Phim nhựa Mỹ

“Kỳ nghỉ của Mr.Bean” và “Võ đài đẫm máu”

“Kỳ nghỉ của Mr.Bean” và “Võ đài đẫm máu”

1. Kỳ nghỉ của Mr.Bean (ảnh 1). Diễn viên Rowan Atkinson trước khi đến với vai Mr.Bean đã là một diễn viên hài nổi tiếng tại Anh. Ông nổi tiếng ngay từ cuối thập niên 70 với rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 1997, bộ phim nhựa đầu tiên của Mr.Bean với nhan đề “Bean – The Ultimate Disaster Movie” chỉ đứng sau “Bốn đám cưới và một đám ma”. Kế đó là “Johnny English” và “Kỳ nghỉ của Mr.Bean” là bộ phim thứ 3 đưa Mr.Bean lên màn ảnh rộng.

“Kỳ nghỉ của Mr.Bean” và “Võ đài đẫm máu” ảnh 1
Ảnh 1

Câu chuyện về một người đàn ông sinh sống ở Anh may mắn trúng giải nhất trong một cuộc xổ số. Giải thưởng là một chiếc máy quay phim kỹ thuật số và một chuyến du lịch đến bãi biển xinh đẹp Riveira ở miền Nam nước Pháp – nơi tổ chức LHP quốc tế Cannes. Mr.Bean, người trúng giải, sung sướng lên đường.

Với bản tính vụng về, ông ta đã gây nên một loạt sự cố trên suốt chặng đường đi. Sự cố lớn nhất của Mr.Bean là làm lỡ tàu một vị giám khảo người Nga trên đường đến LHP Cannes, khiến cho hai cha con của vị giám khảo này lạc nhau. Cậu bé Stepan, ban đầu rất căm ghét gã người Anh đã khiến cho cha con cậu rơi vào hoàn cảnh oái oăm nhưng sau đó đã cảm thông và dần quý mến người đàn ông hồn nhiên đến ngây thơ này. Thêm nhiều tình tiết thắt mở cho câu chuyện của Mr.Bean.

Một bóng hồng đã xuất hiện khiến cho chuyến hành trình trở nên ấn tượng hơn. Ba nhân vật nói 3 thứ tiếng khác nhau. Mr.Bean là người Anh, cậu bé Stepan là người Nga, còn cô diễn viên Sabine lại là người Pháp. Ngay cả việc đặt Mr.Bean vào bối cảnh một đất nước không nói tiếng Anh cũng là sự cố tình để phát huy thế mạnh của nhân vật… Bộ phim được quay đúng vào thời điểm LHP Cannes thực sự đang diễn ra. Với sự sắp xếp của ban tổ chức LHP và nhất là nhờ danh tiếng của Mr.Bean, bộ phim đã tận dụng hoàn cảnh thật để quay…

“Kỳ nghỉ của Mr.Bean” và “Võ đài đẫm máu” ảnh 2
Ảnh 2

2. Võ đài đẫm máu (ảnh 2). Là bộ phim tiếp theo của loạt phim về nhân vật võ sĩ quyền Anh huyền thoại Rocky. Năm 1976, “Rocky” là một hiện tượng tại các rạp chiếu phim trên toàn cầu. Bộ phim tạo thành cơn sốt và nhận được 10 đề cử Oscar, cuối cùng nó đã giành luôn 3 giải Oscar: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Biên kịch xuất sắc nhất. Stallone, diễn viên chính kiêm đạo diễn và biên kịch cho bộ phim, tâm sự: “Sau bao nhiêu năm, khán giả theo dõi từng chặng đường cuộc đời và sự nghiệp của Rocky, đã đến lúc Rocky nói lời tạm biết và viết nốt chương cuối cùng trong hành trình của một cựu vô địch quyền Anh”.

Dường như với ngôi sao phim hành động Sylvester Stallone cũng vậy, bộ phim cũng là tâm sự của anh về sự nghiệp với những đỉnh cao vinh quang và sự nghiệt ngã của thời gian. Mô tả tâm sự của một huyền thoại lúc về chiều, bộ phim đã đưa ra nhiều triết lý sâu sắc và cảm động. Dù cho anh là bất cứ ai, dù cho đã có lúc anh thành công và nắm trong tay sức mạnh lẫn vinh quang, nhưng mọi thứ rồi cũng qua đi, sẽ có lúc anh phải đối diện với sự cô độc, sự lãng quên. Điều khó khăn nhất không phải là mọi thứ xung quanh mà chính là sự đối diện với chính mình. Hãy sống làm sao để khi thời kỳ vàng son đã xa, nhưng anh vẫn còn là một hình tượng, một kỷ niệm đẹp trong trái tim mọi người.

Rocky đã quyết định làm cái điều mà nhiều người cho là điên khùng. Anh sẽ thượng đài một lần cuối khi đã ở cái tuổi 60, khi mà cơ bắp đã rệu rã để đối mặt với đối thủ là một vô địch quyền Anh trẻ tuổi đang chìm đắm trong ánh hào quang. Với Rocky đây chính là trận chiến với chính anh, trận chiến dành cho những người anh yêu quý và những người đã luôn tin tưởng, ủng hộ anh…  

HẠ CHINH

Tin cùng chuyên mục