
Nói đến gián điệp, người ta thường hình dung ra những nhân vật chuyên đeo kính râm, hành tung bí mật với tài xuất quỷ nhập thần cỡ James Bond 007, vượt qua hàng rào an ninh để đánh cắp tài liệu. Thực tế, hầu hết các trường hợp gián điệp kinh tế diễn ra êm thấm. Thủ phạm có thể là người ngoài, nhưng cũng có thể “gà nhà”. Vấn đề nghiêm trọng là những thông tin rò rỉ có thể gây tổn thất nặng cho doanh nghiệp hoặc cả nền kinh tế quốc gia.
Trước tình trạng các doanh nghiệp Hoa Kỳ thiệt hại hàng chục tỷ USD mỗi năm do bị đánh cắp các bí mật thương mại, Hoa Kỳ đã ban hành Luật tình báo kinh tế vào năm 1996. Dưới đây là một số vụ bắt giữ đầu tiên được thực hiện theo luật mới.
Ăn cắp công nghệ Taxol trị ung thư

Silicon Valley, nơi có mật độ các công ty lớn dày đặc là vùng đất lý tưởng cho hoạt động gián điệp.
Tháng 6-1997, hai công dân Hoa Kỳ là Hsu Kai-lo và Chester H. Ho đã bị FBI bắt giữ và buộc tội âm mưu đánh cắp phương pháp nuôi Taxol từ các tế bào thực vật. Taxol hiện được dùng trong điều trị bệnh ung thư buồng trứng. Thành phần chính của Taxol được chiết xuất từ một loại cây thủy tùng có nguy cơ tuyệt chủng và cần tới 1,5 cây mới cho ra ¼ ounce Taxol.
Vì vậy, tập đoàn Bristol-Myers Squibb đã đầu tư 15 triệu USD để phát triển quy trình nuôi thương mại Taxol từ tế bào thực vật. Phiên tòa sau đó đã đưa ra nhiều phán quyết, kết tội Hsu, Ho cùng với Jessica. Hsu là Giám đốc kỹ thuật, H.Ho là Giám đốc phát triển kinh doanh của Yuen Foong Paper Manufacturing Company -một tập đoàn đa quốc gia của lãnh thổ Đài Loan, Chou là giáo sư công nghệ sinh học tại Trường Đại học Quốc gia Chaio Tung và Viện Khoa học và Công nghệ sinh học Đài Loan. Chou đã may mắn không bị bắt giữ vì khi đó đang ở tại Đài Loan.
Trước đó, Chou đã tiếp xúc với một chuyên gia môi giới thông tin nhằm tìm kiếm kỹ thuật chế tạo Taxol. Tiếp theo, các đại diện của Yuen Foong đã tìm cách hối lộ một nhà khoa học của Bristol-Myers Squibb 400.000 USD tiền mặt cộng thêm cổ phần và hoa hồng trên doanh thu tương lai để lấy cắp công nghệ. Tuy nhiên, người môi giới thực chất lại là nhân viên mật của FBI nên âm mưu này đã bị chặn đứng kịp thời. Taxol là ngành công nghiệp mang lại cả tỷ USD hàng năm cho Bristol-Myers Squibb, riêng giá trị thị phần của Taxol trên thị trường nước ngoài ước tính khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
Phát tán bản vẽ, bán thông tin mật
Ngày 3-10-1997, Steven Louis Davis ở bang Tennessee (Hoa Kỳ) bị kết tội đánh cắp và tiết lộ bí mật thương mại liên quan đến việc phát triển một mẫu dao cạo mới của Hãng Gillette. Davis từng là nhân viên của Wright Industries, một doanh nghiệp chuyên thiết kế sản phẩm tại Tennessee, đã ký hợp đồng với Gillette hỗ trợ phát triển loại dao cạo mới. Ban đầu David được cử làm kỹ sư điều hành quá trình thiết kế sản phẩm nhưng sau đó đã bị Gillette gạt ra. Để trả đũa, anh ta phát tán những bản vẽ bí mật của loại dao cạo mới cho các đối thủ cạnh tranh của Gillette, trong đó có Warner-Lambert, Bic và American Safety Razor Co.
Harold C. Worden-một nhân viên có 30 năm làm việc tại Eastman Kodak Corporation-đã mở một công ty tư vấn ngay sau khi về hưu. Côâng ty này còn môi giới dịch vụ tư vấn của hơn 60 cựu nhân viên Kodak khác và đã ký kết được không ít hợp đồng với nhiều đối thủ cạnh tranh của Kodak cũng như các hãng nước ngoài. Trong thời gian 5 năm cuối tại Kodak, Worden từng là giám đốc dự án chế tạo loại máy đặc biệt mang tên 401. Loại máy này được thiết kế để chế tạo loại nhựa làm phim ảnh mới có chất lượng cao, giá thành rẻ. Khi về hưu, Worden đã đánh cắp hàng ngàn tài liệu có dấu “mật” về việc chế tạo chiếc máy 401, đồng thời còn chiêu dụ người kế nhiệm cung cấp thông tin mật.
Phát ngôn viên của Kodak cho biết, những tài liệu và bản vẽ bị Worden lấy cắp khiến công ty thiệt hại hàng triệu USD, mặc dù tới thời điểm bị bắt, Worden chỉ nhận được có 26.700 USD từ việc bán các thông tin trên. Hơn nữa, nguy cơ tổn thất thị phần do hành động của Worden gây ra có thể sẽ lên đến hàng tỷ USD.
Silicon Valley-thung lũng điệp vụ
Theo các chuyên gia, Silicon Valley là khu vực hấp dẫn nhất do tập trung cao độ các ngành điện tử, hàng không, công nghiệp sinh học và thuê mướn lực lượng lao động đa quốc tịch. Do đó, chỉ riêng tại Silicon Valley, FBI phải cắt cử trên 20 điệp viên giỏi làm việc liên tục nhằm điều tra các vụ trộm cắp bí mật thương mại. Những lĩnh vực bị “săn” nhiều nhất là hàng không, công nghệ sinh học, phần cứng và phần mềm vi tính, kỹ thuật máy móc và vận tải, quốc phòng, viễn thông, nghiên cứu năng lượng, vật liệu cao cấp, laser, quy trình sản xuất và chất bán dẫn. Nạn nhân của gián điệp kinh tế không chỉ có các công ty “nai vàng ngơ ngác” mà còn có cả những tay trùm sừng sỏ cỡ General Motors, Intel, Lockheed Martin, Hughes Aircraft…
Không chỉ những tin tức “công nghệ cao” mới được để mắt tới mà tất cả thông tin về doanh nghiệp như dữ liệu khách hàng, phát triển sản phẩm, giá cả, doanh số, kế hoạch tiếp thị, thông tin nhân sự, đấu thầu, phân tích chi phí sản xuất, chiến lược kinh doanh… đều là miếng mồi béo bở đối với các điệp viên.
Kỳ 2: Nhật Bản - điểm nóng về “săn” tin mật
Bảo Trúc
(Tổng hợp từ Cambridge, NTC, Time, KBS…)