1. Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối. Vì vậy, những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng sẽ đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, các chủ trương, đường lối của Đảng sẽ được thể chế hóa, cụ thể hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong suốt quá trình lịch sử của mình, những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh vĩ đại của nhân dân.
Tuy nhiên, Đảng không phải là gì trừu tượng mà là một thực thể sống. Một khi một thực thể sống, ngoài những chủ trương, đường lối đúng đắn, không phải không có những sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài nói tại Hội nghị nghiên cứu lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo Trung ương ngày 28-11-1959, đã khẳng định: “…Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm: Là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người đã chết bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình và kiên quyết sửa chữa”. Đảng ta đã vượt lên chính mình trong nhiều quyết định lịch sử và vì vậy mà uy tín của Đảng đã được khẳng định.
Ngược dòng lịch sử, một câu hỏi đặt ra là vì sao người dân khi ấy tin Đảng như vậy? Không khó để trả lời, là ngoài những chủ trương, đường lối đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì đội ngũ đảng viên của Đảng thật sự là những người gương mẫu.
Nói dân tin Đảng là cái gì đó rất trừu tượng, người dân nhìn Đảng qua lăng kính của mình, là qua đội ngũ đảng viên, nhất là những đảng viên giữ các cương vị lãnh đạo cao. Trước năm 1945, trong quá trình hoạt động cách mạng, cả 4 Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh. Hầu hết các nhà cách mạng lớp đầu tiên của Đảng ta cũng bị thực dân Pháp “dành tặng” nhiều năm tù đày. Thế nhưng, lớp trước ngã xuống thì lớp sau nối tiếp, bởi “Người ta thì thầm một cái tên, đập nhịp theo trái tim của người ta: Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở trong lòng của mỗi người nô lệ…” (tác giả Nguyễn Văn Nguyễn, Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, được bầu làm đại biểu Quốc hội tỉnh Mỹ Tho, khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).
Rất nhiều người, trong đó có những trí thức lớn, đi theo cách mạng sau này kể lại, họ hầu như chưa biết Chủ nghĩa Mác là gì. Họ cũng chưa rõ về Lênin, thế nhưng họ thấy những người cộng sản sống đẹp quá, và đặc biệt chứng kiến những người cộng sản hiên ngang trước cái chết. Họ đã tin và đi theo. Niềm tin buổi ban sơ mới cụ thể, thiết thực và đẹp biết bao nhiêu. Đến cái quý giá nhất của con người là mạng sống mà những người cộng sản kiên cường ấy đã sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp là độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, thử hỏi còn gì đẹp hơn thế.
2. Nhờ niềm tin ấy mà dân đã theo Đảng suốt 92 năm qua và từ một đất nước bị đô hộ, Việt Nam đã trở thành một đất nước sánh vai với bạn bè năm châu. Từ một đất nước không được ai công nhận sau Cách mạng Tháng 8, thì nay Việt Nam đã có quan hệ với 189/193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc.
Từ một đất nước bị lệ thuộc, thì nay Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào sân chơi lớn của toàn cầu. Tiếng nói của Việt Nam trên nhiều diễn đàn lớn của quốc tế đã được trân trọng lắng nghe. Từ một dân tộc phải gánh chịu thảm trạng nạn đói năm 1945 làm chết hàng triệu người thì nhiều năm qua, Việt Nam trở thành đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam nay đã có quan hệ với gần 250 chính đảng ở trên 110 quốc gia trên thế giới… Nếu nói Việt Nam là một nước nhỏ thì bây giờ không còn đúng nữa, bởi Việt Nam đã là một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dân số đứng thứ 15 của thế giới. Nếu so với chính chúng ta trong cùng một thời điểm thì những thành tựu mà chúng ta đạt được là quá lớn lao!
Dẫu vậy, nếu so sánh với các quốc gia khác cùng xuất phát điểm như Việt Nam, hẳn nhiên những đảng viên tâm huyết và có trách nhiệm với Đảng, với đất nước và dân tộc không thể không sốt ruột. Một Đảng được hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thì tất cả mọi thành công hay thất bại ở đất nước này đều có can hệ của Đảng. Và, Đảng là lực lượng duy nhất ở Việt Nam sẽ gánh phần trách nhiệm của mình trong những thành công và chưa thành công ấy.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng mỗi khi có chủ trương, đường lối đúng thì một vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến thành công chính là việc triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất, Việt Nam, đặc biệt là TPHCM, đối mặt với khó khăn chưa từng có vì làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 với nhiều mất mát, đau thương.
Thế nhưng, qua công cuộc phòng chống dịch đã xuất hiện những cách làm sáng tạo của một số cán bộ địa phương như ở huyện Củ Chi, quận 7… Những người lãnh đạo ở địa phương ấy, trên cơ sở chủ trương, chính sách về chống dịch đã bám sát địa bàn và đưa ra những quyết định sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương.
Chuẩn bị cho giai đoạn của đất nước thời gian tới, Đại hội XIII của Đảng không chỉ hoạch định đường lối phát triển đất nước giai đoạn 2021-2025 mà còn đề ra tầm nhìn định hướng phát triển đất nước với các mốc thời gian xa hơn, là tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (năm 2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045).
Từ nay đến năm 2030 là 8 năm, 8 năm cho một mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mục tiêu ấy có đạt được hay không thì mấu chốt vẫn nằm ở: Các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên!