Được mệnh danh là “lá phổi của đại dương”, là sinh mệnh của biển khơi, dù chỉ chiếm diện tích 0,2% mặt biển nhưng san hô là nơi ẩn náu của 30% sinh vật biển. Lợi ích của san hô với hệ sinh thái, bảo vệ bờ biển chống sạt lở, nguồn thực phẩm cho cá, nguồn lợi du lịch… ước tính từ 24-310 tỷ EUR/năm.
Thế nhưng, hiện tượng “tẩy trắng” san hô hay nói cách khác là nguy cơ đe dọa diệt vong của loài sinh vật quý giá này tăng gấp 10 lần trong 40 năm trở lại đây. Nguyên nhân trực tiếp là do nồng độ oxy suy giảm mạnh tại các vùng biển xa và nhất là những vùng ven bờ do các chất xả thải và đặc biệt là Trái đất nóng lên. Theo nghiên cứu của Đại học James-Cook, chỉ cần nhiệt độ tăng lên từ 0,50C-10C, loài tảo vàng (zooxanthellae) cộng sinh và là nguồn thức ăn chính của san hô sẽ bị đẩy khỏi cơ thể san hô. San hô kiệt sức và màu trắng chết chóc xuất hiện.
Viễn cảnh này thật sự không còn xa khi năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp Trái đất lập kỷ lục nóng lên. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, dù không nằm trong chu trình của hiện tượng El Nino (thường kéo theo nhiệt độ Trái đất tăng), năm 2017 vẫn sẽ là 1 trong 3 năm nóng nhất từ khi thế giới bắt đầu thống kê nhiệt độ hồi cuối thế kỷ 19. Tổng thể, nhiệt độ Trái đất đã tăng trung bình cao hơn giai đoạn 1981-2010 là 0,40C và cao hơn ngưỡng 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hậu quả của biến đổi khí hậu đã có thể thấy ngay qua những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Thiệt hại kinh tế do bão gây ra đạt con số kỷ lục. Riêng cơn bão Harvey đổ vào Mỹ đã gây thiệt hại 200 tỷ USD. Rồi tiếp đến những thiệt hại của cơn bão Irma và Maria cũng có thể đạt tới 400 tỷ USD, những con số lớn chưa từng có. Bên cạnh đó là một mùa hè nóng bức kéo dài. Hiện tượng này đã trở nên thường xuyên gây hạn hán, hỏa hoạn ở khắp nơi trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân khiến Trái đất nóng lên là lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng. Thế nên, việc Trung Quốc - quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhiều nhất thế giới, hình thành thị trường CO2 được xem là một điểm sáng trong bức tranh ô nhiễm môi trường xám xịt. Từ năm 2018, 1.700 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng buộc phải hạn chế lượng khí CO2. Đây là một bước tiến rất quan trọng, vì các doanh nghiệp này phát thải 1/3 trong tổng số 11 tỷ tấn CO2 thải ra môi trường tại nước này trong 1 năm. Đến năm 2020, số doanh nghiệp tham gia thị trường CO2 của Trung Quốc sẽ lên tới 10.000. Mục tiêu của thị trường CO2 Trung Quốc là chuyển hướng nền công nghiệp nước đông dân nhất địa cầu thành một nền công nghệ xanh. Nếu Trung Quốc chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế xanh thì đó có thể sẽ là cú hích cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi nhận thức để cùng hợp tác ngăn đà tăng nhiệt độ của Trái đất. Chỉ như vậy mới có thể giải cứu lá phổi của đại dương đang đứng bên bờ vực diệt vong.