
Sáng 5-5, Trung tâm Sách và Xuất bản của Báo SGGP phối hợp cùng NXB Văn hóa Sài Gòn đã tổ chức lễ ra mắt Tủ sách Sài Gòn với 2 ấn phẩm đầu tiên là tuyển tập Trò chuyện với 100 nhà văn Việt Nam và tuyển tập Trò chuyện với 100 ca sĩ, nhạc sĩ Việt Nam. Đặc biệt, hình ảnh 100 nhà văn trong tuyển tập đều được ký họa dưới ngòi bút của họa sĩ Bùi Quang Ngọc. Ngay tại lễ ra mắt, 100 bản ký họa gốc của họa sĩ đã được trưng bày triển lãm thu hút sự chú ý của rất nhiều bạn đọc. Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã có bài phỏng vấn nhanh họa sĩ Bùi Quang Ngọc.

Họa sĩ Bùi Quang Ngọc với bức ký họa nhà văn Sơn Nam. Ảnh: T.V.
- PV: Được biết, khi thực hiện gần 60 bức ký họa các nhà báo trong cuốn sách Tuyển tập các nhà báo của Báo SGGP đoạt giải báo chí, ông chỉ vẽ trong hơn 3 ngày. Vậy tại sao khi làm 100 bức ký họa này ông lại phải mất hơn 3 tháng ròng rã?.
Họa sĩ BÙI QUANG NGỌC: Khi thực hiện bộ sách đó, tôi có dịp gặp trực tiếp các nhân vật cần vẽ. Trong điều kiện như vậy đôi khi chỉ cần 3 phút, 5 phút thậm chí lâu nhất là nửa giờ để hoàn tất một bức ký họa chân dung. Thế nhưng, với Tuyển tập Trò chuyện với 100 nhà văn VN thì công việc lại rắc rối hơn khi có rất nhiều nhà văn tôi không thể vẽ trực tiếp.
Trong những trường hợp đó tôi đành vẽ qua trí nhớ những ai tôi đã từng gặp hoặc vẽ qua những tấm ảnh. Mà trong nghề vẽ ký họa chân dung, điều quan trọng nhất là phải vẽ được cái thần của nhân vật, mà muốn vẽ được thì người họa sĩ phải thấy được. Nhưng các tấm ảnh thì đâu phải tấm nào cũng chuyển tải được cái thần đó, chính vì thế tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian sưu tầm, lựa chọn giữa hàng núi tài liệu để tìm được tấm ảnh khả dĩ giúp tôi thấy được cái thần của nhân vật để chuyển tải lên những bức tranh như ta thấy hôm nay.
- Trong quá trình tìm “thần của nhân vật”, ắt hẳn có rất nhiều kỷ niệm cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu. Ông có thể cho độc giả biết những kỷ niệm, kinh nghiệm nào thú vị nhất, ý nghĩa nhất sau 100 bức chân dung này?.
Có nhiều nhân vật để lại cho tôi những ấn tượng đẹp, như hai bức chân dung của Sơn Nam và Trần Thanh Phương tôi rất thích vì khuôn mặt của hai người này khi ký họa mang nhiều nét nghệ thuật hội họa. Ngoài ra, mối quan hệ cũng ảnh hưởng đến khả năng thể hiện của tôi, với Sơn Nam tôi vẽ rất nhanh và rất ưng ý do tôi đã quen biết với anh một thời gian dài nên chỉ cần cầm bút là có thể chuyển được cái thần khí của anh lên trang giấy, với Lý Lan cũng vậy.
Trong khi đó, với nhà thơ Thu Bồn lại rất khó để chuyển cái phóng khoáng của anh, tôi đã phải thử nhiều lần mới ưng ý. Trong chuyện tìm ảnh như tôi đã nói trên cũng có nhiều chuyện vui như với nhà thơ Chế Lan Viên, tìm ảnh của anh đã khó, ảnh tốt lại còn khó hơn. Kết quả là những tấm ảnh lớn, được coi là đẹp đều phải loại, tôi đã vẽ ký họa chân dung anh từ một tấm ảnh nhỏ bằng ngón tay cái. Văn là người, cái thần của nhà văn không ít thì nhiều cũng đã thấm vào những trang viết của họ, đọc văn hiểu người cũng là một cách tìm thần. Nếu anh để ý thì có nhiều tấm tôi vẽ khá kỹ tay trong khi nhiều tấm khác lại chỉ nghệch ngoặc vài nét.
Thế nhưng, chính những tấm đơn giản như thế lại là những tấm bộc lộ cái thần thái của nhân vật nhất vì đó là những tấm mà người họa sĩ đã nắm rõ nhất cái hồn, cái thần của nhân vật, chỉ cần nhấc tay là thể hiện được trong khi những tác phẩm khác đôi lúc phải sửa chữa, dùng một số kỹ thuật để khắc phục sự thiếu sót về cảm nhận của mình.
- Thế nào là một bức chân dung ký họa thành công? Và theo ông, để trở thành một họa sĩ ký họa điều cần nhất là gì?
Một bức ký họa nếu nhìn vào từng điểm thì không thể nào giống nhân vật nhưng nếu nhìn tổng thể người xem cảm thấy đây đúng là nhân vật được chuyển tải thì xem như thành công. Thậm chí, có những người ta gặp một lần, xem ảnh đôi khi không nhận ra nhưng nhìn ký họa lại nhận ra ngay do ta đã nhớ bằng cảm giác và người họa sĩ ký họa đã truyền lại cái cảm giác ghi nhận được đó trong tác phẩm của mình. Đây cũng là điều cần nhất cho một họa sĩ ký họa khi luôn phải nhớ vẽ bằng tâm hồn, vừa là tâm hồn mình vừa là tâm hồn nhân vật.
Tâm hồn người họa sĩ sẽ tác động vào cách anh cảm nhận tâm hồn nhân vật và thể hiện nhân vật theo cách cảm nhận đó. Tôi nghĩ đó cũng chính là lý do khiến ngày càng ít bạn trẻ đến với nghề ký họa chân dung, vì để có được những bức ký họa đúng nghĩa đòi hỏi một quãng thời gian tu dưỡng lâu dài. Vừa nâng cao kỹ thuật vừa luyện tâm hồn mình có thể cảm nhận được nhanh và chuẩn xác nhất tâm hồn, cái thần của nhân vật.
- Cảm ơn ông!
Tường Vy ghi