Kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII - Nhiều giải pháp về đời sống dân sinh

Ngày 6-12, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII “nóng” lên với hàng loạt vấn đề bức xúc: tình trạng vô cảm, nhũng nhiễu của cán bộ công chức; xử lý hàng gian, hàng giả; quản lý mua bán hóa chất độc hại; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự và biện pháp trấn áp tội phạm trên địa bàn TPHCM, ngành công an TP nhận đến 16 ý kiến chất vấn của đại biểu (ĐB), cử tri.
Kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII - Nhiều giải pháp về đời sống dân sinh

Ngày 6-12, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII “nóng” lên với hàng loạt vấn đề bức xúc: tình trạng vô cảm, nhũng nhiễu của cán bộ công chức; xử lý hàng gian, hàng giả; quản lý mua bán hóa chất độc hại; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự và biện pháp trấn áp tội phạm trên địa bàn TPHCM, ngành công an TP nhận đến 16 ý kiến chất vấn của đại biểu (ĐB), cử tri.

  • Tìm giải pháp gỡ khó cho DN

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Minh Trí cho biết, thời gian qua, Công an TP đã kéo giảm 7,16% tội phạm hình sự, tỷ lệ phá án là 74%, trên 90% án đặc biệt nghiêm trọng được phá. “Đó là tỷ lệ không nhỏ. Tuy nhiên, cơ cấu tội phạm nguy hiểm hiện vẫn còn 20,6%. Đây là vấn đề phải quan tâm. Phó Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định: Cái gì dân lo lắng bất an thì chúng ta phải đặc biệt quan tâm, có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn”.

Ông Lê Minh Trí cho biết thêm, thời gian tới, TP sẽ tập trung kéo giảm 20% tội phạm nguy hiểm và 71% tội phạm cướp giật, chuyển hóa địa bàn có ma túy. Các quận huyện, phường xã phải củng cố lực lượng tại chỗ, trong đó có bảo vệ khu phố, thanh tra xây dựng, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… có chất keo kết dính, đặt dưới sự chỉ đạo của cấp ủy để chống tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật”.

Chất vấn Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Văn Lai, các ĐB Tô Thị Minh Châu, Văn Đức Mười hỏi: Sở tham mưu cho UBND TP giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho DN, vì các nhóm giải pháp trong báo cáo của UBND TP chưa thấy đột phá? Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Văn Lai cho biết: “UBND TP đã chỉ đạo nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó sở đã lập các đoàn công tác trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN; thực hiện tốt chính sách về thuế (gia hạn nợ, miễn - giảm thuế…); hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp…”.

ĐB Lê Ngọc Thanh chất vấn tiếp: Hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng của nước ngoài đang tràn lan thị trường Việt Nam, công tác quản lý nhà nước và giải pháp của sở về vấn đề này ra sao? Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Văn Lai thông tin, năm 2012 sở đã phối hợp kiểm tra hơn 15.000 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4.000 vụ, thu 114,54 tỷ đồng, tăng 7,75% so cùng kỳ năm trước.

ĐB Từ Minh Thiện hỏi: “Sở có giải pháp gì để quản lý bán hàng qua mạng, bảo đảm quyền lợi của DN và người tiêu dùng? Việc mua bán hóa chất độc hại tại chợ Kim Biên rất dễ dàng, sở có biện pháp quản lý gì?”. Ông Nguyễn Văn Lai cho biết: Bán hàng qua mạng là vấn đề mới, sở đã chỉ đạo và chuẩn bị thành lập phòng thương mại điện tử bán hàng qua mạng để theo dõi, quản lý. Về việc mua bán hóa chất ở chợ Kim Biên, sở phối hợp với đoàn liên ngành kiểm tra thường xuyên. Sắp tới quy hoạch lại và có thể tách ra để dễ quản lý nhưng cần có thời gian, đến năm 2015 mới có thể xong.

Từ một vụ cháy nổ gas vừa xảy ra gây thương vong lớn, ĐB Trần Trọng Dũng chất vấn có biện pháp gì giải quyết những nơi vi phạm, đã có bao nhiêu cuộc kiểm tra, đã rút giấy phép bao nhiêu nơi vi phạm, có khuyến cáo gì để người dân tự bảo vệ, phòng ngừa?

Trong phần trả lời, ông Nguyễn Văn Lai lại giải thích về chức năng của các đơn vị có liên quan như: Sở KH-ĐT, quận huyện về giấy phép; Sở Cảnh sát PCCC về phê duyệt phương án PCCC; Công an TP cấp giấy đủ điều kiện an ninh trật tự; Sở Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chỉ đạo quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát; Sở Tài chính quản lý giá.

  • Một bộ phận cán bộ công chức nhũng nhiễu

Sở Nội vụ làm gì để nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức? Đâu là rào cản trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính (CCHC)? Bao giờ triển khai phần mềm hệ thống quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo của dân? Việc ứng dụng CNTT để công khai quy hoạch khi nào thực hiện? Hàng loạt nội dung này được ĐB chất vấn Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung.

Cán bộ UBND phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Ảnh: THÀNH TÂM

Cán bộ UBND phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM hướng dẫn người dân làm hồ sơ. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Lê Hoài Trung nhìn nhận: “Ngân sách đã chi một khoản không nhỏ bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, đạo đức, chuyên môn, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức vô cảm, thiếu trách nhiệm, thậm chí nhũng nhiễu dân”.

Theo ông Lê Hoài Trung, ngay trong tuần sau thanh tra công vụ của sở sẽ thanh, kiểm tra đột xuất một số cơ quan. Chưa hài lòng, ĐB Trần Văn Thiện “truy” tiếp: Việc thanh tra công vụ thời gian qua đã làm nhiều nhưng tình trạng nhũng nhiễu chưa giảm, Sở Nội vụ có giải pháp gì mới hơn không? Ông Lê Hoài Trung trả lời: Xử lý cán bộ công chức, viên chức chưa đảm bảo thực thi công vụ có cả hệ thống giải pháp. Trong đó, Luật Cán bộ công chức, viên chức cũng quy định rõ. UBND TPHCM cũng đã phân cấp rất rõ việc UBND quận - huyện chịu trách nhiệm trên địa bàn kể cả phường xã; giám đốc sở ngành chịu trách nhiệm với cán bộ, công chức, viên chức mình quản lý.

  • Thừa nhận chủ quan...

Liên quan đến tình hình tội phạm, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhận đến 16 ý kiến chất vấn của ĐB, cử tri. ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy chất vấn: “Số vụ cướp giật giảm nhưng gia tăng về tính chất, mức độ. Công an TPHCM có giải pháp gì đủ mạnh để trấn áp tội phạm? Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, hành động tinh vi, có tổ chức hơn, trong đó có nhiều tội phạm còn ở độ tuổi vị thành niên, ngành có giải pháp nào căn cơ để chấn chỉnh?”.

Phó Giám đốc Công an TP Phan Anh Minh: "Ngành công an có một số yếu tố chủ quan cần xem xét lại"

Phó Giám đốc Công an TP Phan Anh Minh: "Ngành công an có một số yếu tố chủ quan cần xem xét lại"

Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết đã có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhưng vì lý do bảo mật nên không thể công khai tại kỳ họp. Nếu ĐB có yêu cầu, Công an TPHCM sẽ cung cấp bằng văn bản. Thiếu tướng Phan Anh Minh nói: “Cuối năm 2011 do kế hoạch của TP tập trung tấn công tội phạm tại khu trung tâm TP nên công an đã có lơi lỏng trong việc bảo vệ an ninh trật tự tại các địa bàn khác”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy: "Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, hành động tinh vi, có tổ chức hơn, ngành có giải pháp nào căn cơ để chấn chỉnh?"

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Thúy: "Tội phạm đang ngày càng trẻ hóa, hành động tinh vi, có tổ chức hơn, ngành có giải pháp nào căn cơ để chấn chỉnh?"

ĐB Cao Thanh Bình đặt hàng loạt câu hỏi về vai trò của ngành trong việc đề ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả tội tham nhũng. ĐB Lê Trương Hải Hiếu thẳng thắn: “Có hay không tình trạng “giấu án” để chạy thành tích?”. Trả lời, Thiếu tướng Phan Anh Minh khẳng định: Năm 2012 tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp, có sự xuất hiện của một số băng nhóm tội phạm từ các tỉnh khác đến. Tình hình diễn biến liên quan ma túy đang gia tăng, nhất là số vụ phạm pháp về ma túy tổng hợp”.

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: "Có hay không tình trạng “giấu án” để chạy thành tích?"

Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu: "Có hay không tình trạng “giấu án” để chạy thành tích?"

Ông Phan Anh Minh cũng thừa nhận có một số yếu tố chủ quan của ngành cần xem xét lại và xuất hiện tình trạng “giấu án”. Ông Phan Anh Minh cho biết vừa đề nghị cắt thi đua một số cán bộ Công an phường Bến Nghé quận 1 khi không thống kê đủ các vụ vi phạm trên địa bàn. Công an TP sẽ chủ động đổi mới, không thống kê tội phạm theo địa bàn mà xây dựng chỉ tiêu hiện đại hơn là số vụ phạm tội trên 100.000 cư dân.

Ngoài ra, ông Phan Anh Minh cho biết thêm, Công an TP sẽ triển khai hệ thống phần mềm cập nhật, thống kê, theo dõi tất cả các trường hợp vi phạm, tội phạm hình sự, tệ nạn... từ công an, cơ quan điều tra, hệ thống xử phạt đến trung tâm cai nghiện, nơi sinh hoạt để công bố hàng quý. Như vậy không có nơi nào giấu được tội. “Chỉ tiêu bắt được tội phạm là chỉ tiêu mấu chốt”, ông Minh khẳng định.

Để kéo giảm tội phạm trên địa bàn TP thời gian tới, Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết sẽ tăng cường kết nối giữa các tổ đặc nhiệm hình sự giữa các quận, huyện; kiểm tra hộ kinh doanh dịch vụ nhạy cảm để loại trừ những nơi tiêu thụ tài sản phạm tội mà có; tăng cường công tác kiểm tra địa bàn các nơi nhạy cảm để phát hiện nơi tội phạm tụ tập, ra tay. Nói về hình phạt đối với tội trộm, cướp hiện nay, ông Phan Anh Minh cũng nhìn nhận còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nhưng muốn thay đổi phải sửa luật. Vấn đề vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ đang tồn tại trái phép nhiều trong xã hội, ông Minh nhận trách nhiệm về phía ngành công an nhưng một phần cũng do quy định pháp luật còn nhiều sơ hở. Sắp tới, Công an TPHCM sẽ cho phép công an các quận, huyện bắt giữ và xử lý các vụ tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ dù chưa gây án.

Đặc biệt, để động viên phong trào an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM, ông Minh cho biết: “Chúng tôi đang dự tính vận động doanh nghiệp du lịch kinh doanh có lãi đóng góp để bất kỳ ai bắt cướp thưởng ngay 5 triệu đồng. Với mức thưởng đó, chúng ta sẽ có lực lượng hùng hậu để chống tội phạm”!

Nhìn nhận tội phạm lộng hành đang là thách thức rất lớn đối với Công an TP, ông Minh cho biết, hiện ngành công an TP không được tăng biên chế, trụ sở thi công giậm chân tại chỗ, nơi làm việc tạm bợ… cũng gây khó khăn cho việc phá án. “Nhưng dù trong bất cứ điều kiện nào chúng tôi cũng cố gắng hết mình. Nếu còn được phân công làm việc, tôi sẽ nhìn thẳng vào thách thức, động viên anh em làm việc để bằng mọi cách cải thiện tình hình”, ông Phan Anh Minh khẳng định.

Tồn kho bất động sản khoảng 30.000 tỷ đồng

Trong phần trả lời chất vấn của ĐB về hỗ trợ DN xử lý hàng tồn kho, nhất là tồn kho bất động sản trên địa bàn TPHCM, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh cho biết, giá trị hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn khoảng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, tồn kho 74 dự án chung cư, giá trị khoảng 24.000 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng 17 dự án, tương đương 2.400 tỷ đồng; tồn kho mặt bằng thương mại cho thuê hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Danh, hiện thị trường bất động sản nổi bật lên một số khó khăn như chính sách thắt chặt tiền tệ ảnh hưởng đến việc sản xuất trong bất động sản, hiện nhà nước chưa có công cụ hỗ trợ hữu hiệu tháo gỡ khó khăn. Các DN trên địa bàn mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp nên chiến lược về đầu tư chưa cao, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển, cơ cấu hàng hóa bất động sản. Tiềm lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, đa số phải thông qua tín dụng, hợp tác đầu tư.

Để tháo gỡ hàng tồn kho dạng đặc biệt này, theo ông Nguyễn Văn Danh, là cần có một số giải pháp khơi thông thị trường bất động sản, chủ yếu cấp trung ương như chuyển đổi mục tiêu các dự án nhà ở, cơ cấu lại các sản phẩm, giúp tháo gỡ khó khăn hàng tồn kho. Trước mắt, TPHCM chỉ đạo DN kinh doanh bất động sản được gia hạn nộp tiền thuê đất, được chậm nộp thuế thu nhập DN, hỗ trợ giải phóng mặt bằng…

VÂN ANH – HỒNG HIỆP

- Thông tin liên quan:

>> Ngày thứ 2 kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM khóa VIII: Đầu tư cho KH-CN để phát triển bền vững

Tin cùng chuyên mục