Sau ngày miền Bắc giải phóng (1954), báo Nhân Dân có một số cán bộ miền Nam tập kết về công tác, trong đó có các anh chị quê ở Nam bộ. Thế mà, trong kháng chiến chống Mỹ, một số phóng viên báo Nhân Dân có mặt ở Nam bộ (mật danh B2) lại là anh em đến Nam bộ lần đầu tiên.
Anh Bùi Cảnh cùng ở chung với tôi trong khu nhà tập thể ngõ Lý Thường Kiệt. Anh quê Quảng Ngãi, trong kháng chiến chống Pháp anh công tác ở báo Nhân Dân Khu 5. Anh và tôi đều ở Ban Công thương do anh Lê Dân làm trưởng ban. Ngoài công việc ở cơ quan, anh hay giáo dục tôi về lý tưởng, về Tổ quốc và nhất là về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Vợ anh còn ở bên kia giới tuyến không rõ sống chết ra sao. Một đêm, anh gọi tôi dậy nói: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã ra đời ngày 20-12-1960” và anh còn nhắc tới một nhà lãnh đạo miền Nam tên Võ Chí Công. Anh nói đó là thủ trưởng cũ.
Thế rồi anh lên đường... Hai anh em không dám gặp mặt chia tay vì vào những năm ấy, chuyện trở về Nam phải hoàn toàn bí mật.
Đầu năm 1964, tôi rời tòa soạn vô Nam vào cuộc đấu tranh với đồng bào, đồng chí với anh Bùi Cảnh.
Bỗng một hôm, có người đến tìm tôi tại Đại hội Thanh niên giải phóng. Trời, anh Bùi Cảnh. Chúng tôi ôm lấy nhau.
Tôi hỏi nhỏ:
- Trong này, bây giờ gọi anh như thế nào?
- Về Nam mình đổi tên là Lê Phan, anh em gọi mình là Tư Phan.
Tôi và anh Tư Phan công tác chung ở báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Hai anh em đêm đêm nằm nhớ gốc đa Hàng Trống, nhớ báo Nhân Dân, nhớ từng người trong cơ quan. Anh Tư nhắc tôi: Chiến trường ác liệt lắm, cực khổ lắm nhưng phải giữ vững chí khí chiến đấu, không được làm ô danh báo Nhân Dân...
Một lần vào năm 1969, anh đau rất nặng. Tôi đến bệnh xá ngồi cạnh võng nắm tay anh. Anh thều thào: Mình đã được tin gia đình, bị địch o ép quá, vợ mình đã cạo đầu đi tu. Chuyện buồn nhưng như vậy yên lòng...
May sao anh vượt qua đợt sốt dai dẳng, trở lại với công việc. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh đón chị về ở chung. Chị vẫn giữ nếp sống tu hành, nguyện tâm niệm cảm ơn trời Phật, vong linh Anh hùng liệt sĩ đã cho gia đình chị nguyên vẹn đoàn tụ.
***
Tôi đi sau anh Bùi Cảnh khoảng 2 năm. Đang làm phóng viên công nghiệp có mặt ở những điểm nóng trong phong trào sản xuất, lao động “Vì miền Nam ruột thịt”. Trung ương Đoàn xin tôi về xây dựng tờ báo Đoàn ở miền Nam. Thế là tôi rời báo Nhân Dân về Ban miền Nam Trung ương Đoàn xây dựng lớp huấn luyện cán bộ thanh vận để đưa về Nam. Cuối năm 1964, chúng tôi lên đường vượt Trường Sơn.
Do hoàn cảnh còn khó khăn, báo Đoàn chưa thể xuất bản, tôi được điều về Ban Tuyên huấn Trung ương Cục rồi về báo Giải Phóng. Tôi luôn nhớ mình là phóng viên báo Nhân Dân, nên tháng 5-1965 đã gửi đến tòa soạn bài bút ký về Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua Quân Giải phóng và được đăng trên báo Nhân Dân. Sau đó, tôi được giao làm phóng viên mặt trận, viết nhiều bài về tòa soạn và chuyển ra Bắc. Báo Nhân Dân có đăng một số bài ghi rõ “Bài từ miền Nam gửi ra” như: “Tây Đô học trong lửa đạn” (1966), “Bụi tầm vông” (1969)... Đặc biệt chỉ 10 ngày sau cuộc tổng tấn công 1968, trên báo Nhân Dân đã đăng bài bút ký của tôi “Chiến lũy trên đường phố Sài Gòn” (một số báo khác đăng lại đổi tên thành “Chú bé Sài Gòn”.
Cách đây 56 năm tôi đã có mặt ở báo Nhân Dân. Cho tới nay tôi vẫn luôn tâm niệm: là phóng viên báo Nhân Dân về chiến trường phải luôn gắn bó với cơ quan, với tờ báo Đảng.
***
Đầu năm 1965 tôi được tin anh Thép Mới đã vào Nam, không phải bằng đường “hợp pháp”, không phải đường biển mà vượt Trường Sơn. Tôi lo: Anh đã lớn tuổi, liệu đi Trường Sơn có kham nổi? Rồi tôi được tin anh mất ở Khu 5 sau cơn sốt rét ác tính... Tôi nhớ anh đã dạy dỗ tôi từ lúc mới vào cơ quan, hướng dẫn tôi viết. Hôm tiễn tôi lên đường vào Nam có các anh Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Hồng Hà, Hà Đăng và anh, cùng các anh lãnh đạo ôm chặt tôi nói những lời dặn dò chí tình...
Thế rồi trên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam có phát một loạt bài bút ký viết về Khu 5: “Đà Nẵng - Thanh gươm kề cổ bọn Mỹ”, “Trường Sơn hùng tráng”... ký tên Hồng Châu. Anh em Nam bộ đều hỏi thăm về người viết mới này. Tôi bỗng nghĩ ngay đến anh, bởi có giọng văn giống bài “Hiên ngang Cuba” mà anh viết năm 1959, tôi biết anh có tên riêng là Hồng và vợ anh tên Châu. Như vậy anh vẫn còn sống với chúng ta!
Giữa năm 1966, sau chiến dịch Bắc Sông Bé, tôi về cơ quan viết bài thì được thư anh. Trong thư có mấy đoạn vui: “Mình đang nằm chỗ ông Tám Trần (tức anh Trần Văn Phác)... biết cậu khỏe rất mừng. Nghe các ông ấy nói cậu tải tới 50kg một lần. Khỏe đến thế cơ à?”.
Năm 1968, anh đi cùng các đồng chí Thường vụ Khu ủy Sài Gòn vào nội đô. Anh được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho số báo cách mạng đầu tiên. Trước giờ nổ súng, anh có vinh dự lớn khi được các cơ sở nội đô đưa đi xem các cứ điểm sẽ nổ súng tiến công. Cuộc đánh chiếm Sài Gòn không thành, các lực lượng phải rút ra, song anh bị... quên. Một tháng sau, giao liên mới đưa anh ra vùng ven.
Năm l969, anh được điều về làm ủy viên Ban Tuyên huấn miền Nam kiêm Trưởng Tiểu ban báo Giải Phóng. Anh đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia với chúng tôi xuất bản tờ báo ra hàng tuần, in hai màu. Anh em rất quý anh. Quây quần bên anh để làm báo. Các cháu nhỏ luôn chăm sóc bữa ăn, bình nước cho chú Năm Hồng Châu.
Năm 1971, do sức anh ngày càng yếu nên Trung ương Cục cho anh và chị ra Bắc theo đường Trường Sơn. Thế là anh Thép Mới 2 lần qua Trường Sơn để làm nhiệm vụ phóng viên báo Nhân Dân.
***
Anh Vũ Tuất Việt là biên tập viên Ban Quốc tế của báo Nhân Dân với bút danh thường dùng Vũ Tuất. Anh rất giỏi tiếng Hoa, đã từng đi phiên dịch cho các chuyên gia cao cấp và các đồng chí lãnh đạo của ta.
Vào cuối năm 1967, anh Thép Mới nói với tôi: Tuất Việt vào Nam rồi, nhưng ở “cánh” bộ đội. Anh Tuất Việt xung phong đi B vào thời điểm quân đội đang cần cán bộ chính trị. Anh làm chính trị viên một đơn vị vào Nam bộ. Được tin anh vào, các anh ở Cục Chính trị miền Nam giữ anh lại, đưa anh về báo Quân Giải phóng.
Anh Tuất Việt rời tay viết bình luận quốc tế để tham gia làm phóng viên mặt trận. Anh đã đến với các đơn vị bộ đội tiến công vào Sài Gòn và đánh phản kích ở Tây Ninh. Anh cũng có mặt trên nhiều mặt trận ở miền Đông Nam bộ. Sau đó anh được điều về làm Thư ký tòa soạn báo Quân Giải phóng miền Nam.
Năm 1969, anh Thép Mới xin anh về báo Giải Phóng miền Nam. Thời gian Mỹ đánh vào biên giới Việt Nam - Campuchia (cuối năm 1969), cơ quan rút lên hướng sông Mê Công, tôi và anh được phân công mỗi người phụ trách một đội du kích ở lại phía sau vừa đánh giặc vừa bảo vệ tài liệu, tài sản của cơ quan. Rồi anh lại đi theo các đơn vị bộ đội lên Đông Bắc Campuchia và giải phóng Ăng-co...(*)
***
Vào đầu năm 1975, khi tôi đang ở trên núi Bà Đen (Tây Ninh) vừa giải phóng thì có đoàn cán bộ từ Hà Nội vào Nam, trong đó có anh Hồ Quốc của báo Nhân Dân. Hôm tôi về đến căn cứ, anh Trần Bạch Đằng cho biết: Hồ Quốc hỏi thăm cậu nhiều, có chuyển quà và thư của anh Nguyễn Thành Lê.
Tôi rất cảm động. Dù tôi không phải là phóng viên báo Nhân Dân được cử về Nam bộ để viết cho báo, song tôi vẫn là người của báo Nhân Dân, một trong bốn cán bộ báo Nhân Dân có mặt ở chiến trường Nam bộ lúc bấy giờ.
ĐINH PHONG
(*) Sau giải phóng, anh Tuất Việt công tác ở báo Giải Phóng và làm Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng.
Ngày 10-3, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra số đầu tiên (11-3-1951 – 11-3-2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh (lần 2). Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đến dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh... T.NAM
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Báo Nhân Dân đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian tới, Báo Nhân Dân phải đi đầu trong công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước mắt, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XI của Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Thông tin trên báo cần nhanh nhạy, kịp thời hơn nữa. Có những bài điều tra, phân tích, dự báo tình hình, những bài bình luận sâu sắc về các sự kiện chính trị, kinh tế lớn trong nước và trên thế giới; đáp ứng nhu cầu thông tin và định hướng dư luận xã hội. Phát huy tinh thần chủ động tiến công, có nhiều bài viết có tính chiến đấu cao, kịp thời và sắc bén, có sức thuyết phục trong việc đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. “Mỗi người làm Báo Nhân Dân cần tích cực, chịu khó đi vào đời sống, gắn bó với nhân dân; lắng nghe và học hỏi cách nghĩ, cách làm của nhân dân” – đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh.