Kỷ niệm về nhà văn quân đội Nguyễn Khắc Thứ

Nguyễn Khắc Thứ thuộc thế hệ những nhà văn thời kháng chiến chống Pháp. Từ thời còn là học sinh, Nguyễn Khắc Thứ đã say mê văn chương và đã sáng tác nhiều truyện dài, truyện ngắn, thơ ca. Khoảng năm 1948, khi giặc càn về quê nhà, gia đình anh phải buồn bã đem toàn bộ sách vở ra đốt, trong đó chúng tôi phát hiện nhiều bản thảo truyện ngắn và thơ ca của anh được viết tay nắn nót hoặc đánh máy.

Kháng chiến bùng nổ, đường sắt, cầu cống, tàu xe bị phá bỏ, anh lên chiến khu Ba Lòng của tỉnh Quảng Trị và công tác tại Ban di cư tản cư của tỉnh. Khoảng năm 1949, anh ra công tác ở Nghệ Tĩnh thuộc vùng tự do, kết hợp với một việc riêng cũng không kém phần quan trọng là đưa người em con dì, sau này là NSƯT Tân Nhân, ra vùng tự do tiếp tục học tập… Ca sĩ  Tân Nhân lúc đó là nữ sinh Đồng Khánh (Huế), hoạt động nội thành bị lộ, phải rời thành phố lên khu kháng chiến.

Sau đó, Nguyễn Khắc Thứ xin gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên. Theo họa sĩ Quốc Tiến kể lại thì anh và Nguyễn Khắc Thứ là những cán bộ đầu tiên thuộc tổ phóng viên mặt trận. Ngoài việc đi chiến dịch thu thập tin tức, các anh còn đảm nhiệm việc xuất bản, in ấn tờ báo quân đội thuộc chiến trường Bình Trị Thiên trong điều kiện hiểm nghèo, khó khăn thiếu thốn.

Tôi còn nhớ như in hình ảnh tờ báo ít nhiều huyền thoại này. Điều kỳ diệu đầu tiên là tờ báo ra đều đặn và được phát hành rộng rãi trong và ngoài quân đội trong nhều năm liền. Tờ báo được in trên giấy tốt, thuộc loại giấy ngoại nhập mà chỉ vùng tạm chiếm mới có. Cầm tờ báo trong tay, cứ ngỡ là cầm một tờ Phong Hóa hay tờ Ngày Nay thời tiền chiến.

Tôi cũng còn nhớ rõ những bài anh Thứ viết trên báo được ký tên anh. Đó là những ghi chép về các trận chiến, về thành tích các đơn vị quân đội và dân quân anh dũng chiến đấu trong trận Đông Hà, về hàng binh tù binh Âu - Phi, về những thị dân Huế tham gia chiến trận khi con tàu hỏa chở họ chạy vào vùng chiến sự…

Toàn bộ tâm huyết của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ có lẽ được đọng lại lâu bền trong ký sự chiến tranh Trận Thanh Hương, sớm ra đời trong những ngày khói lửa. Trận đánh xảy ra trên địa bàn xã Thanh Hương, đã đi vào lịch sử như một trận vận động chiến quan trọng của chiến trường Bình Trị Thiên, đã làm mọi người phấn chấn vì ta có thể đánh địch “giữa ban ngày”, mặt giáp mặt, súng đọ súng. Ký sự Trận Thanh Hương được giải nhì (cùng Xung kích của Nguyễn Đình Thi), do Hội Văn nghệ Việt Nam trao tặng.

Vào những năm 1956-1957 Nguyễn Khắc Thứ tham gia trại sáng tác của Tổng cục Chính trị viết về đề tài Anh hùng quân đội. Anh cho ra đời cuốn tiểu thuyết Đất chuyển, kể lại một câu chuyện có tính hiện thực, với những nhân vật có hồn, có tình người.

Chỉ mấy tháng sau khi được xuất bản ở VN, Đất chuyển được một nhà văn Trung Quốc dịch sang Hoa văn với tên gọi Thổ địa hồi gia. Một truyện khác của anh, Bản án tử hình, được nhiều nước Đông Âu đăng lại trên các báo văn học, sau khi họ nhờ anh dịch ra tiếng Pháp làm cứ liệu trung gian… Truyện ngắn Hẹn hò của anh ra mắt bạn đọc năm 1966 và sau đó anh vắng mặt hẳn trên văn đàn

Sau này chúng tôi được biết anh còn lặng lẽ viết bộ truyện dài tên Khói lửa. Khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, bộ truyện đã viết xong, nhưng anh chưa đặt vấn đề xuất bản vì muốn tác phẩm phải hoàn toàn chân thực và mang sắc thái nghệ thuật thật sự. Sắc thái đó như thế nào? Anh chưa có lời giải đáp trọn vẹn. Anh xếp bản thảo lại đợi chờ.

Trong thời gian rảnh rỗi ở Huế, thành phố thời thơ ấu của anh, đồng thời là nơi anh chọn làm chỗ nghỉ hưu, anh giúp một số vị tướng lĩnh viết hồi ký về chiến trường Bình Trị Thiên.

Có thể nói rằng, những gì sót lại của Nguyễn Khắc Thứ chỉ là phần nổi của tảng băng khá lớn. Phần chìm của tảng băng có nguy cơ không bao giờ biết đến nữa. Nguyễn Khắc Thứ mất ngày 6-9-1990 tại một ngôi làng hẻo lánh ở Quảng Bình. Mộ của anh được tổ giáo viên văn học của một trường gần đấy thường xuyên chăm sóc.

Nghe nói khi sắp mất, anh nhiều lần nhắc đến chúng tôi, những đứa em anh gần gũi ngày xưa. Anh nhắc nhiều đến mức tên tuổi chúng tôi thành quen thuộc với những người dân làng anh cư ngụ lúc cuối đời…

TRƯƠNG QUANG ĐỆ

Tin cùng chuyên mục