Kinh tế vĩ mô tháng 5-2016: Xuất khẩu tăng trưởng khá

Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5-2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam tháng 5 có diễn biến khả quan, sức cầu nền kinh tế tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng khá, thu hút FDI tăng trưởng mạnh mẽ, tín dụng tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối ổn định.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5-2016 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV đưa ra nhận định, kinh tế Việt Nam tháng 5 có diễn biến khả quan, sức cầu nền kinh tế tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng khá, thu hút FDI tăng trưởng mạnh mẽ, tín dụng tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối ổn định.

Báo cáo đã trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước thực hiện 5 tháng đầu năm 2016 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, đà tăng có phần giảm sút so với cùng kỳ năm trước (9,2%). Nhưng đáng lưu ý, tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho tăng 8,7% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2015 (11,5%), điều này cho thấy tín hiệu tiêu thụ tốt của thị trường.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp (DN), trong 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 44.740 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349,5 ngàn tỷ đồng, tăng 24,1% về số DN và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%; điều này cho thấy kỳ vọng của DN vào nền kinh tế đang tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ yếu tố giá là 7,9%, thấp hơn mức tăng 8,2% của năm 2015. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 5-2016 tăng 0,54% so với tháng trước, tương đương mức tăng 1,88% so với đầu năm. Trong tháng 5-2016, ngoài tính chu kỳ, mức lương tối thiểu cán bộ công chức, viên chức điều chỉnh tăng từ ngày 1-5, mức giá xăng dầu được điều chỉnh tăng từ 20-4 khi giá thế giới xấp xỉ 50USD/thùng đã tác động lên mặt bằng giá chung. Cụ thể, các nhóm giao thông có mức tăng mạnh nhất tương ứng 2,39%. Dự báo trong quý 2-2016, CPI sẽ tăng dần lên vì nhiều nguyên nhân.

Xuất khẩu trong tháng 5 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 lên mức 67,70 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 38,5% kế hoạch). Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước gồm điện thoại các loại và linh kiện tăng 21,5%; giày dép tăng 7,9%; dệt may tăng 6,2%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,5%. Các thị trường hàng hóa xuất khẩu chính vẫn là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Nhập khẩu trong tháng 5 ước đạt 15 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2016 lên mức 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có nhập khẩu chính là: Điện thoại và linh kiện giảm 5,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 8,9%. Các thị trường nhập khẩu lớn nhất lần lượt là: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU… Cán cân thương mại trong 5 tháng đầu năm 2016 ở trạng thái xuất siêu 1,36 tỷ USD, tương đương 2,1% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,89 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,25 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tích cực với kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 82,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 80,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 2 tỷ USD nhờ triển vọng tích cực của một số nền kinh tế lớn cũng như cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong năm 2016.

Lãi suất huy động duy trì sự ổn định sau 2 đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động (0,2% - 0,4%) của các ngân hàng trong tháng 2 và tháng 4-2016. Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8% -5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 5,4% - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6% - 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9% - 10%/năm. Lãi suất cho vay thông thường ở mức 6,8% - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3% - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Việc ổn định lãi suất cho vay là một trong những điều kiện tốt để các DN mạnh dạn đưa vốn vay vào các dự án đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục