Ký ức của người lính già về trận đánh mở màn

Ký ức của người lính già về trận đánh mở màn

Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 _ 7-5-2013)

Đây là câu chuyện của người thương binh 4/4 với 25% thương tật Nguyễn Hữu Chấp. Ông hiện đang sống tại ở tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ. Năm nay 82 tuổi, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát với tác phong người lính không lẫn vào đâu được. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, trong ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm vui về quá khứ hào hùng, oanh liệt. Ông chính là một trong những người đã khai hỏa viên đạn cối đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ thần kỳ cách đây 59 năm...

Người lính già Nguyễn Hữu Chấp bên người vợ, vốn là thanh niên xung phong quê Hưng Yên lên xây dựng Điện Biên năm 1959.

Người lính già Nguyễn Hữu Chấp bên người vợ, vốn là thanh niên xung phong quê Hưng Yên lên xây dựng Điện Biên năm 1959.

1. Ông Nguyễn Hữu Chấp sinh năm 1931, ở miền núi trung du Phú Thọ, năm 1949 ông xung phong vào bộ đội. Sau nhiều phấn đấu vất vả vì vừa nhỏ tuổi, lại thiếu cân, ông được biên chế vào Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Những năm tháng là người lính của Đại đoàn 312 trước khi hành quân lên tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã tham gia 7 chiến dịch với 28 trận đánh lớn nhỏ và chính điều ấy đã cho ông trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm trong trận đánh lịch sử cuối cùng làm lên chiến thắng vang dội chấn động địa cầu. Đặt chân lên mảnh đất Điện Biên và chuẩn bị cho chiến dịch, ông được làm Khẩu đội trưởng cối 82 ly nhiệm vụ quan trọng trong trận đánh mở màn chiến dịch. Lệnh của cấp trên yêu cầu phải thật bất ngờ làm “câm họng”, vô hiệu hóa kẻ địch, tiêu diệt hoàn toàn đồn bốt tại cứ điểm Him Lam.

Chuẩn bị cho trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, để có thể tạo bất ngờ, Khẩu đội cối 82 ly của ông được lệnh ngày đêm đào đường giao thông hào dài 5km tiếp cận đồi Him Lam. Ròng rã nửa tháng trời, ông cùng với đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào, ai cũng mong thật nhanh đến được đích để nã đạn vào kẻ thù. Suốt ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt thiếu khí thở, ngột ngạt ngày nắng hầm hập dội xuống như trong chảo rang, ông và đồng đội động viên nhau, chia nhau từ bát nước, miếng cơm và ai cũng có niềm mong mỏi lớn nhất về ngày được chui ra khỏi mặt đất, được nhìn thấy bầu trời, được chiến đấu với quân thù.

2. Niềm vui của ông và những đồng đội của mình vỡ òa đến sáng ngày 13-3-1954, khi đường hào đã hoàn thành. Khẩu đội cối 82 ly của ông nhận được mệnh lệnh đợi đến tối sẽ khai hỏa. “Tôi và những người đồng đội mình không bao giờ quên được những giây phút chờ đợi hồi hộp sung sướng, chỉ mong sao cho trời nhanh tối để được bật lên khỏi lòng đất, nã những phát đạn đầu tiên vào kẻ thù mà chúng rêu rao là bất khả xâm phạm. Rồi cái khoảnh khắc ấy đến, đúng 19 giờ hôm đó chúng tôi lật tung các lớp ngụy trang, vùng lên khỏi giao thông hào và nã những loạt đại bác vào lô cốt, hầm trên cứ điểm Him Lam...” - ông Chấp kể lại. Sau trận đó, khẩu đội của ông lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2. Những trận đánh giằng co hàng tháng trời giữa ta và địch giành nhau từng mét đất, ác liệt như trên đồi E1, E2, ông và đồng đội của mình trụ lại cả tháng trời không tắm giặt... cho đến ngày chiến thắng cuối cùng 7-5-1954.

Ông Chấp kể lại, trên trận địa rất cực khổ và thiếu thốn đủ thứ. Mỗi một ngày, anh nuôi mang lên cho 2 nắm cơm và 1 bi-đông nước, lúc nào không có bom đạn ném xuống thì anh em ăn. Nhưng có lúc đang ăn mà bắt được mục tiêu, mình bắn địch, địch lại bắn trả. Hoặc đang ăn thế này, đơn vị mình không bắt được mục tiêu, nhưng các khẩu đội bạn bắt được mục tiêu nên bắn, địch lại bắn lại, mình đang ăn lại bỏ dở. Như thế suốt 1 tháng 4 ngày trên đồi E2. Với 1 bi-đông, nước chỉ đủ uống, có lúc không đủ uống, chuyện tắm giặt coi như không có. “Từ đồi E2, chúng tôi bắn xuống sân bay Mường Thanh, cầu Mường Thanh. Địch lại bắn trả chúng tôi. Các cuộc pháo phản pháo liên tục tiếp diễn, giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc nhưng tinh thần, khí thế chiến đấu của anh em không hề nhụt chí. Chúng tôi vẫn kiên cường bám trận địa, bắn trả địch. Cho đến chiều 7-5, khi thông tin về tướng De Castries và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống được loan báo, tôi và một số đồng đội đã chạy bộ từ đồi E2 xuống, vượt qua cầu Mường Thanh, đến khu vực sân bay Mường Thanh nơi quân ta đang reo hò chiến thắng và thu chiến lợi phẩm...” - ông Chấp kể lại.

3. Đã 59 năm trôi qua, nhưng hiện giờ trong câu chuyện của mình, ông vẫn còn canh cánh nỗi lòng với những đồng đội của mình đã nằm lại. Ông cùng gia đình các liệt sĩ đã đưa nhiều đồng đội về quê hương an nghỉ nhưng vẫn còn nhiều người chưa tìm thấy hài cốt. Bản thân ông qua nhiều trận đánh cũng mang... thương tích. Rồi cũng như một duyên nợ, sau năm 1954 ông đã gắn bó luôn với cái nơi mà ông nhận lệnh khai hỏa đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên. Trong câu chuyện của mình, niềm tự hào xen lẫn nỗi buồn.  “Hàng ngày tôi vẫn như thấy hơi thở của những đồng đội cách đây 59 năm trong những ngày tháng ác liệt, dưới chiến hào, dưới mưa bom, bão đạn của quân Pháp. Mỗi năm cứ đến dịp chiến thắng Điện Biên, tôi lại thấy mình cũng những ai còn sống là quá hạnh phúc. Nhiều đồng đội đã hy sinh. Nhiều người sau chiến tranh trở về với cuộc sống với những vất vả, lo toan đời thường mà không hề được một chế độ, đãi ngộ nào. Ngay ở các nghĩa trang hiện nay vẫn còn rất nhiều ngôi mộ vô danh...” – ông Chấp trầm lắng khi kết thúc câu chuyện của mình.

Chị Lò Thị Thoa, cán bộ Phòng Chính sách thương binh - liệt sĩ và bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH tỉnh Điện Biên cho biết, các cụ lão thành cách mạng, rồi những thương bệnh binh hay gia đình liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ đều đã được Nhà nước chu cấp khá đầy đủ các chế độ. Nhưng ở Điện Biên, thành phần các cụ từng tham gia đánh Pháp, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng sau đó quay về đời thường khá nhiều. Có người từ miền xuôi lên đây ở lại luôn, khá nhiều người là đồng bào dân tộc ở đây. Họ cống hiến tuổi trẻ của mình, nhưng vì... không bị thương, “buông súng” là quay về đời thường và cho đến nay không hề được hưởng bất cứ chế độ nào. Giờ thì những cụ đó cũng đã già và nhiều người trong số đó còn sống khó khăn lắm. Giá mà Đảng và Nhà nước có chính sách gì giúp đỡ những người này thì tốt, nhất là những cụ đồng bào dân tộc từng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ.

Trần Lưu

Tượng đài “Chiến thắng Mường Phăng”.

Tượng đài “Chiến thắng Mường Phăng”.

Tháng 4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Mường Phăng - nơi đặt Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L.

Tháng 4-2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Mường Phăng - nơi đặt Chỉ huy sở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L.

Tin cùng chuyên mục