Không hình hài màu sắc hay tiếng động, ký ức đầy lên trong ta mỗi ngày dù muốn hay không. Theo định nghĩa mới của UNESCO thì ký ức nhiều khi được hiểu như một di sản phi vật thể và cần phải lưu giữ.
Ngạc nhiên thay, nó lại là thứ trường tồn hơn bất kỳ di sản vật chất nào đã từng có mặt trên trái đất. Nó lưu giữ lại được rõ nét từ vườn treo Babylon 600 năm trước công nguyên ở xứ Iraq ngày nay cho đến Ngọn hải đăng Alecxandria ở xứ Hy Lạp 300 năm trước công nguyên. Hai trong bảy kỳ quan thế giới này chỉ còn trong ký ức nhân loại qua những ghi chép vụn vặt rất ít bằng chứng vật chất.
Người sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước gắn ký ức của mình với những cột đèn sắt tán đinh, những leng keng tàu điện và còi tầm nóc Nhà hát lớn. Với chợ búa nhộn nhịp Đồng Xuân - Bắc Qua, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ Hôm - Đức Viên, chợ Bưởi, chợ Mơ. Ký ức gắn liền với dòng sông Hồng và chiếc cầu Long Biên hùng vĩ mà thanh thoát chạy qua bãi giữa ngút ngàn xanh. Gắn với giọng nói trong trẻo nhã nhặn của thiếu nữ Hà Nội và cách ăn mặc khiêm nhường không bao giờ phô trương thái quá. Và gắn với những hàng cây làm nên tên tuổi của phố phường cả mới và cũ.
Hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: C.T
Cây Hà Nội được thừa hưởng quy hoạch của nền văn minh đô thị châu Âu do người Pháp để lại sau hòa bình. Hẳn là kết quả của rất dày công nghiên cứu và tìm kiếm. Họ đã để lại nhiều giống cây trồng đô thị không có trong hệ thực vật Việt Nam. Cách thức quy hoạch cây trồng trong phố cũng được tính toán tỉ mỉ từ tầm vóc cây, độ tỏa rộng của lá cành cho đến màu hoa và mùi hương. Họ cũng thành lập hẳn một Vườn Bách Thảo bên cạnh Hồ Tây để mang rất nhiều giống cây mới lạ trên thế giới về trồng.
Hàng cây bàng trên phố Tràng Thi sau hòa bình đã đạt độ lớn cực đại che phủ suốt chiều dài con phố. Mùa hè đi trên con phố ấy gần như không nhìn thấy ánh mặt trời. Tháng bảy mùa mưa, bàng chín rụng vàng mặt đất. Trẻ con nghỉ hè đội mưa nhặt những quả bàng ngọt lịm ăn không biết chán. Hạt bàng đùm vào vạt áo mang về dùng búa đập ra lấy nhân béo ngậy. Mùa đông, cả con phố đỏ thẫm sắc lá trên cành và mặt đất. Những cành bàng gầy guộc dãi dầu in lên nền trời tĩnh lặng mịt mù sương khói thần tiên. Bước chân của những người gánh hàng rong xạc xào nhẫn nại gọi mời.
Mười mấy cây bồ đề trước cửa Trường Tiểu học Tây Sơn đường Trần Nhân Tông mùa thay lá rải vàng mặt đất. Lá mới buông chùm trong veo tĩnh lặng từ bi. Lũ trẻ tan trường như những thiên thần nhỏ vui đùa trong lá.
Hàng cây sao phố Lò Đúc mang đại ngàn về phố phường chật chội. Những cây sao đen thẳng tắp vươn lên nền trời tỏa bóng. Phố âm âm tối suốt cả ngày. Xao xác tiếng đàn cò tìm về mỗi chiều làm người ta hình dung ra độ cao vượt bậc của cây. Phố Lò Đúc còn có tên gọi dân dã là “Bang cò ỉa”. Qua đấy buổi chiều phải dỏng tai nghe ngóng tiếng cò trên đầu mà đi. Phiền đấy nhưng luôn rộn tiếng cười. Ai đó có chuyện buồn đi qua phố ấy lúc chập choạng hẳn là sẽ được những tiếng cười an ủi rất nhiều.
Hoa sữa trồng thành hàng thẳng tắp bên đường Nguyễn Du. Tháng chín ngạt ngào thơm đêm thành phố. Gió mùa đông bắc tràn về làm cho những chùm quả khô tách vỏ, hạt bông hoa sữa lang thang bay sang phía hồ Thiền Quang kết lại thành đám lớn nổi lềnh trên mặt nước.
Hàng cây sấu cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo sần sùi u mấu như những bức điêu khắc hiện đại. Cây Hà Nội mang nhiều vết tích những tháng năm nhọc nhằn chiến tranh đói khổ. Người ta đóng đinh lên cây để treo vài chiếc vỏ xe hỏng như một biển hiệu của cửa hàng sửa chữa xe đạp. Những rễ sấu già mọc chồi lên khỏi mặt đất như chiếc ghế dài lý tưởng cho việc đợi chờ sửa xe. Những năm tháng ấy không chỉ quả sấu mới là thức ăn mùa hè. Lá sấu nhiều khi cũng được người Hà Nội cho vào nồi đánh dấm nước rau luộc. Trẻ con thất học khá nhiều. Hầu hết sung vào đội quân trèo me, trèo sấu. Đến mức “trèo me, trèo sấu” đã trở thành thành ngữ của người Hà Nội chỉ đám du thủ du thực trong tương lai.
Phố Lý Thường Kiệt hoa phượng, phố Thợ Nhuộm với bằng lăng, phố Hai Bà Trưng với cây nhội, phố Quang Trung có hai hàng cơm nguội; Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu rợp tán xà cừ và rất nhiều con phố Hà Nội gợi nhớ nhung bằng những hàng cây của mình. Ký ức vẫn còn nguyên vẹn nhưng cây cối phố phường đã hư hao thay đổi khá nhiều. Hà Nội không phải là mảnh đất hứng nhiều dông bão, cây cối bị phá hủy phần lớn do con người.
Nếu có ai đó hỏi người Hà Nội vì sao hai cây xà cừ khổng lồ góc đường Hùng Vương - Lê Hồng Phong bị chết lại được trồng thay thế vào đấy hai cây sấu non tơ mướt mát? Câu trả lời đã có sẵn theo kiểu anh hai Nam bộ: Biết chết liền!
ĐỖ PHẤN