Kỷ nguyên mới ở Ấn Độ

Chiến thắng áp đảo của đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 (với tỷ lệ 278/542 ghế) là chiến thắng đầu tiên trong vòng 30 năm qua tại Ấn Độ khi một chính đảng giành đủ đa số tuyệt đối để có thể thành lập chính phủ độc lập. Với chiến thắng này, lãnh đạo BJP là ông Narendra Modi - chính khách theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, sẽ trở thành Thủ tướng Ấn Độ.

Chiến thắng vang dội của BJP được lãnh đạo các doanh nghiệp chào đón nhiệt tình. Đồng rupee Ấn Độ phục hồi, lên 58,71 rupee/USD, mức cao nhất trong vòng 11 tháng qua. Các thị trường chứng khoán tại Ấn Độ cũng tăng mạnh, lần đầu tiên vượt mốc 25.000 điểm. Trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ liên tục giảm sút, tăng trưởng kinh tế trượt dài từ 9% xuống còn dưới 5% trong 2 năm qua, tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai tăng, đồng rupee mất giá…, thì việc cử tri mong đợi một chính phủ mạnh và ổn định để phục hồi tăng trưởng kinh tế là lẽ đương nhiên. Ông Modi từng được biết đến là một nhà cải cách kinh tế tài ba khi ông làm thủ hiến bang Gujarat từ năm 2001. Với những cải cách mạnh mẽ của ông, kinh tế bang Gujarat đã chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng thần kỳ. Chiến thắng của BJP đã mang lại “kỷ nguyên mới của Ấn Độ” như nhận định của giới quan sát. Song, nhiều câu hỏi được đặt ra cho kỷ nguyên này xoay quanh việc chính phủ mới sẽ đối xử với cộng đồng người Hồi giáo và các cộng đồng thiểu số khác như thế nào khi mà cho đến nay ông Modi vẫn bác bỏ bất kỳ hành động sai trái nào trong các vụ bạo loạn năm 2002 ở Gujarat đã giết chết hơn 1.000 người, phần lớn là người Hồi giáo.

Đã có những lo ngại cho rằng chiến thắng của ông Modi và đảng Dân tộc Hindu BJP có thể báo hiệu những giai đoạn gập ghềnh phía trước đối với quan hệ Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc, xuất phát từ bất đồng lớn trong tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt ở vùng Kasmir. Theo Time of India, người dân Ấn Độ mong muốn có một người lãnh đạo cứng rắn hơn với Trung Quốc và họ cảm thấy chưa hài lòng với chính sách nhún nhường mềm dẻo trước đó. Ông Modi chiếm được trái tim cử tri vì ông không bao giờ giấu quan điểm chính trị là cứng rắn với Bắc Kinh. Khi đi vận động tranh cử tại tỉnh Pasighat, miền Đông Bắc Ấn Độ, ông Modi đã không ngại chỉ đích danh Trung Quốc đang xâm lấn đất của Ấn Độ. Ông Modi từng tuyên bố: “Không thế lực nào trên trái đất có thể xâm lấn Ấn Độ dù chỉ vài inch. Trung Quốc nên từ bỏ chủ nghĩa bành trướng”. Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng ông Modi sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Quốc, song có thể cứng rắn về vấn đề biên giới.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục