Cuộc đua nước rút vào Nhà Trắng
>> Bài 1: Khác biệt tạo nên tính lịch sử
Theo nhận định của Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quan hệ quốc tế, Khoa Chính trị, Đại học Chulalongkorn của Thái Lan đăng trên tờ Bangkok Post, một trong những chính sách quan trọng của Mỹ là “tái cân bằng” (xoay trục) sang châu Á sẽ là một di sản được nhiều người nhắc tới trong số những thành tựu chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. Chính sách này đã đem đến sự hài lòng cho các nước châu Á, một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Thế nhưng, tương lai của chính sách tái cân bằng lại đang bấp bênh.
Cả ông Trump và bà Clinton đều xem việc bảo vệ lao động Mỹ quan trọng hơn tự do thương mại
Á, Âu đều e ngại ông Trump
Trong bối cảnh đó, nếu bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống, nhiều khả năng bà sẽ duy trì và mở rộng hơn nữa chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á, bởi bà là “kiến trúc sư” chính của chiến lược này khi giữ vị trí ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Trong khi ông Trump sẽ từ bỏ vai trò của Mỹ ở châu Á và những nơi khác trên thế giới để phục vụ cho các mục tiêu của chủ nghĩa biệt lập và bài ngoại.
Theo ông Pongsudhirak, ASEAN và hầu hết các nước châu Á khác muốn nhìn thấy chính sách tái cân bằng tiếp tục dưới chính quyền mới của Mỹ, theo cách không dẫn đến xung đột giữa các cường quốc, cho phép ASEAN duy trì quyền tự chủ, phát triển kinh tế, đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực. Do đó, một tổng thống Hillary Clinton sẽ được ưa thích hơn tại châu Á. Ngược lại, ASEAN và các nước châu Á khác phải có khả năng xử lý và ứng phó nếu ông Trump đắc cử tổng thống. Họ phải làm sao để có thể thuyết phục ông Trump về tính hợp lý của việc duy trì chính sách tái cân bằng ở châu Á hoặc các điểm chính của chính sách này phải được tiếp nối càng nhiều càng tốt.
Các nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu, kể cả thành viên NATO cũng lo lắng, nếu trở thành tổng thống, ông Donald Trump sẽ chấm dứt hỗ trợ của Mỹ dành cho NATO, đồng thời tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Peter Wittig, Đại sứ Đức tại Washington, cho biết toàn bộ châu Âu đang hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Wittig cho rằng đồng minh châu Âu dù sao cũng đã quen thuộc hơn với bà Clinton khi bà là ngoại trưởng còn ông Trump là người vừa mới hoàn toàn.
Những mối quan tâm gia tăng đặc biệt với các thành viên NATO khi ông Trump cho biết, chỉ sẽ bảo vệ các thành viên NATO ở Đông Âu tùy theo mức đóng góp của từng nước cho NATO chứ không phải là nghĩa vụ theo Hiệp ước NATO. Vì vậy, theo ông Nicholas Burns, nguyên Đại sứ Mỹ tại NATO và hiện là cố vấn của bà Clinton, “Các nước Đông Âu tin rằng họ đang sống trên cạnh của một dao cạo và thực sự rất lo lắng về ông Trump”.
Những khác biệt về những chính sách cơ bản của bà Clinton và ông Trump(Nguồn: presidential-candidates.insidegov.com)
Bảo hộ mậu dịch sẽ là xu thế mới
Từ bảng trên có thể thấy, chỉ hai vấn đề có sự đồng thuận giữa bà Clinton và ông Trump: vấn đề tăng thuế người giàu và hạn chế tự do thương mại. Vấn đề tăng thuế của giới nhà giàu có thể là cách tăng thêm ngân quỹ, nhất là khi nền kinh tế Mỹ chưa hồi phục hoàn toàn do khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng đó được cho là một phần do giới tài phiệt nhà giàu, nhất là ở Wall Street gây ra và cuộc khủng hoảng cho thấy sự cách biệt giàu nghèo quá lớn ở Mỹ. Điều đó khiến ông Obama và có thể cả những tổng thống Mỹ sau này đều muốn siết chặt các quy định với Wall Street nói riêng và giới nhà giàu ở Mỹ nói chung.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại cho mậu dịch toàn cầu là chính sách bảo hộ mậu dịch khi cả bà Clinton và ông Trump đều không ủng hộ mở rộng chính sách tự do thương mại của Mỹ. Theo tạp chí Fortune, sự giống nhau của hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton còn ở chỗ họ đều phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tư do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA). Giới đầu tư nhận định, chính sách kinh tế của ông Trump có phần lỏng lẻo hơn so với bà Clinton và nếu ông này thắng cử, nhiều khả năng Mỹ sẽ gia tăng lạm phát, giảm GDP và ông ấy sẽ áp đặt thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa châu Á và phát động chiến tranh tiền tệ.
Cả ông Trump và bà Clinton đang cố gắng giành phiếu của những người Mỹ đã đổ lỗi cho các hiệp định thương mại làm họ thất nghiệp hoặc gây tràn ngập các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài. Bà Clinton tin rằng các thỏa thuận thương mại cần có lợi cho nhân dân Mỹ theo 3 tiêu chí cho bất kỳ thỏa thuận nào, gồm: tạo ra việc làm cho dân Mỹ, tăng lương cho người lao động Mỹ và thúc đẩy an ninh quốc gia của Mỹ.
Số liệu thống kê từ Cục Thống kê Bộ Lao động Mỹ cho biết, vào tháng 6-1979, Mỹ có 19.553.000 công nhân sản xuất và đến tháng 6-2016, con số này chỉ còn 12.296.000 người. Tuy nhiên, ngày nay Mỹ sản xuất hàng hóa trị giá hơn 78% (tính theo USD) so với năm 1979, khi số lượng công nhân giảm hơn 37%. Đây là một hiện tượng toàn cầu. Ở khắp mọi nơi trên trái đất, mỗi ngày, người kinh doanh tìm ra cách để giảm nhân công và xu hướng đó sẽ không thể đảo ngược. Tạp chí Fortune kết luận rằng: Các nhà hoạch định chính sách Mỹ khôn ngoan không nên than vãn thực tế này hoặc cố gắng để “mang quá khứ” trở lại, thay vào đó họ nên nhận thức về sự thay đổi. Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng lao động với con số của năm 1979, cho dù họ có thể hạn chế giao dịch thương mại.
THỤY VŨ (tổng hợp)