Tiếp nối các sắc lệnh được ban hành kể từ khi lên nắm quyền, ngày 3-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành 2 sắc lệnh yêu cầu rà soát lại những đạo luật chủ chốt về tài chính có hiệu lực sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Đây được coi là một phần trong kế hoạch cải tổ hệ thống pháp lý tài chính của chính quyền mới.
Tiếp tục bãi bỏ một số di sản của cựu Tổng thống Obama
Đáng chú ý nhất là sắc lệnh rà soát đạo luật Dodd - Frank, hay còn gọi là Đạo luật Cải cách tài chính phố Wall và Bảo vệ người tiêu dùng, do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama thông qua năm 2010 nhằm ứng phó với tác động của cuộc khủng hoàng tài chính 2008. Với sắc lệnh trên, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục bãi bỏ một di sản khác của người tiền nhiệm sau khi bãi bỏ Đạo luật y tế giá rẻ, hay còn gọi là ObamaCare, ngay sau khi nhậm chức.
Phát biểu sau cuộc gặp với nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp và ngân hàng tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ điều chỉnh đạo luật Dodd - Frank, bởi các quy định và điều khoản của văn kiện này đã khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Nội dung chính của đạo luật này là vạch ra những cách thức mới để giám sát rủi ro trong hệ thống tài chính, trong đó yêu cầu các ngân hàng phải trải qua các bài kiểm tra “sát hạch” hàng năm. Bên cạnh đó, đạo luật còn đề ra những quy định mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phát sinh phức tạp vốn là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đạo luật này cũng áp đặt những hạn chế cho vay đối với các ngân hàng lớn.
Sắc lệnh thứ hai là đề ra những chỉ dẫn và quy tắc mới nhằm điều chỉnh hệ thống tài chính Mỹ. Trong sắc lệnh này, ông Donald Trump chỉ thị Bộ Tài chính Mỹ làm việc với các nhà chức trách liên quan để rà soát lại quy định pháp lý tài chính hiện này, qua đó ngăn chặn rủi ro tài chính và vẫn thúc đẩy tăng trưởng, bảo vệ người tiêu dùng. Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump cũng đã ký quyết định yêu cầu Bộ Lao động Mỹ xem xét lại quy định về quản lý các khoản tiết kiệm của người về hưu, vốn được đưa ra dưới thời chính quyền Obama và dự kiến có hiệu lực vào tháng 4 năm nay.
Sắc lệnh cấm nhập cư lại bị chặn
Ngày 3-2, một thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle, bang Washington, đã ra phán quyết trên quy mô toàn quốc chặn sắc lệnh cấm người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia nhập cảnh vào Mỹ do Tổng thống Donald Trump ban hành hồi cuối tháng trước. Thẩm phán James Robart tuyên bố phán quyết có hiệu lực ngay, theo đó lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump có thể được dỡ bỏ ngay lập tức.
Thẩm phán James Robart ra phán quyết chặn sắc lệnh cấm người tị nạn của Tổng thống Donald Trump
Ngay sau phán quyết, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) đã thông báo với các hãng hàng không rằng họ có thể nhận hành khách bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ phán quyết này. Bình luận trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Trump coi phán quyết này là lố bịch và tuyên bố sẽ lật ngược phán quyết này. Theo ông, khi một quốc gia không thể quyết định việc cho phép ai đến và ai không được đến nước mình, đặc biệt là vì lý do an ninh, thì đây là vấn đề nghiêm trọng cần xem xét.
Trong phản ứng mới nhất, Nhà Trắng cam kết chống lại phán quyết của thẩm phán James Robart. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer gọi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ là “hợp pháp và phù hợp”, đồng thời khẳng định Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu hoãn thi hành khẩn cấp đối với phán quyết của tòa án liên bang sớm nhất có thể.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, gần 60.000 thị thực đã bị thu hồi kể từ khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào nước này, thấp hơn so với con số mà truyền thông nước này đưa ra trước đó là 100.000 thị thực.
HẠNH CHI (tổng hợp)