Tạp bút

Ký ức làm thầy

1.
Ký ức làm thầy

1. Nhân hoạt động của tiệm sách Kính Vạn Hoa trong ngày Sách và Bản quyền thế giới 23-4 vừa rồi, tôi có dịp trao tặng sách cho thư viện của ba trường cấp 2 và một thư viện địa phương. Trừ thư viện khu phố 6 phường Phạm Ngũ Lão thuộc quận 1, nơi tiệm sách Kính Vạn Hoa tọa lạc, các trường cấp 2 Bình Quới Tây (quận Bình Thạnh), Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) thuộc vùng ven, điều kiện mua sách đọc sách chắc chắn không thuận lợi như các quận trung tâm.

Trường Bình Tây ở quận 6, gần hơn so với hai trường kia. Quận 6 tuy thuộc nội thành nhưng là quận ngoại vi, tập trung nhiều thành phần lao động, cơ hội đến với sách cũng không nhiều. Hơn nữa, đây là ngôi trường tôi từng dạy học nên cũng có ý “thiên vị” chút đỉnh.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (trái) trao tặng sách cho thầy hiệu trưởng Trường Bình Tây.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (trái) trao tặng sách cho thầy hiệu trưởng Trường Bình Tây.

2. Tôi dạy học hai năm 1984-1986 ở Trường Bình Tây, sau đó chuyển về Báo Sài Gòn Giải Phóng đến tận hôm nay, tính ra đã 26 năm, một quãng thời gian đủ để một em bé sơ sinh trở thành một ông bố hay bà mẹ. Hôm tặng sách, gặp lại các thầy cô giáo, tôi chợt nhận ra tôi đã cách xa các thầy cô nhiều lắm, không chỉ về không gian, thời gian mà cả phong cách xử sự đến lời ăn tiếng nói cũng khác.

Gần 30 năm lăn lộn trong nghề báo, quen kiểu ăn nói phóng khoáng, đôi khi thân mật bỗ bã, bây giờ ngồi trò chuyện với các thầy cô giáo điềm đạm, nói năng mực thước, từ tốn, tôi thấy chất mô phạm trong tôi đã phai nhạt đi nhiều.

3. Ngành giáo dục gần đây bị than vãn không ít, từ chương trình học quá tải đến nạn bằng cấp giả, từ chuyện thu các loại phí đến sự thoái hóa của vài gương mặt đen trong ngành, những thông tin đó khiến một người từng đứng trên bục giảng như tôi cũng thấy nhức đầu và bất an. Nhưng khi tiếp xúc trực tiếp với thầy cô giáo của các trường Tân Nhựt, Bình Quới Tây, Bình Tây, nhìn tác phong sư phạm, nghe những tâm sự tha thiết về nghề cũng như mối quan tâm các thầy cô dành cho học trò, cho ngôi trường của mình, tôi bắt gặp trong lòng một cảm giác yên tâm, tin cậy.

Đại bộ phận các thầy cô giáo hiện nay trên cả nước có lẽ cũng giống như các thầy cô đang ngồi trước mặt tôi trong buổi sáng tháng 4 đầy nắng đó. Chính họ là những tấm gương sáng để học sinh soi vào, là những người âm thầm gìn giữ sự cao quý của nghề dạy học vốn đã bị sứt mẻ không ít bởi những chuyện ngoài tầm tay của những người đứng trên bục giảng.

4. Tốt nghiệp ngành Sư phạm nhưng do thời thế đưa đẩy, tôi chỉ dạy học được có hai năm. Nhưng đó là hai năm có quá nhiều điều để nhớ và một trong những tác phẩm tái hiện một cách sinh động và đầy đủ những tháng ngày dạy học của tôi là truyện dài Bàn có năm chỗ ngồi. Tác phẩm này được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 1987, nhưng tôi viết nó vào năm 1985, lúc tôi vẫn còn là một thầy giáo. Chính vì vậy, so với các tác phẩm sau này vẫn viết về lứa tuổi học trò, ở Bàn có năm chỗ ngồi không khí học đường đậm đặc hơn hẳn, từ khung cảnh trường lớp đến các sinh hoạt dưới mái trường.

Có lẽ nhờ điều này mà ở Hội sách TPHCM tháng 3 mới đây, một cô bé trạc 14, 15 tuổi trong lúc chờ tôi ký tên vào sách, đã hớn hở hỏi: “Hồi trước thầy dạy học ở Trường Bình Tây phải không thầy? Con là học trò Trường Bình Tây nè thầy!”. Tôi nhìn cô bé, hết sức ngạc nhiên, vì lứa học trò của tôi năm nay hẳn vào cỡ... ba mẹ của cô bé. “Sao con biết? Con nghe ba mẹ con kể lại phải không?”. Cô bé lém lỉnh: “Cần gì nghe ai kể hả thầy. Con học ở Trường Bình Tây, đọc cuốn truyện Bàn có năm chỗ ngồi của thầy, biết ngay là thầy tả trường con rồi!”.

5. Đã 26 năm trôi qua, cuộc sống nhiều thay đổi, nhìn cô bé sáng sủa trước mặt, tôi tin đời sống của các em bây giờ tươm tất hơn so với lứa học trò nhếch nhác của tôi. Hồi tôi còn dạy học, thấy nhiều em trả bài không lần nào thuộc, dù tôi hết khuyên bảo đến răn đe, tôi chán nản vô cùng. Một lần, tôi tìm đến nhà học trò, định trao đổi với phụ huynh về việc học của con em. Tôi đang đạp xe chạy trên con đường ngoằn ngoèo dẫn vào khu phố lao động, vừa đạp vừa nhìn dáo dác, bỗng nghe vang lên bên tai tiếng reo: “Chào thầy!”. Tôi quay lại, gặp đúng đứa học trò tôi đang định ghé nhà “méc” phụ huynh. Em mặc quần đùi, áo cộc phong phanh, đang đẩy chiếc xe chở củi.

Tôi leo xuống xe, đến gần em hỏi: “Em đẩy củi về nhà à?”. “Dạ, không ạ. Em đẩy thuê cho người ta”. Hỏi chuyện một hồi, tôi mới biết em nhà nghèo, đi học về vừa cất tập vô ngăn bàn là ba chân bốn cẳng chạy ra chợ đẩy xe mướn kiếm tiền phụ ba mẹ. Hèn gì mà em không có thì giờ học bài! Hôm đó, sau một hồi ngẩn ngơ, tôi vuốt tóc em, động viên vài câu rồi quay xe về, bỏ luôn ý định vào gặp phụ huynh để... trách cứ.

6. Những gương mặt học trò sạm đen vì nắng gió đó bây giờ đã trưởng thành, đã làm cha làm mẹ, nhưng hình ảnh các em đã in sâu vào ký ức tôi và đã đi vào trong từng trang sách của tôi như những kỷ niệm đẹp đẽ. Hôm gặp các thầy cô giáo, ngoài các thùng sách tặng cho thư viện, tôi đã sung sướng trao cho thầy Diệp Vĩ Cường, hiệu trưởng đương nhiệm của Trường Bình Tây, tác phẩm Bàn có năm chỗ ngồi như một tỏ bày tình cảm với ngôi trường duy nhất trong đời dạy học ngắn ngủi của tôi, ngôi trường mà nếu không có nó, một trong những tác phẩm đầu tay của tôi đã không có mặt trên cõi đời này...

Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục