Ký ức về Đại đội trưởng có câu nói “đâu có giặc là ta cứ đi”

Ông Lê Văn Hòa xúc động, tự hào khi ngày 15-4 vừa qua, HĐND tỉnh Điện Biên đã có nghị quyết đặt một con đường mang tên bố ông - Anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Dỵ, người có câu nói nổi tiếng “Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”, sau đó được nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy cảm hứng sáng tác ca khúc Hành quân xa.

Du khách tham quan di tích lịch sử Đồi A1
Du khách tham quan di tích lịch sử Đồi A1

Chiến đấu anh dũng

Chúng tôi gặp ông Lê Văn Hòa và gia đình đang đứng bên bức chân dung Anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Dỵ tại tầng 2 của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhớ lại những câu chuyện về cuộc đời chiến đấu của bố qua những trang hồi ký, qua hồi ức của Trung tướng Vũ Lăng, và đặc biệt qua hồi ức Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Lê Văn Hòa cho biết, Anh hùng, liệt sĩ Lê Văn Dỵ nguyên là Đại đội trưởng Đại đội 811, Tiểu đoàn 888, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 (nay là Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) đã chỉ huy đơn vị làm 4 nhiệm vụ đặc biệt tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Đại đội 811 được chọn là đơn vị duy nhất phòng ngự chiến đấu trên đồi C1. Sau 20 ngày đêm chiến đấu ác liệt, đêm 30-4-1954, Đại đội 811 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng và Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ đã tấn công tiêu diệt và bắt sống gần 200 tên địch; đồng thời đánh lui chi viện của 2 tiểu đoàn địch ở đồi Mâm Xôi và đồi C2 liền kề. Nhận được tin chiến thắng, đêm 30-4-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba cho Đại đội 811 ngay tại mặt trận.

Đêm 6-5-1954, rạng sáng 7-5-1954, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 tấn công đồi C2 và Đại đội 811 tiếp tục được tin tưởng giao làm mũi chủ công để đánh đồi C2. Đúng 9 giờ 30 sáng 7-5-1954, cứ điểm đồi C2 - cứ điểm cuối cùng, quan trọng nhất của quân viễn chinh Pháp bị tiêu diệt. “Trong hồi ký, bố tôi có viết, đây là chiến thắng bước ngoặt để cho toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn. Đây là điều mà tôi rất tự hào”, ông Lê Văn Hòa xúc động.

“Đâu có giặc là ta cứ đi”

Khi còn sống, nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng kể rằng, trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, ông và nhiều văn nghệ sĩ cùng hành quân với bộ đội. Khi đó có một chiến sĩ trong đoàn hành quân đã động viên mọi người rằng “Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Câu nói rất đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa cao xa và vô cùng sâu sắc, thể hiện ý chí cách mạng kiên cường của bộ đội ta.

Lời động viên đó đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy làm cảm hứng cho ra đời ca khúc Hành quân xa. Sau này, qua nhà văn Hồ Phương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới biết người nói câu nói trên là Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ. Câu nói đó dường như đã gắn vào cuộc đời của người Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ, bởi sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Lào, hy sinh trên đất bạn vào năm 1970. “Ký ức về bố không có nhiều vì ông đi chiến đấu liên tục. Trong ít lần về phép, ông hay kể chuyện về các cuộc chiến trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giáo dục con cái bằng những câu chuyện cùng đồng đội chiến đấu, vượt qua đói rét, thiếu thốn. Điều đó đã gieo vào lòng chúng tôi một tình cảm rất sâu sắc về người cha của mình”, ông Lê Văn Hòa nhớ lại.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên tiến hành điều chỉnh đặt tên cho 39 tuyến đường. Trong đó, có 24 tuyến đường mang tên các anh hùng được phong tặng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm: Phùng Văn Khẩu, Hoàng Đăng Vinh, Lê Văn Dỵ, Hoàng Văn Nô, Lưu Viết Thoảng, Nguyễn Phú Xuyên Khung, Tạ Quốc Luật, Nguyễn Ngọc Bảo, Bùi Đình Cư, Nguyễn Văn Ty, Dương Quảng Châu, Hoàng Khắc Dược, Phan Tư, Nguyễn Văn Bạch, Trần Văn Cam, Đặng Đình Hồ, Trần Đình Hùng, Lâm Viết Hữu, Chu Văn Khâm, Hà Văn Nọa, Đặng Đức Song, Nguyễn Văn Thuần, Lộc Văn Trọng và Trịnh Văn Huyền.

Tin cùng chuyên mục