
Cơn sốt leo thang giá dầu vừa qua cùng với thực trạng nguồn tài nguyên này đang dần cạn kiệt đã đặt ra một bài toán mới đối với xã hội loài người – đó là phải tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế mới có tính khả thi.
Tương lai của thị trường năng lượng thay thế
Theo đánh giá của BP Statistical Review of World Energy, có 41,76% số năng lượng của con người là nhờ sử dụng dầu mỏ. Ngoài ra tỉ lệ năng lượng từ dùng khí gas là 21,16%, than là 24,72%. Các nhà máy điện nguyên tử đảm bảo cung cấp 6,25% số năng lượng trong khi các nhà máy thủy điện là 6,11%. Các nguồn năng lượng bổ sung khác (mặt trời, gió, sinh học, địa nhiệt, thủy triều v.v…) chỉ đảm bảo được chưa đầy 1% nhu cầu về năng lượng của nhân loại.
Việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống, theo ý kiến của nhiều tổ chức sinh thái, đang kéo theo rất nhiều vấn đề khác nhau. Cụ thể như việc khai thác than và uranium ở qui mô lớn đã gây ra vô số những tác động tai hại cho cả thiên nhiên lẫn con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thợ mỏ. Chỉ riêng tại Mỹ, theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật, hàng năm có khoảng 2.000 thợ mỏ chết vì những căn bệnh do tiếp xúc thường xuyên với bụi than.
Còn việc xử lý các chất thải hạt nhân của các nhà máy điện nguyên tử cũng đang là một trong những vấn đề nan giải nhất của nhân loại. Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn chỉ có một giải pháp duy nhất là cất giữ chúng. Trong khi những thảm họa thiên nhiên hay âm mưu khủng bố lại thường xuyên là mối đe dọa không chỉ đối với các nhà máy điện nguyên tử, mà còn với những kho chứa chất thải hạt nhân, làm cho chúng chẳng khác gì những quả bom nổ chậm.
Các loại nhiên liệu như than, khí gas và dầu mỏ được sử dụng ở qui mô lớn còn gây ô nhiễm không khí, làm tăng số trường hợp mắc bệnh ung thư, bệnh đường hô hấp, bệnh suyễn, bệnh dị ứng… Theo tính toán của Hiệp hội bệnh phổi Mỹ, hàng năm tại quốc gia này có hơn 30 ngàn người bị chết vì những căn bệnh liên quan trực tiếp đến công việc trong nhà máy điện.
Thật ra đã từ hơn một thập niên gần đây, nhân loại đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm và phát triển những nguồn năng lượng mới. Cụ thể là trong giai đoạn 1990 - 2000, việc sử dụng năng lượng gió trên thế giới đã tăng 25%, năng lượng mặt trời tăng 20%, năng lượng địa nhiệt là 4%. Trong khi để so sánh thì mức tăng sử dụng dầu chỉ là 1%, khí gas là 2%. Ngày nay, loại năng lượng được khai thác trên thế giới từ các nguồn như gió, mặt trời, sinh học v.v… đã đủ để đảm bảo năng lượng điện cho 300 triệu ngôi nhà.
Theo các đánh giá của tổ chức nghiên cứu Worldwatch Institute, chỉ riêng trong năm 2003 đã có khoảng 20,3 tỉ USD được chi cho việc mua trang thiết bị, sử dụng cho việc sản xuất năng lượng từ các nguồn tự phục hồi. Con số này chiếm khoảng 17% tổng số tiền đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của kinh tế thế giới. Ước tính trong thập niên tới, tổng số vốn đầu tư vào nguồn năng lượng sạch sẽ đạt mức 80,5 tỉ USD.
Có thể thấy những bằng chứng gián tiếp liên quan đến sự hấp dẫn đầu tư vào nguồn năng lượng thay thế này qua các số liệu phân tích của thị trường. Đã có không ít các tập đoàn khổng lồ đầu tư vào lĩnh vực này: tập đoàn Sharp Corporation của Nhật đang chiếm khoảng 27% thị trường sản xuất pin mặt trời của thế giới, còn công ty Mỹ General Electric lại đi đầu trong việc sản xuất các trang bị dùng cho các trạm phát điện bằng sức gió.
Năm 2002, có 90 quốc gia trong thành phần Liên minh năng lượng phục hồi Johannesburg đã chính thức thỏa thuận tăng số tiền đầu tư vào các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này. Trong khoảng 5 năm tới, nhân loại sẽ chứng kiến những nỗ lực vượt bậc về việc triển khai nguồn năng lượng thay thế từ những quốc gia có sự đầu tư đúng đắn và hiệu quả như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Nước Mỹ giải quyết bài toán năng lượng như thế nào?
Không thể đánh giá một cách hoàn chỉnh thị trường năng lượng toàn cầu nếu không tính đến nước Mỹ – nơi chỉ chiếm 5% số dân toàn cầu nhưng lại tiêu thụ tới 30% năng lượng điện của thế giới. Điều này khiến Mỹ phải lệ thuộc rất nhiều vào các quốc gia xuất khẩu dầu. Cho tới năm 1970, Mỹ hoàn toàn không lo ngại gì về vấn đề năng lượng, khi các nguồn cung cấp như than và dầu (đảm bảo hơn 90% năng lượng cho nền kinh tế và người tiêu dùng) vẫn được coi là… vô tận.

Những nguồn năng lượng truyền thống như dầu, khí gas và than đá đang gây những ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường.
Mỹ phải chịu cơn sốt dầu lần đầu tiên vào năm 1973, khi các nước Arập xuất khẩu dầu đã thống nhất cấm vận Mỹ và Tây Âu để phản đối việc họ ủng hộ cho Israel. Hậu quả là nước Mỹ đã phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng năng lượng thực sự.
Đây là nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Jimmy Carter hồi đó bắt đầu rót những khoản tiền đáng kể cho việc nghiên cứu các nguồn năng lượng thay thế. Năm 1978, Quốc hội Mỹ bắt đầu thông qua một đạo luật có tên Chính sách xã hội trong lĩnh vực các nguồn năng lượng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất các năng lượng thay thế.
Đến năm 1980, Tổng thống Ronald Reagan ra quyết định: lĩnh vực kinh tế tư nhân có thể cung cấp tài chính có hiệu quả hơn trong việc nghiên cứu nguồn năng lượng thay thế. Các chương trình quốc gia nghiên cứu về vấn đề này sau đó đã bị cắt giảm đáng kể về kinh phí. Chính quyền tiếp sau của George Bush cha vẫn tiếp tục chính sách thu hẹp sự tham gia của nhà nước vào việc điều chỉnh các quá trình của thị trường năng lượng.
Sang năm 1992, Mỹ thông qua đạo luật về chính sách năng lượng với mục đích giảm bớt sự phụ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu bên ngoài. Cùng với nguồn năng lượng được ưu tiên như trước đây là dầu và khí gas, Mỹ bắt đầu chú trọng vào năng lượng hạt nhân.

Nguồn dầu mỏ trên thế giới đang dần cạn kiệt.
Chính phủ của Bill Clinton lại quay trở lại với chính sách tăng cường vai trò của quốc gia trong việc điều hành thị trường năng lượng, cụ thể là tập trung chú ý vào các vấn đề sinh thái trong việc sử dụng năng lượng.
Bước tiến quan trọng nhất là việc Clinton tham gia ký Hiệp ước Kyoto nhằm giảm bớt việc thải ra các chất khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng đương kim Tổng thống Bush khước từ thực thi Hiệp ước Kyoto vì cho rằng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước.
Thái độ này của chính quyền Bush đã gây ra sự phản ứng quyết liệt của nhiều nước khác trên thế giới, bởi một lý lẽ đơn giản: Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, qua đó cũng gián tiếp gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái toàn cầu. Theo số liệu của Viện Tài nguyên thế giới (World Resources Institute), một người dân Mỹ trung bình mỗi năm tiêu thụ một lượng điện, mà để sản xuất ra nó phải đốt tới 7.956 kilogram nhiên liệu tổng hợp.
Đây là một con số cao kỷ lục nếu so sánh với các vị trí thứ hai là Canada (7.864kg) và thứ ba là Pháp (4.233kg). Còn theo nghiên cứu của Cơ quan thông tin năng lượng (Energy Information Administration) thì cơ cấu sử dụng năng lượng của Mỹ hiện nay như sau: dầu mỏ – 38%, năng lượng nguyên tử – 8%, khí gas thiên nhiên – 24%, than - 23%, các nguồn năng lượng thay thế - 7%.
Cho đến tận năm 2003 vừa qua, tỉ lệ sử dụng các nguồn năng lượng thay thế “sạch” vẫn không tăng lên chút nào. Điều này cho thấy, dù là nền kinh tế lớn nhất với mức độ tiêu thụ năng lượng hàng đầu, Mỹ có thể sẽ tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trong việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
LINH NGA