Những nền kinh tế phát triển, những căng thẳng ngày càng gia tăng, những thay đổi tăng lên từ phương Tây và theo hướng địa chính trị đa cực, cùng sự tái xuất của Nhật Bản như một cường quốc quân sự đang góp phần vào sự thay đổi của thế kỷ 21 hướng sang châu Á như một nhà cung cấp vũ khí chủ yếu.
Theo Asia Times Online, điều này được minh họa bằng sự quan tâm gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đối với công nghệ xe tăng của Nhật Bản. Thật bất ngờ, quốc đảo hòa bình Nhật Bản có một loại xe tăng chiến trường tốt nhất. Dự án Type 10 đã được công bố trong năm 2008 và giờ đây, Nhật Bản đang trong quá trình đàm phán về việc cung cấp công nghệ động cơ xe tăng của họ cho Thổ Nhĩ Kỳ để Ankara trang bị cho thế hệ xe tăng chiến trường Altay.
Theo một bài báo trên tờ Zaman ngày nay, Thổ Nhĩ Kỳ có ý định quay lưng lại với đối tác sản xuất động cơ xe tăng MTU của Đức bởi người Đức không chịu chuyển giao công nghệ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tự chế tạo các động cơ xe tăng, cũng như từ chối việc Thổ Nhĩ Kỳ tái xuất khẩu các động cơ của Đức trong các xe bọc thép để bán cho Azerbaijan.
Ông Erdogan Karakus, Thượng tướng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, đã về hưu, nhấn mạnh: “Cần lưu ý rằng chi phí sản xuất xe tăng Altay sẽ quá cao đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thể xuất khẩu xe tăng. Sự đóng góp của dự án xe tăng Altay cho ngành công nghiệp quốc phòng địa phương cũng sẽ vẫn khá hạn chế trong trường hợp như vậy”.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không cần phải lo lắng. Tuyên bố của nội các Nhật Bản về việc sửa đổi các chính sách xuất khẩu quốc phòng cho phép phát triển hợp tác quốc tế chung với các đối tác ngoài nước Mỹ, được đưa ra trong những ngày trước khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản hồi tháng 12-2011, có những lỗ hổng đủ lớn để lái một chiếc xe tăng chạy qua.
Sự không sẵn sàng của MTU của Đức trong việc xem xét chuyển giao công nghệ cho Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ đã góp phần vào việc theo đuổi các cuộc đàm phán của Thổ Nhĩ Kỳ với Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi của Nhật Bản.
Đối thủ khu vực của Nhật Bản là Hàn Quốc đã có sự khởi đầu trước trong việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2001 với một hợp đồng trị giá 1 tỷ USD cung cấp súng phóng lựu T-155. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm khí tài quân sự từ các cường quốc châu Á nằm trong chiến dịch đa dạng hóa hoạt động mua sắm quốc phòng của nước này.
Ankara vẫn giữ mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) qua việc chưa hoàn tất việc chi trả 3,4 tỷ USD cho Trung Quốc để mua một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Bắc Kinh sau khi Mỹ và NATO ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua sắm hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.
Để chặn Ankara tiếp cận công nghệ quân sự của Trung Quốc, dự thảo phân bổ ngân sách quốc phòng của Mỹ tới đây gần như chắc chắn sẽ có những từ ngữ cấm sử dụng bất kỳ khoản tiền nào của Mỹ để hỗ trợ việc đạt được khả năng tương tác của hệ thống phòng thủ tên lửa Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng phòng không của NATO.
Các thương gia vũ khí trên toàn cầu sẽ phải học cách sống với sự cạnh tranh về giá cả linh hoạt và các hệ thống công nghệ phức tạp của châu Á. Bài báo kết luận kỷ nguyên châu Á trong việc sản xuất và xuất khẩu vũ khí toàn cầu đang đi vào giai đoạn tăng trưởng toàn diện.
ĐỖ CAO