Trường đua chó xoáy địa hình Phú Quốc (Kiên Giang) nằm trên đường Dương Đông đi Bắc đảo, cách trung tâm thị trấn Dương Đông khoảng 3,5km. Đó là một ý tưởng mới lạ, độc đáo tạo thêm thích thú cho du khách.
Đường đua lạ kỳ
“Tu..ý..t”. Tiếng còi vừa dứt, cổng chuồng bật mở. Ba chú chó Phú Quốc nhảy từ trên độ cao khoảng 70cm phóng xuống đất, chạy tốc đầu. Chúng lủi vào bụi, chạy qua gốc cây, đua tốc độ rồi leo qua cầu, chui vào đường ngầm, bơi qua hồ nước… Nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai, dứt khoát, ưa leo trèo… những phẩm chất từng nâng oai danh chó Phú Quốc được thể hiện khá rõ qua 4 đường đua dài 400m với 12 địa hình mà “kiểu gì cũng qua”. Mỗi lần đua được chia làm 3 đợt, tăng dần theo số lượng, cùng màu mà không đeo số để tránh cá cược.
Ông Lê Quốc Tuấn, chủ trường đua chó xoáy địa hình Thanh Nga (ấp Cây Thông, xã Dương Tơ) vừa đưa khách tham quan, vừa nói: Thế giới có 3 hình thức đua chó đặc trưng là đua kéo xe, đua tốc độ hoặc đua biểu diễn (chui qua ống, vượt vòng lửa, truy tìm đồ đạc…) nhưng “đua địa hình” như thế này ít thấy. “Chó Phú Quốc rất hiếu động. Những sợi dây bắt ngang đường đua dùng để treo đồ ăn khi chó tập luyện. Con nào thắng được thưởng thịt, lạp xưởng; chú nào thua bị giảm phần ăn”, đứng bên khu nhà mái che dành cho khách ông Tuấn kể vậy.
Sau Vũng Tàu, đây là trường đua chó thứ hai được cấp phép tại Việt Nam và “độc” ở chỗ thiết kế trường đua “không giống ai”, chó tham gia đua là chó xoáy Phú Quốc thứ thiệt. Cũng vì mê chó Phú Quốc mà từ năm 1999, đang ở Rạch Giá, ông Tuấn ngược ra đảo mua đất cất trang trại chó. Đến nay, Trung tâm bảo tồn chó xoáy Phú Quốc của ông lên đến hàng trăm con.
Ai thiết kế đường đua chó cho anh? - tôi hỏi. Có “mẫu” nào đâu mà học. Tất cả bắt nguồn từ những tập tính hoang dã, vốn có của chó Phú Quốc, ông Tuấn trả lời. Tự mày mò rồi vẽ ra nên thợ làm theo nhiều phen ngất ngư luôn. Hoạt động từ tháng 4-2013, trường đua mở cửa đón khách cả sáng lẫn chiều (trừ sáng thứ hai và sáng thứ tư). Ngoài ra, nếu có yêu cầu, ông còn tổ chức biểu diễn chó săn bắt gà, tuyển chọn chó xoáy… Cuộc thi kết thúc, cả ba chú chó không hề “biến sắc”, có con còn phóng lên hàng rào sắt cao hơn 1m, ra ngoài rong chơi.
Nâng tầm “thương hiệu”
Có lần, tại bến tàu Phú Quốc, người ta được chứng kiến hai chú chó Ngao Tây Tạng “to vật vã” như gấu Bắc cực. Nghe người có nhiệm vụ đi theo giám sát nói, mỗi con này trị giá 50 - 80 triệu đồng nhưng nuôi rất khó vì chúng quen ở xứ lạnh, ăn uống khó khăn lại tốn kém nhưng cũng không tinh nhanh bằng chó Phú Quốc. Ở trên đảo, hầu như nhà nào cũng nuôi dăm ba chú chó Phú Quốc. Và du khách đến với đảo ngọc Phú Quốc, ai cũng tò mò chiêm ngưỡng và thích thú trước vẻ đẹp uy dũng của giống chó này.
Tháng 7-2011, sau 117 năm, chó Phú Quốc tái xuất tại Giải vô địch chó đẹp thế giới ở Paris (Pháp) và đã xuất sắc giật về cho “giống nòi” của mình giải CACS (chứng chỉ chó đẹp cấp thế giới). Các nhà khuyển học thông báo trên thế giới hiện chỉ có 3 giống chó có xoáy lưng, là chó Phú Quốc của Việt Nam, chó xoáy Thái Lan và chó xoáy Nam Phi (Rhodesian Ridgebacks). Đáng tiếc, nhờ tiếp thị giỏi, chó xoáy Thái Lan đã được Liên đoàn các Hiệp hội Nuôi chó giống quốc tế (FCI) công nhận, còn chó Phú Quốc của Việt Nam chưa được công nhận. Trước đó (năm 2007), tại cuộc hội thảo chuyên đề về giống chó này ở TPHCM người ta đã “giật chuông” cảnh báo về họa tuyệt chủng của chó Phú Quốc: chỉ còn khoảng 1% chó Phú Quốc thuần chủng, số còn lại đã bị lai tạp các giống khác!
“Trường đua địa hình chó xoáy Phú Quốc” đi vào hoạt động là ý tưởng mới, độc đáo. Tuy nhiên, tính chuyên nghiệp, lan tỏa của sự kiện này chưa cao. Nhiều người dân tại chỗ hay các hướng dẫn viên du lịch khi được hỏi cũng lúng túng, không biết, dù trường đua đã ra mắt cả mấy tháng nay. Nếu được tiếp sức hơn từ phía chính quyền và ngành du lịch, chắc chắn mô hình này không chỉ tạo thêm sản phẩm mới, hấp dẫn hơn mà còn góp phần giữ gìn, nâng tầm “thương hiệu đặc sản” chó xoáy cho đảo ngọc Phú Quốc.
VŨ THỐNG NHẤT