòng luẩn quẩn: mức tăng đầu tư của Trung Quốc đã sụt xuống dưới mức 10% lần đầu tiên từ năm 2000 nên Bắc Kinh được dự báo là sẽ lại thi hành những biện pháp mới để kích thích nền kinh tế. Nhưng giải pháp đó có nguy cơ làm tăng hơn nữa mức nợ của Trung Quốc.


ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục