(SGGPO).- Những ngày gần đây, thương lái khắp nơi đổ về một số địa phương tại miền Trung thu mua trái cau non để bán cho Trung Quốc. Trước đó, ở khu vực này cũng có hàng loạt vụ thương lái thu gom hạt ươi, trùn biển, rong mơ, lan rừng… theo kiểu lạ đời này.
Một cơ sở sơ chế cau non tại phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Ùn ùn thu mua cau non
Dọc đường về phường Hương Văn, thị xã Hương, tỉnh Thừa Thiên – Huế những ngày này xuất hiện hàng loạt điểm thu mua trái cau. Bà Phạm Thị Bé, phường Hương Văn đang thu mua trái cau non tại các nhà vườn trong vùng cho hay, trái cau chính vụ năm ngoái giá 2-3 ngàn đồng/kg nay cau non (tháng 10 chính vụ) giá mua ngay tại vườn 10.000-12.000 đồng/kg. Thương lái yêu cầu chúng tôi thu gom càng nhiều càng tốt. Họ nói mua xuất sang nước ngoài nhưng không biết nước nào. Bình quân mỗi tiểu thương gom 2 chuyến cau non/ngày, mỗi chuyến từ 50 đến 60kg rồi đưa về bỏ lại cho các đại lý tại thôn Giáp Nhì, phường Hương Văn.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Sinh và Phạm Giác ở thôn Giáp Nhì, là hai đại lý quy mô lớn trong vùng chuyên mua lại hàng từ những người đi thu mua trái cau lẻ tại vườn như chị Bé. Tại đây, người cân hàng, người trả tiền, kẻ nói cười rôm rả cứ như ngày hội. Cau tươi tấp vào kho, nhân công của cơ sở này lần lượt tách riêng, bỏ những trái cau già vào bao cất giữ, riêng cau non tiến hành luộc trong một chiếc nồi lớn, sau đó sấy khô cau bằng lò hơi. Đến khi trái cau non khô tóp, tiến hành đóng gói vào các bao bì rồi đưa lên xe chở đi. Ông Phạm Giác cho biết, nhà ông thu mua từ 1 đến 2 tấn cau/ngày, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương nông nhàn với thu nhập khá.
Tiểu thương lùng sục khắp mọi xóm làng tại Thừa Thiên – Huế thu mua cau non bán cho thương lái Trung Quốc
Tình trạng thương lái lùng sục thu mua cau non còn diễn ra tại nhiều địa phương khác ở miền Trung. Trong đó, tập trung tại huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) và các huyện Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tư thương Hoàng Văn Khánh ở TP. Hải Phòng cho biết, đang “sốt” hàng cau non đóng đi Trung Quốc để chế biến kẹo cau. Trong khi các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thu mua cau non là hiện tượng bất thường. Lợi ích kinh tế trước mắt, một số nhà vườn có thể chặt bỏ các cây trồng khác như mì, chuối để chuyển sang trồng cau. Ông Hồ Đính, Phó Trưởng Phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, địa phương hiện có khoảng 160ha trồng cau. Những năm trước cau chín vàng rụng đầy sân vườn, chẳng có ai đến mua cau. Giờ cau được giá là điều đáng mừng cho người làm vườn. Song thị trường Trung Quốc hết sức bấp bênh nên các địa phương cần phải dè chừng với kiểu thu mua này.
Móc bãi biển tìm trùn
Thương lái Trung Quốc còn đang thu mua trùn biển còn có tên gọi khác (địa sâm - địa long - sá sung) ở miền Trung. Người dân các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam ùn ùn đổ về các vùng ven biển đào xới săn bắt trùn gây ảnh hưởng đến tài nguyên, đa dạng sinh học, môi trường nuôi trồng thủy sản khu vực ven biển. Các ngư dân sống gần khu vực cửa biển Tư Hiền (Thừa Thiên – Huế) cho hay, sáng nào họ cũng thấy một vài nhóm từ 2-3 người, trên tay cầm thuổng và các vật dụng khác đi dọc bờ biển săn bắt trùn biển. Những con trùn thân mình màu nâu hồng nhạt và có ánh bạc, chuyên sống ở các đụn cát ven biển, nơi giao lưu giữa nước ngọt mặn và ăn phù du ở dưới cát biển.
Ông Thanh- một người trong đoàn đào trùn biển quê ở Quảng Nam cho biết, thường đi đào bắt trùn biển tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Trước khi đến khu vực cửa biển Tư Hiền, cả nhóm đã đào xới tại vùng ven biển Quảng Trị. Mỗi ngày nếu làm việc thuận lợi một người có thể bắt được 10kg trùn tươi, mang về xẻ ruột, làm sạch rồi phơi khô để bán cho các thương lái Trung Quốc. Cứ khoảng 10kg trùn tươi sau khi phơi khô còn khoảng 1kg, bán 450.000 - 500.000 đồng, lúc cao điểm lên tới 800.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc mua trùn biển với giá cao nên có nhiều người đi bắt loại hải sản này để bán kiếm lời. Hiện các vùng ven biển ở Nam Trung Bộ dần cạn kiệt trùn biển, nên mọi người buộc phải chuyển ra vùng ven biển các tỉnh Bắc Trung bộ tìm kiếm.
Đào trùn biển bán cho thương lái Trung Quốc đang gây đảo lộn đa dạng sinh hoạt tại các vùng ven biển miền Trung
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, thời gian qua tại miền Trung có ít nhất gần 10 người người chết và hàng chục người bị thương vì nạn khai thác hạt ươi trái phép tại khu vực rừng đầu nguồn để bán cho thương lái Trung Quốc. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên đã tăng cường lực lượng tổ chức cả trăm đợt truy quét, thu giữ một khối lượng lớn hại ươi.
Ông Hồ Xuân Trăng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, A Lưới có 3 vùng rừng thuộc các xã A Roàng, Hồng Hạ và Hương Nguyên có loại cây ươi bay phát triển. Thương lái thu mua hạt ươi giá từ 150 – 200 ngàn đồng/kg, đã thu hút nhiều người dân trong vùng vào rừng hái lượm, khai thác, làm mất trật tự, an ninh. Trước mắt, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đến tận người dân về chế tài đối với việc khai thác, mua bán, vận chuyển quả ươi trái pháp luật. Chỉ đạo các địa phương, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát tất cả các đối tượng thường xuyên đi rừng; xác định các điểm thu mua trái ươi để tổ chức ký cam kết không vi phạm. Qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, bắt giữ 42 vụ mua bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép hạt ươi, phạt tiền khoảng 42 triệu đồng, thu giữ gần 2,5 tấn hạt ươi.
Nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế cho biết, ươi là loài cây gỗ rừng, phân bố ở nhiều nước Đông Á. Tại Việt Nam, ươi mọc thường được gặp ở nhiều huyện miền núi của các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Định, Khánh Hòa, Kiên Giang. Người dân chặt ươi thu hạt, cây ươi đổ ngã sẽ càn quét hằng loạt cây rừng kế cận. Ở những lô rừng có nhiều cây ươi bị chặt hạ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét vuông rừng bị tàn phá. Việc chặt ươi để thu hạt được xem là một hoạt động vi phạm luật quản lý bảo vệ rừng. Chúng tôi chưa có được tài liệu minh chứng cho việc chữa trị một số bệnh theo kiểu đồn đãi, truyền miệng của cộng đồng ở miền Trung trong thời gian gần đây.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị bước đầu xác định hóa chất do Cương và Gan DeQiang cung cấp cho bà con Vân Kiều bắt giun bán cho chúng là thuốc thực vật cấm lưu hành tại Việt Nam
Ở một diễn biến khác, thiếu tá Phan Văn Kiệm, Đội trưởng đội điều tra hình sự Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị, cho hay đang tạm giữ Lê Văn Cương (25 tuổi, trú thôn Chàm Mới, xã Tiên Hưng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và Gan DeQiang (40 tuổi, trú Quảng Tây, Trung Quốc, số hộ chiếu: E55182845). Lý do là để xác minh làm rõ một số nội dung như mục đích nhập cảnh, thủ đoạn vận chuyển hóa chất vào Việt Nam... Trước đó, hai đối tượng này đang tổ chức thuyết phục bà con dân tộc Vân Kiều tại bản Khe Đá (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) dùng hóa chất lạ đổ xuống đất để bắt giun, bán cho họ. Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã mời Cương và Gan DeQiang về đồn làm việc khi cả hai đang tìm thuê người dẫn đường đi bắt giun tại bản Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa). Cả 2 khai nhận đã đến vùng biên này để khảo sát, thu mua giun đất để đem về Trung Quốc bào chế một loại thuốc tăng trọng cho gia súc. Ngoài ra lực lượng chức năng còn thu giữ tại nơi tạm trú của cả 2 nhiều gói hóa chất và bộ kích điện đổ hoặc gí xuống đất để bắt giun (trên bao bì chi chít chữ Trung Quốc).
Cùng với đó, tư thương Trung Quốc còn tổ chức các đợt thu mua một số nông sản đăc khác tại miền Trung. Nhưng lạ đời là cách thu mua không diễn ra trên diện rộng mà chỉ diễn ra ở một số địa phương, mua một vài loại nông sản lạ thường với giá cao gấp từ 3-5 lần so với bình thường trong một thời gian nhất định như: rong mơ- loại rong biển tại Quảng Trị; đỉa ở Hà Tĩnh. Phong Lan ở Quảng Bình… Kiểu thu mua nông sản bất thường này cần sớm có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn.
VĂN THẮNG