Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, nhưng kỷ niệm về một thời đánh giặc vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người lính. Trở lại chiến trường xưa, gặp lại đồng đội cũ có biết bao kỷ niệm vui buồn. Phải làm gì với những vùng đất đã đi qua, phải làm gì với những người đã khuất? Ký ức chiến tranh - nghĩa tình mãi trả.
Ký ức chiến tranh
Ngày 19 tháng 11 năm 1970
Trung đội trưởng Quản Đình Mậu có dáng người nhỏ thó, quê ở Ứng Hòa, Hà Tây. Mấy tháng huấn luyện đi B ở Làng Mô (Yên Quang), cánh lính trẻ đại đội 2 tiểu đoàn 582 đã gắn bó với anh. Anh không chỉ là thủ trưởng mà thực sự còn là một người anh của tụi mình nữa. Giao ban từ đại đội về, anh nói nhỏ: Chuẩn bị tinh thần cho tiểu đội. Đêm nay bắt đầu vượt Trường Sơn. Sẽ đi ô tô vào Làng Ho rồi từ đó đi bộ. Vượt Trường Sơn, nghe cụm từ ấy, lòng mình bỗng xốn xang.
Phải nói, cái rét cuối đông ở Quảng Bình thật dữ dội. Từ Cự Nẫm hành quân vào Làng Ho bằng cơ giới, đứa nào cũng tím tái như quả mồng tơi. Xe chạy trên đường 20 như con ngựa bất kham nhào lên, lộn xuống. Mình bị say xe. Ói đến giọt nước miếng cuối cùng mà vẫn thấy như bay trên mây. Mình nói với trung đội trưởng Mậu, cho xe dừng lại một chút. Anh Mậu đưa cho mình lọ dầu nóng, nói như quát: “Ráng lên sắp đến Làng Ho rồi”. Nghe tiếng Làng Ho, lòng mình bỗng thấy ấm lạ. Mình hình dung ra gương mặt già làng Vân Kiều với tẩu thuốc to như bắp tay trên miệng đang tỏa khói. Cả cô gái Vân Kiều với bầu ngực trần như trái dừa non nữa. Khuya. Xe dừng lại. Mưa lớn. Không thấy Làng Ho với gương mặt già làng và khuôn ngực non của em gái Vân Kiều đâu. Chỉ thấy con đường lầy lội, trời tối om và mưa như trút nước.
Đêm ấy, đêm đầu tiên ngủ rừng Trường Sơn. Mò mẫm trong mưa tìm cây mắc võng. Lau qua bàn chân đầy bùn, lấy tấm tăng cuốn người lại. Giấc ngủ ập đến. Trong mơ vẫn thấy mùi thuốc lá khét lẹt của già làng và bầu ngực non như trong tranh của cô gái Vân Kiều - Làng Ho…
Ngày 30 tháng 4 năm 1974
Mình vừa về đến sở chỉ huy thì nghe tin anh Vũ hy sinh. Anh Vũ ơi, mới hôm qua, anh cùng chúng em chôn cất mấy chục anh em ở Long Khốt. Bây giờ đến lượt anh. Mình biết anh Vũ từ hồi anh còn làm chính trị viên Phó Tiểu đoàn 6. Quê anh ở Nam Định. Thời gian gần đây, Trung đoàn 2 của mình luôn gặp khó khăn. Gò Da chưa nguôi thì Long Khốt đến. Long Khốt có vị trí quan trọng, nằm sát biên giới VN-CPC. Mùa hè năm 1972, sau khi tham gia giải phóng Lộc Ninh, trung đoàn 2 (Trung đoàn 174 - đoàn Cao Bắc Lạng) được giao nhiệm vụ làm mũi chủ công tiêu diệt yếu khu Long Khốt. Lần này, Trung đoàn mình lại được giao nhiệm vụ ở hướng chủ yếu. Xuất kích đêm 28-4 đến 18 giờ ngày 29-4, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, đánh sập cầu Long Khốt, tiêu diệt trên 150 tên địch. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, nhưng phía ta cũng tổn thất lớn. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, phần lớn là chiến sĩ mới vừa bổ sung từ hậu phương vào bị thương và hy sinh. Đêm làm công tác thương binh, tử sĩ trở về, mình khóc như đứa trẻ. Những người lính còn trẻ quá. Mới chiều nay mình còn nói chuyện với họ về truyền thống trung đoàn. Thế mà, bây giờ họ đã vĩnh viễn đi xa...
Nghĩa tình mãi trả
Ngày 15 tháng 9 năm 2009
Đêm nay, tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) chính thức phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Phải nói, chưa có cuộc vận động nghĩa tình nào của báo mà ngay từ khi phát động đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ rộng rãi đến thế. Mình và Nguyễn Đức, Trưởng ban Chính trị - Xây dựng Đảng Báo SGGP, một cựu chiến binh đã từng vượt Trường Sơn những năm đầu thập kỷ 70 đến tận nhà riêng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết xin ý kiến.
Sau khi nghe mình báo cáo, anh Sáu Phong (tên thường gọi của đồng chí Nguyễn Minh Triết), nói ngay: “Tốt. Mình ủng hộ các bạn. Phải làm cho thật hiệu quả để góp phần đền ơn, đáp nghĩa”. Và, ngay hôm sau, anh Sáu đã gửi thư cho Ban Biên tập và Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, kêu gọi các doanh nghiệp và bạn đọc tích cực hưởng ứng cuộc vận động nghĩa tình này.
Nhớ lại cách đây không lâu, Nguyễn Đức đề xuất, nhân kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh nên tổ chức loạt bài nói về con đường huyền thoại. Mình bàn với Phó Tổng Biên tập Thường trực Nguyễn Tấn Phong (nay là Tổng Biên tập Báo SGGP), đồng ý ngay. Và một nhóm phóng viên, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà văn Trần Văn Tuấn, Phó Tổng biên tập, một cựu chiến binh cùng Đoàn 2255 với mình, đã hành quân dọc Trường Sơn, đến những bản làng heo hút, nơi một thời chưa có dấu chân người.
Loạt phóng sự được đánh giá cao. Một chiều nọ, Nguyễn Đức và Trần Văn Tuấn đến phòng làm việc của mình. “Ta nên mở cuộc vận động hướng về Trường Sơn. Kêu gọi các doanh nghiệp và bạn đọc ủng hộ xây nhà tình nghĩa, đền tưởng niệm liệt sĩ và chăm lo đời sống cho bà con các dân tộc dọc đường Trường Sơn”. Đề xuất ấy đã được Ban Biên tập hoàn toàn ủng hộ. Thế là Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn ra đời.
Là Tổng Biên tập kiêm Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, đêm nay mình sẽ đọc lời tri ân các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn và kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức. Bước chân vào nhà hát, trái tim mình như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Hàng ngàn khán giả đã đến kín hội trường. Trên hàng ghế khách mời mình thấy có mặt gần như đầy đủ các anh chị trong Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và đại diện các bộ ngành trung ương, các sở, ban ngành thành phố. Anh Hai Nhựt (tên thường gọi của đồng chí Lê Thanh Hải), Bí thư Thành ủy TPHCM, nói: “Cả vợ con mình cũng đến ủng hộ Báo SGGP, ủng hộ đồng chí đấy”.
Kết quả thật bất ngờ, ngay sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự đồng hành mạnh mẽ. Trên 50 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đã cam kết tài trợ trên 40 tỷ đồng. Mình nhớ mãi, tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VCB Nguyễn Hòa Bình, một cựu chiến binh Trường Sơn phát biểu, giọng lạc đi như sắp khóc, khi nói về những đồng đội đã nằm lại trên đỉnh Trường Sơn…
Ngày 17 tháng 1 năm 2013
Thế là ước mơ của những người làm báo SGGP đã trở thành hiện thực. Hôm nay sẽ khánh thành cụm bản văn hóa - di tích lịch sử Làng Ho. Mình nhớ lại cách đây mấy năm khi trở lại Làng Ho sau gần 40 năm xa cách, mình và Nguyễn Đức không sao cầm được nước mắt. Chiến tranh đã lùi xa. Nhưng cuộc sống bà con dân tộc Vân Kiều ở đây dường như chưa thay đổi bao nhiêu. Cảnh cũ, người xưa. Ngay cả cái tên Làng Ho mà bất cứ người lính nào vượt Trường Sơn cũng không thể quên được, nay cũng không còn nữa. Phải trả lại tên cho Làng Ho, phải làm gì cho Làng Ho chứ?
Với lợi thế nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, căn cứ đầu tiên của Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, Làng Ho sẽ được đầu tư xây dựng thành bản văn hóa dân tộc kiểu mẫu, điểm đến của du khách về nguồn sau này. Mình bàn với Phó ban Thường trực chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - nhà báo Nguyễn Đức như thế. Kinh phí từ nguồn tài trợ của Công ty Rượu bia - Nước giải khát Sài Gòn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình sẽ được chọn làm chủ đầu tư. Với nguồn tài trợ trên 3 tỷ đồng, sau 5 tháng nỗ lực thi công, hôm nay cụm bản văn hóa - di tích lịch sử Làng Ho tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình khánh thành, đưa vào sử dụng. Bản Làng Ho với 33 ngôi nhà sàn bằng gỗ tặng cho dân, 1 nhà văn hóa cộng đồng, 1 trạm xá quân dân y kết hợp và hệ thống nước sạch, đường giao thông nội bản… được xây dựng mới hoàn toàn.
Điều đáng ghi nhận, ngay trong lễ khánh thành, UBND huyện Lệ Thủy đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà cho tất cả các hộ gia đình. Phải nói, chưa bao giờ Làng Ho lại có một ngày vui như thế.
Chuyện như trong cổ tích. Làng Ho hôm nay không chỉ đổi mới hạ tầng mà còn đổi thay cả nếp nghĩ. Đất và người Làng Ho hòa vào nhịp sống mới. Lòng mình thanh thản lạ.
Mới chỉ hơn 3 năm thôi, với sự đồng hành của các doanh nghiệp và bạn đọc, tiêu biểu là VCB và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã vượt lên chính mình, làm được những việc mà trước đây không dám nghĩ tới. Gần 1.400 gia đình cựu chiến binh, cựu TNXP Trường Sơn được cấp nhà tình nghĩa; 5 đền thờ liệt sĩ, 14 bệnh xá quân dân y kết hợp, cụm bản văn hóa dân tộc Làng Ho, hàng ngàn suất học bổng và nhiều công trình dân sinh khác đã và sắp được đưa vào sử dụng trên mảnh đất chiến trường xưa, dọc dài Trường Sơn - con đường huyền thoại mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Mình vẫn như nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của trung đội trưởng Quản Đình Mậu trong cái đêm mưa gió vượt Trường Sơn cách đây hơn 40 năm. Mình vẫn như thấy ánh mắt của Chính trị viên phó tiểu đoàn Vũ trên trận địa Long Khốt. Và, cả những đồng đội Đoàn 2255, Trung đoàn 174 của mình đã nằm lại Trường Sơn hoặc bên dòng sông Long Khốt ngày nào nữa.
Mình bỗng nhớ đến câu ca dao: Nợ tiền càng trả càng vơi/ Nợ tình càng trả, ai ơi càng đầy.
Ký ức chiến tranh - nghĩa tình mãi trả.
Tháng 4-2013
Ký của Trần Thế Tuyển