Ký ức về một trận chiến không tiếng súng

Ký ức về một trận chiến không tiếng súng

Trưa ngày 23-3-1975, thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn đặt chân đến trại Davis. Trại Davis vốn là doanh trại của một đơn vị thuộc không quân Mỹ, nằm trong khu căn cứ quân sự Tân Sơn Nhất.

Từ tháng 1-1973 đến 30-4-1975, nơi đây được ví như một trận địa cách mạng công khai trong lòng địch, nơi đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH– đoàn A) và đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTMN- đoàn B) đã kiên cường bám trụ, mưu trí đấu tranh với kẻ thù trên mặt trận ngoại giao nhằm đòi hỏi phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành hiệp định Paris.

Với cương vị trưởng đoàn B, ông cùng các đồng chí của mình bước vào trận tuyến mới. Hơn 30 năm đã trôi qua nhưng cuộc đấu trí cân não ngày nào vẫn in đậm trong hồi ức vị tướng già 80 tuổi ấy. Ông kể….

  • Đấu trí và đấu lý

Sau khi anh Tư Nguyễn, trưởng đoàn B (tức đồng chí Trần Văn Trà) bí mật rút khỏi trại Davis, tôi được cử thay thế nhiệm vụ của anh. Vừa mới “nhậm chức” có mấy ngày, tôi phải đối đầu với một tình huống hết sức phức tạp. Đêm ấy, tầm 1 giờ sáng, tôi nhận điện của đại sứ Indonesia mời trưởng đoàn của ta đến gấp. Linh cảm có việc chẳng lành, tôi và anh Bùi Thanh Khiết - phó trưởng đoàn - lập tức lên đường đi ngay. Đến nơi đã thấy trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn đã ở đó từ lúc nào.
Vị đại sứ Indonesia hướng về phía tôi:

Ký ức về một trận chiến không tiếng súng ảnh 1

Phó trưởng đoàn CPCMLTMN Võ Đông Giang (người mặc đồ đen) trả lời phỏng vấn của phóng viên phương Tây tại trại Davis. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn

- Chúng tôi vừa nhận tin báo máy bay của Ủy ban Quốc tế (UBQT- phái đoàn của quốc tế vào Sài Gòn giám sát việc thi hành hiệp định Paris) bị bắn rơi tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. 6 người trên máy bay đã chết. Lực lượng của các vị đã bắn vào UBQT. Chúng tôi yêu cầu các vị sắp xếp cho UBQT đến Quảng Trị lấy thi hài sĩ quan và đem xác máy bay về.

Nghe đến đây, trưởng đoàn chính quyền Sài Gòn tỏ vẻ thích chí vì tìm được cơ hội cáo buộc ta. Hắn bắt đầu “đổ dầu vào lửa”, hòng làm tình hình thêm căng thẳng. Lúc này, tôi lúng túng thật sự, một phần vì sự việc xảy ra quá đường đột, một phần vì mới nhận nhiệm vụ, chưa có kinh nghiệm. Giải quyết thế nào cho êm đẹp bây giờ? Bất cứ một quyết định sai lầm nào lúc này đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình thực hiện hiệp định Paris.

Tôi hội ý chớp nhoáng với anh Khiết rồi trả lời:

- Về việc này, chúng tôi chưa rõ thực hư vì chưa nhận được tin báo từ địa phương. Xin cho chúng tôi thời gian để xác minh.

- Thì các ông cứ việc xác minh. Vấn đề ở đây là phải giải quyết cho UBQT đi ngay trong đêm nay.

Tôi đành xoay sang hướng khác:

- Yêu cầu này không thể đáp ứng được vì điểm máy bay rơi thuộc vùng rừng núi hiểm trở, UBQT vào đấy sợ không đảm bảo an toàn.

Vị đại sứ vặn lại:

- Thế thì làm sao tìm được thi hài?

- Chúng tôi xin hứa sẽ huy động lực lượng tại địa phương đảm bảo đưa thi hài của các sĩ quan về tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Tranh luận đến gần sáng, mọi việc mới tạm yên. 3-4 ngày sau, anh em chúng tôi vẫn không nhận được câu trả lời từ trung ương là có phải du kích của ta bắn rơi máy bay không. Trong khi đó, phía đoàn Sài Gòn luôn tìm cách gây áp lực, thúc cánh báo chí phanh phui nội vụ theo chiều hướng bất lợi cho ta.

Cuối cùng, chúng tôi đành dựa vào cái lý: rằng địa điểm máy bay rơi đã chệch xa hành lang an toàn trên 2 cây số và lọt vào vùng kiểm soát của du kích địa phương. Cho nên nếu thực sự du kích có bắn rơi máy bay thì đó không phải lỗi của phía ta, không phải lỗi của UBQT mà là lỗi của người cầm lái, tức phi công Mỹ. Lần đó, công tác tìm kiếm thi hài được bên ta làm chu đáo và nhanh chóng nên cuối cùng mọi việc cũng lắng dịu.

Trong suốt thời gian hoạt động, phái đoàn của ta gần như bị “giam lỏng” tại trại Davis. Tuần 2 lần, phía ngụy quyền Sài Gòn cho máy bay do phi công của chúng đến đưa chiến sĩ đại diện của ta ra liên lạc với hậu cứ Lộc Ninh. Tầm tháng 4-1974, như thường lệ, chuyến máy bay lên thẳng chở chiến sĩ liên lạc của ta từ Tân Sơn Nhất thẳng tiến hướng Lộc Ninh theo đường 13. Vừa bay được một đoạn ngắn, tên phi công đã cho máy bay hạ cánh. Hắn dẫn chiến sĩ của ta đến xem vết đạn súng trường trên thân máy bay và nói:

- Đây, du kích của các ông đã bắn vào máy bay của Ban liên hợp quân sự (BLHQS)ï, vi phạm quy ước đã định từ trước. Yêu cầu các ông ký vào biên bản.

Nói rồi, hắn chìa ra tờ biên bản soạn sẵn từ lúc nào. Rất nhanh trí, 2 chiến sĩ liên lạc của ta đưa ra lý lẽ:

Ký ức về một trận chiến không tiếng súng ảnh 2

Đại diện phái đoàn CPCMLTMN tiếp một phụ nữ tiến bộ Mỹ tại trại Davis. (Người thứ ba từ trái sang là thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn).

Thứ nhất, động cơ máy bay ồn quá, chúng tôi không thể biết được đây là vết đạn mới bắn hay thực ra đã có sẵn từ trước rồi. Thứ hai, nếu thật sự đây là vết đạn mới bắn thì nơi này là vùng chiến sự theo thế “xôi đỗ”, thế “da báo” lẫn lộn nên chưa thể khẳng định bên nào đã bắn. Chúng tôi cần có thời gian xác minh và nhất quyết không ký vào biên bản.

Trở về Sài Gòn, phía đoàn chính phủ Nguyễn Văn Thiệu đưa đơn kiện ta lên UBQT, huy động lực lượng phóng viên nước ngoài đến chất vấn, hòng quy chụp ta có âm mưu phá hoại hiệp định Paris. Nhận định tình hình có vẻ căng thẳng, tôi và anh Võ Đông Giang - phó trưởng đoàn - chủ động họp báo thừa nhận du kích ta đã bắn máy bay.

Thế nhưng, chúng tôi khéo léo lồng vào lý lẽ tố cáo chính quyền Sài Gòn thường xuyên lợi dụng máy bay của UBQT và BLHQS bay chệch khỏi hành lang an toàn nhằm mục đích do thám vùng giải phóng. Nghe đến đây, nhiều phóng viên quốc tế gật gù đồng tình. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận thế giới. Sau đó, thấy không thể làm to chuyện, phía chính quyền Sài Gòn lặng lẽ rút đơn kiện.

  • Những ngày cuối cùng ở trại Davis

Đầu tháng 4-1975, mặc dù không nhận được thông tin từ trung ương nhưng những chiến sĩ trong trại Davis vẫn linh cảm thời khắc giải phóng Sài Gòn sắp đến. Mặc dù đang ở thế biệt lập với bên ngoài và chỉ nhận trách nhiệm đấu tranh ngoại giao nhưng anh em ai cũng quyết tâm chuẩn bị võ trang để tự vệ, phòng khi chiến sự xảy ra và chờ quân ta đánh vào thành phố.

Không có sự tiếp tế từ bên ngoài, anh em bắt đầu nhổ cọc sắt để đào công sự, đào giao thông hào bao quanh trại. Để tránh tầm kiểm soát của hơn 20 họng súng canh của kẻ thù, chúng tôi chỉ dám đào vào ban đêm, hốt đất vào bao xi măng rồi ngụy trang bằng cửa sắt, ván, gỗ lên trên.

Với trang bị ít ỏi: khoảng 20 cây AK47, vài cây súng ngắn, chúng tôi nôn nao, hồi hộp chờ tiếng súng đầu tiên của quân giải phóng. Khoảng 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, sau khi nghe lời tuyên bố ngừng bắn của Dương Văn Minh, tôi lệnh cho anh em chuẩn bị treo cờ. Lá cờ sao vàng nằm trên nền nửa xanh nửa đỏ dài gần 20m treo trên tháp nước ở trại Davis ngày hôm ấy có lẽ là một trong những lá cờ cách mạng đầu tiên tung bay trên bầu trời thành phố.

(Ghi theo lời kể của thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự hai bên, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục