"Mẹ đào hầm… Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh… Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc…”.
Lom khom bước dưới lòng địa đạo trong ánh sáng mờ mờ của những chiếc đèn bóng tròn treo trên nóc hầm, tôi chợt nhớ câu hát quen thuộc, bỗng thấy thấm thía về thời quê hương còn chìm trong khói lửa. Câu hát mà người nước ngoài nào nghe chắc cũng phải ngạc nhiên, không hiểu nổi ý nghĩa của ca từ. Bà mẹ đào hầm để làm gì? Đào làm chi từ lúc tuổi còn xuân cho tới nay tóc đã bạc phơ? Mà phụ nữ làm sao đào hầm cho được? Phụ nữ là giới được xã hội nâng niu chiều chuộng, là những người chân yếu tay mềm làm sao làm được chuyện kinh khủng đó?
Vậy mà ở đây, quân dân Củ Chi không phân biệt già trẻ, trai gái, từ 1946 cho đến 1965, đã kiên trì bền bỉ, góp công góp sức mở những đường hầm ăn sâu vào lòng đất với những hệ thống chằng chịt như lò bát quái, tạo nên một căn cứ địa vững chắc, góp phần đánh thắng đội quân viễn chinh Mỹ, một đội quân chuyên nghiệp, hiện đại nhất thế giới.
- Wow! Ngộp quá cô ơi!
Tiếng kêu lơ lớ của cô bạn Mỹ (người New York, biết nói tiếng Việt) phía sau lưng khiến tôi quay lại. Mãi lo nhìn ngắm, nghĩ suy mà quên cô gái có thân hình tương đối đồ sộ đang vất vả trong khung cảnh mà đối với cô hết sức kỳ lạ và bức bối khó chịu. Tôi cười, động viên:
- Cố lên! Tới phòng họp của Ban Chỉ huy sẽ thoáng hơn.
- Vậy hả cô? Ngộp quá làm sao sống được?
- Vậy mà họ sống mấy chục năm dưới này đó.
- Ô! My God!
- Thôi ta đi đi! Bám sát theo cô hướng dẫn kẻo lạc đường.
Moly lò dò bước, hơi thở nặng nhọc, bước chân chậm chạp dò dẫm, có lúc cô phải cúi người sát xuống đất cố gắng lách qua những chỗ hẹp, tôi biết cô tiến sĩ sử học thật khó khăn khi đi vào căn cứ bí hiểm này, nơi tiếng tăm đã vang vọng đến thành phố hoa lệ, nơi cô ở. Cô chỉ nghe đến nơi này qua sách báo, rồi vì tính tò mò và cũng vì yêu mến cái xứ sở mà ba mẹ cô thường hay nhắc nhở và họ cũng đã từng tham gia các cuộc phản chiến chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây, để bây giờ chân cô chạm đến một phần những di tích chiến tranh, chắc rằng cô không thể hình dung nổi.
Ngồi xuống bàn ăn ở bếp Hoàng Cầm, Moly cầm miếng khoai mì nóng chấm với muối mè bỏ vào miệng, cô nhăn mặt chun mũi nhưng cũng trệu trạo nhai vì bụng đã đói. Tôi ăn ngon lành miếng khoai trước ánh mắt ngạc nhiên của Moly, cô hỏi:
- Ngon không cô? Sao nhạt quá, không nhai được.
- Rất ngon. Đây là loại cây dễ trồng. Không nhiều chất bổ nhưng chống đói được.
- Ok. Ấn tượng quá cô ạ. Con về sẽ kể lại cho các bạn bên ấy nghe, họ cũng muốn tới Việt Nam lắm mà chưa đi được.
Cô hướng dẫn trẻ măng trong bộ quần áo kiểu du kích, cô nở nụ cười hồn nhiên, tay chỉ tấm bản đồ:
- Địa đạo Củ Chi cách TPHCM 70km về phía Bắc, đầu tiên là những đoạn hầm ngắn của dân quân 6 xã phía Bắc Củ Chi được đào từ thời chiến tranh Đông Dương đến thời đánh Mỹ và các đoạn hầm này được nối kết lại thành “trục xương sống”, rồi các đơn vị, cơ quan tiếp tục phát triển các nhánh ăn thông với tuyến chính, hình thành địa đạo liên hoàn kéo dài trên 200km... Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường xương sống tỏa ra vô số nhánh dài, ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn…
Tôi dẫn Moly bước vào nhà hàng nằm cạnh sông Sài Gòn mát mẻ. Trong khi đợi món ăn, tôi khe khẽ hát cho cô nghe bài Mẹ đào hầm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Mẹ đào hầm… Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh… Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc… Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác… Bao đêm rồi tiếng cuốc vọng năm canh…”.
Đôi mắt của Moly rân rấn nước, cô khẽ nói:
- Đối với con, đó là kỳ quan dưới lòng đất cô ạ. Đúng hơn là kỳ quan của trái tim con người. Đất nước cô có nhiều điều kỳ lạ quá, người phương Tây không hiểu hết được.
Tôi cười, nhìn gương mặt trắng hồng của cô gái vừa mới 24 tuổi, sắp trở thành cô dâu Việt, tiếng Việt nay đã sõi hơn cái thời cô mới qua Việt Nam lần đầu. Tôi mời: “Ăn đi! Canh chua cá ngát đó, ngon lắm! Tập nấu món ăn Việt Nam cho giỏi để sau này còn nấu cho chồng con ăn”.
Cô gái nở nụ cười, hàm răng đều như hạt bắp, cầm đũa và lùa cơm thành thạo như người Việt.
Kim Quyên