
LTS: Từ ngày 4 đến 10-10-2008, Đoàn Văn nghệ sĩ (ngôn ngữ Hoa) các nước Đông Nam Á đã có chuyến thăm, làm việc và sáng tác tại Việt Nam. Trong số này có một nữ ký giả không còn trẻ nữa. Vừa đáp máy bay đến TPHCM, bà đã dành riêng một buổi để tiếp phóng viên Báo SGGP. Câu chuyện thật cảm động về những kỷ niệm với Bác Hồ vào năm 1957 đã được tái hiện qua hình ảnh và suy nghĩ của bà. Buổi phỏng vấn liên tục bị ngắt quãng bởi những dòng nước mắt và ngay sau đó, bà đã về lại Bắc Kinh. Bà tên Vương Phong (ảnh), nguyên phóng viên Tân Hoa Xã.
* PV: Ngày ấy, lý do nào thôi thúc bà muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh?
* Bà VƯƠNG PHONG: Sau năm 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam, Bắc. Mỹ vào chiếm miền Nam Việt Nam. Miền Bắc XHCN có Trung Quốc và Liên Xô là các nước anh em giúp. Ba tôi, nhà báo Vương Duy Chân, được điều động sang Hà Nội làm Trưởng Phân xã của Tân Hoa Xã. Với vị trí đó, ông thường xuyên gặp gỡ các lãnh tụ Việt Nam, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm 1955-1957, tôi theo ba sang Việt Nam và nghe ba kể rất nhiều về Bác Hồ, tôi thấy Bác vĩ đại quá. Thêm nữa, do xa gia đình nên khi xem ảnh Bác, tôi thấy tóc Bác cũng bạc, râu Bác cũng dài hệt như ông nội của tôi… nên tôi xin ba cho gặp Bác một lần! Ba tôi nói: “Con học giỏi, thì sẽ được gặp Bác Hồ”. Rồi ba dạy tôi mấy câu tiếng Việt: “Chào đồng chí”, “Đồng chí khỏe không”… để nếu may mắn có dịp gặp Bác thì nói!

Em bé Vương Phong trong tấm ảnh chụp với Bác Hồ năm 1957…
* Thế hoàn cảnh nào mà bà có được bức ảnh “Bác Hồ và em bé Trung Quốc”?
* Năm 1957, Nguyên soái Liên Xô sang thăm Hà Nội. Bác Hồ ra sân bay đón nguyên soái. Ba tôi và ngài Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội tên La Quý Ba cũng ra đón nguyên soái. Trước đó, ba tôi may cho tôi một chiếc áo nửa theo kiểu áo dài, nửa là sườn xám, nói “để con gặp Bác Hồ”. Nghe thích quá, tôi ra vườn hoa trong Phân xã Tân Hoa Xã hái một bó hoa mang theo.
Trời hôm ấy mưa lâm râm, máy bay đến hơi trễ. Ba tôi gửi tôi cho Đại sứ La Quý Ba để rảnh tay tác nghiệp. Nghe tiếng mọi người xôn xao: “Bác Hồ đã đến, Bác Hồ đã đến rồi”, tôi ngước nhìn lên thì thấy Bác đã hiển hiện trước mắt. Có lẽ tôi bé nhất, lại mặc áo dài, tay cầm hoa và còn đứng chung với Đại sứ Trung Quốc nên Bác chú ý.
Sau khi Bác bắt tay ông Đại sứ, tôi dang hai tay ra để Bác ôm mình vào lòng. Tôi tinh nghịch đưa tay vuốt vuốt râu Bác như từng làm với ông nội mình và nói ngay: “Đồng chí Hồ Chí Minh, đồng chí có khỏe không?”. Thoáng ngạc nhiên pha lẫn vui sướng, Bác cười: “Bác khỏe, Bác chào đồng chí “em bé”, đồng chí… ăn cơm chưa, đồng chí… học giỏi không?”. Hàng trăm chiếc ống kính chĩa về phía tôi, ánh đèn từ các máy ảnh lóe lên liên tục. Tấm ảnh này đã ra đời như thế, do phóng viên Tạ Sỹ Phong (Báo Tân Việt Hoa dành cho người Hoa tại Hà Nội) chụp, hơn nửa thế kỷ rồi!
* Nửa thế kỷ qua, bà đã nghĩ gì về khoảnh khắc đáng nhớ ấy?
* Cuối năm 1957, tôi trở về Trung Quốc đi học trên chuyên cơ, cùng chuyến bay với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nhận ra tôi ngay và tôi cũng quấy Bác suốt, đến nỗi cảnh vệ phải đưa tôi về ghế ngồi và cho… kẹo. Tấm ảnh chụp với Bác, tôi cho vào album giữ mãi. Sau này, ba tôi có hứa nếu học giỏi, ba sẽ đưa tôi trở lại Việt Nam thăm Bác Hồ. Và tôi đã cố gắng học giỏi với mong ước ấy. Về sau, khi không còn hạnh phúc trong hôn nhân, tôi đã rời khỏi gia đình chồng với duy nhất tấm hình chụp với Bác, một con người vĩ đại mà thương trẻ em đến thế. Bác bình dị như không thể bình dị hơn, gần gũi như cha như ông trong nhà. Bác Hồ là thần tượng, là vĩ nhân của một lớp người trẻ Trung Quốc chúng tôi.
Năm 1969, tôi đang tham gia nghĩa vụ quân sự ở Quân khu Thẩm Dương thì được tin Bác mất. Tôi đã khóc mấy ngày. Khóc vì thương Bác, nhớ Bác mà không thể gặp lại Bác.
* Cảm xúc của bà thế nào khi đến thăm thành phố mang tên Bác?
* Từ năm 1987-2006, tôi nối nghiệp ba, làm phóng viên Tân Hoa Xã. Tuy nhiên lần trở lại Việt Nam đầu tiên vào năm 2000, tôi “hơn” ba tôi ở chỗ: chụp hình cầu Hiền Lương ở cả hai bờ Bắc-Nam, nơi mà xưa kia là vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước các bạn. Tôi đã thăm các Bảo tàng Hồ Chí Minh ở nhiều miền, thăm Bến Nhà Rồng, thăm Làng Sen và tôi thể hiện những cảm xúc ấy trong hàng chục bài viết. Ba tôi già nhưng nghe tôi đọc xong, ông cũng khóc. Ba tôi nói: “Sinh thời, Bác luôn nhớ thương đồng bào miền Nam!”.
Lần này trở lại Việt Nam, tuy có chuyến bay thẳng Bắc Kinh-TPHCM nhưng tôi đã ghé thăm Hà Nội, thăm lại kỷ niệm xưa trước khi bay tiếp vào TPHCM. Bởi lần này tôi sẽ trao tấm ảnh “Bác Hồ và em bé Trung Quốc” cho Hội Hữu nghị Việt-Trung TPHCM, đồng thời mang một tập thơ “Nhật ký trong tù” bằng tiếng Hoa về Trung Quốc. Và tôi sẽ rời thành phố mang tên Bác Hồ để bay thẳng về Bắc Kinh nhưng trong tim tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống mãi (khóc)!
* Xin cảm ơn bà.
DƯƠNG MINH ANH (thực hiện)- KỲ LÂN (phiên dịch)