Kỷ luật hành chính, công vụ nhiều biểu hiện lỏng lẻo, yếu kém

Chiều 1-4, Quốc hội tiếp tục họp toàn thể, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

(SGGPO).- Chiều 1-4, Quốc hội tiếp tục họp toàn thể, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu được nhiều vị ĐBQH bày tỏ quan tâm. ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) lo lắng: “Trong khi sức cạnh tranh của lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn còn yếu kém thì tình hình thời tiết, khí hậu không thuận lợi tác động tiêu cực nhanh và mạnh hơn dự báo. Tình trạng xâm mặn không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn gây ra khan hiếm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của bà con. Tác động của biến đổi khí hậu có nguy cơ biến vùng ĐBSCL từ một vùng đất trù phú thành vùng đói và khát”. ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các công trình đê bao, cống ngăn mặn để các công trình này phát huy hiệu quả.

Chia sẻ quan ngại với ĐB Kim Bé, ĐB Y Khút Nie (Đắk Lắk) khẳng định, biến đổi khí hậu dẫn đến những hiện tượng thời tiết cực đoan; đang gây ra rất nhiều khó khăn cho đồng bào Tây Nguyên. ĐB kiến nghị, trước mắt cần hỗ trợ kịp thời nước sinh hoạt cho người và gia súc. Về lâu dài, cần có các chương trình trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, xây dựng hồ chứa, chọn cây trồng, vật nuôi chịu được khô hạn…

Quan tâm đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đưa ra hàng loạt số liệu so sánh diện tích đất được quy hoạch để xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, công nghệ cao trong cả nước và tình hình sử dụng thực tế. ĐB nhận xét: “Thực trạng cho thấy khác biệt rất lớn giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Có tới 48,85% diện tích đã quy hoạch chưa được đưa vào sử dụng, nhiều tỉnh thành có hàng ngàn ha đất đã quy hoạch chưa được sử dụng. Chẳng hạn, Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau 18 năm triển khai mới chỉ lấp đầy được 35,7%”.

Theo ông Phùng Đức Tiến, chất lượng quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng chưa tốt, còn tràn lan, dàn trải; chưa dựa trên nhu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, chưa thu hút được các ngành công nghiệp hỗ trợ, định hướng ngành nghề các khu giống nhau, nên “ngành nào cũng có mà không có ngành nào có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ”. ĐB đề nghị tiếp tục điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở rà soát tình hình thực hiện, trong đó đặc biệt chú trọng tính liên kết vùng.
 
Đề cập đến kỷ luật hành chính, tài chính, công vụ, ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) dẫn chứng nhiều biểu hiện lỏng lẻo, yếu kém, làm cho nhân dân, nhà đầu tư và đặc biệt đảng viên liêm khiết mệt mỏi, mất lòng tin. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc Chính phủ yêu cầu báo cáo nhưng đến hạn mà vẫn còn tới vài chục địa phương và bộ ngành không nộp báo cáo.

“Đề nghị người đứng đầu đơn vị không báo cáo đúng hạn phải ngồi làm báo cáo để người khác điều hành”, ông Trương Minh Hoàng quyết liệt nêu quan điểm. ĐB Hoàng cho rằng chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính là một trong những công việc trọng tâm của các ngành, các cấp trong nhiệm kỳ tới.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục