Lạc lõng giữa dòng sông

Tận cùng khốn khó
Lạc lõng giữa dòng sông

Tôi đã từng đặt chân đến rất nhiều nơi trên mảnh đất khúc ruột Bình - Trị - Thiên, từ những nơi heo hút bốn bề rừng núi hoang vu cho đến những miền quê mênh mông cát trắng… Nhưng chưa bao giờ tôi thấy nơi nào cô độc và lạc lõng với thế giới bên ngoài như ở Cồn Cưởi.

Anh Bát chỉ về chỗ đất trước kia là lối đi vào nhà, nay đã bị sạt lở.

Anh Bát chỉ về chỗ đất trước kia là lối đi vào nhà, nay đã bị sạt lở.

Tận cùng khốn khó

Cách thị trấn Ba Đồn khoảng 20km về phía Tây, cồn Cưởi còn được gọi với tên khác: thôn Tiên Xuân. Đây là mô đất rộng chừng 59ha nổi lên giữa dòng sông Gianh đoạn chảy qua xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi cư ngụ của 162 hộ dân với 598 nhân khẩu.

Cồn Cưởi nằm biệt lập giữa dòng sông, con đường duy nhất vào thôn là đi đò sang. Thôn trước kia chỉ có vài ngư dân sông nước đến sinh cơ lập nghiệp, lâu dần, con số tăng lên và rồi trở thành thôn xóm nhỏ như hôm nay.

Năm 2010, trận lũ lịch sử đã cô lập người dân ở đây gần một tuần, dẫu tỉnh đã huy động các xuồng máy, tàu thuyền chuyên dụng để tiếp ứng cứu trợ nhưng giữa cơn lũ cuồng nộ của dòng sông Gianh, lực lượng cứu hộ đành bất lực. Hình ảnh những con người nhỏ bé ướt sũng vì mưa lạnh và chới với trên các nóc nhà giữa cơn lũ cuồn cuộn đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước.

Lần đầu khi nghe đồng chí Trần Đức Luận, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, giới thiệu qua về thôn Tiên Xuân, về sự “cô độc” của xóm nhỏ này giữa dòng sông Gianh, tôi không khỏi thảng thốt về cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây. Thôn có 162 hộ dân thì có đến 46 hộ nghèo, 94 hộ cận nghèo. Nghề nghiệp chủ yếu là bán nông bán ngư, ruộng vườn 1 năm chỉ có 1 vụ, hoa màu cũng chỉ là những khoảnh lạc, ngô khoai mọc lên trên mảnh đất nhiễm phèn mặn cằn cỗi đến vô cùng.

Từ bên bờ Nam nhìn sang, cồn Cưởi ập vào mắt tôi là những ngôi nhà lụp xụp nằm sát ven bờ sông, phía trước, dăm ba chiếc thuyền chài nhỏ bé neo đậu.

Sang đến bờ, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự sạt lở, xói mòn đến đáng sợ của bờ sông. Những rặng dứa dại, những gốc chuối, bụi tre già mọc sát bờ… đều nghiêng ngả chực đổ ập xuống dòng nước, đất xói lở thành từng mảng… Mỗi năm ở đây sông “nuốt đất” vào tận 4m, và năm qua xã đã tổ chức di dời 18 hộ dân ở sát bờ sông về phía cuối thôn, hiện còn 4 hộ đang chuẩn bị di dời.

Nhà anh Nguyên Văn Bát, 47 tuổi, một căn nhà xây nhỏ với mái ngói lợp tôn nằm sát bến thuyền. Phía trước khoảnh sân nhỏ, lối đi vào nhà đã bị nước sông lấn sát. “Ở đây có di dời vào đâu cũng vậy thôi, “rốn lũ” của tỉnh mà, đất ông bà xưa nay đã ở đây rồi mình phải rứa mà sống tiếp chớ. Nói thiệt, có chuyển lui về cái doi đất cuối thôn thì khi lũ lên, nước cũng mấp mé mái nhà thôi, có hơn gì đây!”, anh Bát nói.

“Nhà báo ăn cơm chưa? Thôi đã lỡ buổi rồi, ngồi xuống ăn với tui bữa cơm, cũng chỉ có cá khô thôi. Chợ xa, lại cách sông nên ngại đi lắm!”. Rót ly rượu ra mời khách, anh Bát kể cho chúng tôi nghe về những nỗi cơ cực của con người ở đây. Giọng nói trầm trầm, khuôn mặt anh đen sạm, dáng người còm cõi, tất cả như hằn in những nắng mưa của cuộc đời và nỗi gian truân vất vả của con người miền sông nước.

Sống ở vùng “rốn lũ”, canh tác nông nghiệp mỗi năm chỉ một vụ, nên người dân ở đây chủ yếu kiếm sống bằng nghề đánh bắt tôm cá trên sông. Tôm cá đánh bắt nhiều rồi cũng hết và họ lại chuyển sang nghề đãi chăn chắt. “Thu nhập từ việc đãi chăn chắt mỗi ngày khoảng 40.000 - 50.000 đồng. Số tiền ấy chỉ đủ mua gạo và thức ăn qua ngày, chứ để làm nhà thì biết bao giờ mới tích cóp đủ” - anh Bát nói.

Sau buổi cơm, anh Bát dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn. Lối đi chính ở đây chỉ là những con đường đất nhỏ hẹp vừa đủ cho một chiếc xe hai bánh chạy. Nhưng xe máy cũng hiếm, cả thôn chỉ có 5 chiếc nên việc đi lại của người dân chủ yếu vẫn là… cuốc bộ.

Mùa lũ đã khổ, mùa hè ở đây cũng chẳng sướng gì hơn, khổ nhất là thiếu nước ngọt trầm trọng. Nước sông Gianh nhiễm mặn không dùng được, nước giếng khoan lên gặp phèn. Người dân ở đây đành chấp nhận “cắn răng” mua nước ngọt từ thương lái ở Tuyên Hóa chở xuống bán với giá 80.000 đồng/m³ nước.

Mong ước giản đơn

Hiện nay, đôi bờ cồn Cưởi vẫn đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng, nguy cơ mất đất, mất nhà ở ngày càng hiện hữu rõ nét hơn với những người dân ở đây. Trò chuyện với mệ Nguyễn Thị Thĩnh, năm nay 76 tuổi, người đã gắn bó cả đời với cồn Cưởi, mệ nói: “Mệ chỉ mong nhà nước đầu tư xây cho thôn ni cái bờ kè kẻo không vài năm nữa nhà cửa mệ và mấy người dân ở sát bờ sông sẽ mất hết”.

Nằm biệt lập giữa dòng sông, người dân ở đây còn khao khát có được một cây cầu bắc qua sông để sang bờ thuận tiện, con em có điều kiện học hành. Trên chuyến đò ngang quay trở lại bờ Nam xã Quảng Tiên, tôi được cô giáo Trần Thị Hà, giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng Tiên, báo tin vui: “Dù cách trở đò giang nhưng học sinh của thôn vẫn cố gắng bám lớp, theo đuổi việc học, trong thôn có 2 em đang là sinh viên đại học”.

Theo Chủ tịch UBND xã Trần Đức Luận, hiện tại do chưa có kinh phí nên xã vẫn động viên bà con trồng dứa dại và đóng cọc tre để đối phó với tình trạng sạt lở đất. Đây chỉ là giải pháp tạm thời. Phương pháp tối ưu nhất vẫn là chờ kinh phí từ cấp trên để xây bờ kè!

…Rời Tiên Xuân, tôi bỗng thấy chạnh lòng cho cuộc sống bà con nơi đây, một cuộc sống chông chênh, lạc điệu giữa dòng sông Gianh.

Uông Ngọc Tân

Tin cùng chuyên mục