Bài 1: Năng lực cạnh tranh yếu

LTS:
Bài 1: Năng lực cạnh tranh yếu

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN - Cơ hội hay thách thức?

LTS: Năm 2015 được xem là năm bản lề cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Cơ bản tự do hóa hoàn toàn thuế quan trong ASEAN, hướng đến hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) theo nguyên tắc sẽ được ký kết; làn sóng M&A diễn ra ngày càng  mạnh mẽ…

Trong bối cảnh này chúng ta sẽ nhìn lại năng lực cạnh tranh của Việt Nam,  thị trường - hàng hóa đang diễn biến như thế nào? Doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VN) chuẩn bị những gì để phát triển và đâu là con đường lựa chọn tối ưu? Dưới đây là loạt bài viết mang tính khái quát về nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trước thời điểm hình thành AEC.

Gần 8 năm đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng những “sóng gió” của nền kinh tế nội tại nhưng doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) không ngừng lớn mạnh về số lượng. Tuy nhiên, nếu xét về chất lượng, nhiều ý kiến cho rằng rất đáng lo ngại, bởi hiện có hơn 90% DN nhỏ và vừa, trong số đó có DN rất nhỏ, năng lực cạnh tranh kém, dẫn đến năng lực cạnh tranh của VN luôn xếp thứ hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực.

Chậm cải thiện

Báo cáo mới nhất từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2014 - 2015 cho thấy, chỉ số năng lực cạnh tranh của VN tăng 2 bậc, từ vị trí 70 lên 68 trong 148 nền kinh tế. Còn theo Báo cáo môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2014, VN xếp hạng 78 trên 189 nước. Bình luận về kết quả này, tại hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế” do Bộ Ngoại giao, VCCI và WEF tổ chức vào cuối tháng 11-2014, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, thực tế này rất đáng lo ngại!

 

* TS VÕ TRÍ THÀNH, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương:

“VN và khu vực đang ở thời khắc quan trọng, đánh dấu bước quá độ của cách làm ăn mới, cách sống mới. Cái cũ vẫn có thể dùng tiếp, nhưng muốn vươn lên phải là cái mới”.

 

Theo phân tích của ông Vũ Tiến Lộc, xét về yếu tố thể chế kinh tế, VN xếp hạng 92 thế giới, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn Myanmar. Nhóm yếu tố về sáng tạo, VN xếp hạng 87 thế giới; chất lượng giáo dục và đào tạo bậc cao của VN tiếp tục đứng ở vị trí 96. Một điểm đáng lưu ý nữa là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của VN xếp hạng 99. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhìn nhận, tuy đã có nhiều nỗ lực, song năng lực cạnh tranh của VN còn chậm cải thiện và có vị trí xếp hạng khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các DNVN.

Một phân tích khác do WTO thực hiện cách đây chưa lâu tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu biểu, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu cũng cho thấy, việc cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của VN đứng cuối cùng của danh sách này. Nếu so với các nước ASEAN, hoạt động thương mại và đầu tư của VN  vẫn ở trình độ thấp. Đáng chú ý các nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia lần lượt theo thứ tự là 14, 19, 25 và 32. Theo phân tích của PGS-TS Nguyễn Xuân Thiên, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong điều kiện tương đồng về cấu tạo tài nguyên thì lợi thế dựa trên điều kiện sản xuất cấp thấp sẽ trở nên hạn hẹp. Nếu chỉ dựa vào lợi thế này thì thương mại của VN trong ASEAN chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Nguyên nhân chính không phải ở chỗ có sự tương đồng về cấu tạo tài nguyên gây ra mà là các điều kiện sản xuất vốn có của các quốc gia ASEAN hơn hẳn VN.

Tại thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu của VN đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa thể cân bằng giữa xuất và nhập. Nói cách khác, VN vẫn đang nhập siêu từ các nước trong khu vực. Cụ thể, năm 2013, VN xuất khẩu vào ASEAN đạt 18,4 tỷ USD nhưng vẫn nhập khẩu tới 21,35 tỷ USD. 50% tổng kim ngạch xuất khẩu VN đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, trong khi ASEAN chỉ chiếm khoảng 22% - một tỷ lệ thấp so với mức trung bình 25%.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Cao Thăng

Doanh nghiệp ngành nào cũng khó!

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có gần 600.000 DN, với số vốn khoảng 6 triệu tỷ đồng. Theo kết quả điều tra những năm gần đây, nếu đem tiêu chí DN nhỏ và vừa (DNNVV) là dưới 300 lao động và vốn dưới 10 tỷ đồng thì có đến 96,81% DN của VN thuộc nhóm này. Trong đó, xét quy mô về vốn thì DN có số vốn dưới 1 tỷ đồng chiếm 41,8%; từ 1-5 tỷ đồng chiếm 37,03%; DN có vốn từ 5-10 tỷ đồng chỉ chiếm 8,18%. Về quy mô lao động có tới 51,3% DN có dưới 10 lao động… Tại 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM, số lượng DNNVV chiếm gần 45% tổng số DNNVV của cả nước.

Báo cáo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về năng lực cạnh tranh của DNVN sau hơn 5 năm gia nhập WTO chỉ rõ, số lượng và đội ngũ DN phát triển rất mạnh, song năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới chưa được cải thiện đáng kể, sức cạnh tranh của DNVN vẫn còn thấp, độ ổn định chưa cao. Đa số các DNVN có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng; sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu làm gia công, nên phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào; chất lượng nhân lực của DN chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp…

Một nghiên cứu cách đây không lâu đối với 63.000 DN trên cả nước cho thấy kết quả đáng lo ngại là 43% chủ DN có trình độ trung học trở xuống. Với trình độ này, việc tiếp cận và tìm hiểu các công cụ quản lý đối với họ rất khó khăn. Cũng có tới 63% DN đang vướng phải chuyện không tuyển dụng được người tài, 55% khó khăn trong việc giữ chân người giỏi… Do hạn chế về vốn, công nghệ nên DNNVV rất khó tham gia những dự án lớn. Đó là chưa kể các DN còn bị hạn chế bởi môi trường kinh doanh chưa thông thoáng, vẫn còn bị phân biệt đối xử so với các loại hình DN khác. Thiếu mặt bằng, các rào cản về thuế, khả năng tiếp cận thị trường kém, đang trở nên bức bách tại nhiều DN. Chất lượng và khả năng cạnh tranh về mặt quản lý chiến lược, tái cơ cấu tổ chức quản lý, quản trị cũng là vấn đề sống còn đối với các DN.

Về năng lực cạnh tranh của từng ngành, ông Cao Tiến Vị, Ủy viên Hiệp hội Giấy và bột giấy VN nhìn nhận, sản xuất giấy là ngành công nghiệp nặng, cần đầu tư lớn mới có thể duy trì cạnh tranh. Lãi suất của VN hiện đã cải thiện nhiều, khá tốt so với thời gian trước, nhưng để cạnh tranh với khu vực thì cũng là một thách thức, khi DN phải trả lãi vay nhiều do đầu tư lớn nên không còn lợi nhuận. Mặt khác, trước năm 2008, các DN đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất mới được hỗ trợ 30% - 50% lãi suất sau đầu tư, nhưng sau đó bị cắt ngang nên các DN rất khó khăn khi bài toán ban đầu xây dựng kế hoạch đầu tư bị phá vỡ.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức cạnh tranh chưa cao. Ảnh: CAO THĂNG

Ở một lĩnh vực khác, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam, cho rằng, ngành thép đang ở thế phòng ngự là chính. Cả năm 2013, phần lớn các DNVN chỉ sản xuất phôi thép được 60% công suất thiết kế, các sản phẩm khác chỉ có 40%, luyện gang được 30% công suất. So với Nga, nước có chi phí sản xuất thép thấp nhất thế giới thì chi phí sản xuất 1 tấn phôi của VN cao gấp 3 lần. Thép VN cũng đang cạnh tranh “vật vã” trước một số nước.

Ngành giày dép hiện có thế mạnh, mặc dù các DN đã tìm mọi cách để giảm phụ thuộc nguyên phụ liệu từ 80% xuống còn 60%, nhưng đến nay không ít DN vẫn lúng túng vì chưa thể chứng minh giá thành sản phẩm phù hợp với chất lượng. Tương tự, với ngành dệt may, nếu DN không hợp sức để đứng vào chuỗi giá trị toàn cầu, chắc chắn sẽ bị tuột mất cơ hội khi các hiệp định song phương và đa phương được ký kết.

Bên cạnh những tồn tại, khó khăn, điều khiến nhiều chuyên gia lo ngại là đến nay vẫn chưa có được số liệu điều tra chính thức về mức độ quan tâm, am hiểu của DN về hội nhập, cũng như số lượng các DN biết tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong khu vực để tăng lượng hàng xuất khẩu. Nói như ông Cao Tiến Vị, hội nhập, người ta thường nói đến cơ hội. Cơ hội, lợi ích thường dễ thấy, nhưng rủi ro, thách thức không phải ai cũng nhìn ra. Hội nhập sẽ có những rủi ro gì, cần làm những gì để chuẩn bị cũng là một điểm cần xét đến. Khi hội nhập sẽ có những khu vực, DN được lợi, ngược lại sẽ có những DN thiệt hại, cần sự phân tích vĩ mô để có sự định hướng, quy hoạch phù hợp, tránh thiếu thông tin, đầu tư manh mún, đầu tư sai vì thiếu thông tin như hiện nay.

Để kết thúc, chúng tôi dẫn lời của ông Vũ Tiến Lộc: “VN còn cần rất nhiều thời gian và tiền bạc để cải thiện chất lượng hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động. Nhưng điều VN có thể làm được một cách ít tốn kém cả về thời gian lẫn chi phí để trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn, chính là nhanh chóng và quyết liệt nâng cao chất lượng điều hành, cải thiện thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN”.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục