WB: Việt Nam cần đẩy mạnh tăng trưởng năng suất

Tại hội thảo “Triển vọng Kinh tế Việt Nam- Cơ hội nào cho doanh nghiệp (DN)” do Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng 17-5,  bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam có nhiều thuận lợi để hoàn thành mục tiêu 2035 là phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) là 22.000 USD.
WB: Việt Nam cần đẩy mạnh tăng trưởng năng suất

(SGGPO).- Tại hội thảo “Triển vọng Kinh tế Việt Nam- Cơ hội nào cho doanh nghiệp (DN)” do Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức tại TPHCM sáng 17-5,  bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam có nhiều thuận lợi để hoàn thành mục tiêu 2035 là phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) là 22.000 USD.

Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại song phương, khu vực và giữa các khối như AEC, TPP, EU, FTA… Đây là cơ hội sẽ mang lại nhiều tác động và giúp Việt Nam xây dựng được tầng lớp trung lưu và phát triển nhanh trong giai đoạn tới. Ngoài ra, với sự đổi mới sáng tạo về công nghệ  và quản trị kinh doanh trên toàn cầu… cũng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam.

Hội thảo “Triển vọng Kinh tế Việt Nam- Cơ hội nào cho doanh nghiệp (DN)” do Công ty Deloitte Việt Nam tổ chức

Bên cạnh những thuận lợi, bà Victoria Kwakwa cũng đưa ra nhiều thách thức mà Việt Nam phải đối mặt.  Trong đó, tốc độ tăng năng suất bị suy giảm là thách thức lớn để Việt Nam đạt được những mục tiêu vào năm 2035. Theo bà Victoria Kwakwa, động lực phát triển chính của Việt Nam là khu vực tư nhân, tập trung kích thích tăng trưởng dựa vào năng suất. Tuy nhiên, nhìn 10 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam  đã chậm lại và phụ thuộc vào vốn và lao động giá rẻ chứ không dựa trên tăng trưởng năng suất. Trong khi đó, mặc dù Việt Nam có dân số đông, tỷ trọng lao động trẻ cao, nhưng dân số Việt Nam đang già đi nên việc này trở thành thách thức đối với Việt Nam.

Bà Victoria Kwakwa lý giải, tăng trưởng năng suất giảm bị dần là do hoạt động thiếu hiệu quả của cả khu vực công và tư. Thị trường đất đai và thị trường vốn chưa phát triển, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp, sự kết nối chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI còn yếu. Chính vì thế, lộ trình để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành thu nhập cao trong 2 thập kỳ tới là tập trung vào việc đẩy mạnh tăng trưởng năng suất, trước mắt cần ưu tiên tăng năng suất khu vực kinh tế tư nhân.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Hà Thu Thanh- Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam cho rằng, việc phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, trong đó các DN đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững quốc gia. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vì thế việc gắn kết hơn với xu hướng phát triển bền vững là điều tất yếu. Để phát huy vai trò của DN trong phát triển bền vững thì phương thức quản trị mới của DN sẽ phải thay đổi bằng việc quản lý các nguồn vốn tài chính, xã hội và nguồn vốn tự nhiên một cách hài hòa.

       Hạnh Nhung

>>Công bố báo cáo Việt Nam 2035

Tin cùng chuyên mục