Năm 2012, lần đầu tiên TPHCM tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa với quy mô lớn kể từ trước đến nay, với sự tham gia của 200 DN đến từ 14 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ. Tuy chỉ tổ chức mang tính chất thử nghiệm, trong thời gian một buổi sáng ngắn ngủi nhưng đã có tới 43 bản ghi nhớ giữa các DN đã được ký kết. Hàng loạt các mặt hàng đặc sản từ các HTX, làng nghề của các tỉnh, thành đã có mặt tại các hệ thống siêu thị hàng đầu của TP. Nói như chủ thương hiệu bột Bích Chi (tỉnh Đồng Tháp), nhờ hội nghị mà bột Bích Chi đã vào được hệ thống Co.opMart, Big C. Cũng từ việc tổ chức kiểm tra nguồn hàng một cách kỹ lưỡng, nghiêm khắc của Saigon Co.op, Bích Chi đã vượt qua chính mình, tìm được nhiều khách hàng trong nước và xuất khẩu.
So với năm ngoái, hội nghị năm nay không chỉ giới hạn các thành phần tham dự ở 20 tỉnh, thành đã ký kết hợp tác thương mại với TPHCM, mà còn được mở rộng ra cả nước. Dự kiến, hội nghị sẽ quy tụ đầy đủ những mặt hàng nổi tiếng, những đặc sản làng nghề, tinh hoa của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị cũng sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo sản xuất, phân phối để từ đó mỗi bên có thể tự hoàn thiện, tạo cầu nối vững chắc cho hoạt động sản xuất và kinh doanh phát triển. Chính điều này đã làm nên sự khác biệt của chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, được các DN trông chờ nhất trong năm.
Để hội nghị đạt hiệu quả cao, ban tổ chức đã gửi danh sách các DN, các mặt hàng của từng tỉnh, thành đến các hệ thống phân phối tại TPHCM. Ngược lại, các DN cũng sẽ được cung cấp cụ thể danh sách, số lượng các nhà phân phối tham gia hội nghị. Trên cơ sở đó, các bên sẽ xem xét và nghiên cứu và tìm đối tác trước. Trong quá trình gặp gỡ và trao đổi, ban tổ chức cũng yêu cầu nhà phân phối cần thông báo cụ thể đến các đối tác của mình về tiêu chí hàng hóa, bao bì, chất lượng mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh trong siêu thị. Nếu sản phẩm chưa đảm bảo các tiêu chí, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ để giúp nhà sản xuất định hướng sản xuất tốt hơn.
Từ hội nghị này, nhiều tỉnh thành kỳ vọng, chúng ta sẽ ngồi lại với nhau để bàn bạc cách thức kết nối mang tính bền vững giữa các DN với người sản xuất, hợp tác xã, làng nghề cung ứng các sản phẩm. Chúng ta cần thống nhất phương thức thu mua, quy cách, chất lượng, mẫu mã, số lượng, thương hiệu, giá cả, cách thức giao nhận sản phẩm vào hệ thống phân phối. Qua đó, mỗi địa phương sẽ định hướng quy hoạch phát triển vùng và liên kết vùng nguyên liệu, các dự án kêu gọi đầu tư của từng địa phương, giúp cho các DN TPHCM định hướng, lựa chọn địa điểm thích hợp để quyết định đầu tư hệ thống phân phối của mình. Đây cũng là dịp để các DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp cho người sản xuất hiểu hơn về lợi ích của sự hợp tác liên kết, qua đó cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, độ đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm. Nếu thực hiện tốt được các nội dung này, cũng đồng thời chúng ta đang triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ ngày càng thiết thực, hiệu quả.
THÚY HẢI