Lại chuyện miếng thịt, quả trứng

Mấy ngày nay, dư luận đề cập nhiều đến giá bán một quả trứng còn thua một ly trà đá vỉa hè, và rằng, tình trạng ùn ứ heo hơi tại các trại ngày càng tăng do mức cầu giảm mạnh. Khi được hỏi về kết quả kinh doanh sau vụ Tết Nguyên đán 2016, giám đốc một công ty cung cấp trứng gia cầm hàng đầu của TPHCM thở dài nói rằng, công ty chuẩn bị lượng hàng tăng từ 10%-20% so với kết quả kinh doanh của tết năm 2015, nhưng thực tế lượng hàng bán ra giảm tới 10%. Theo lời của vị giám đốc này, đây là mùa tết kinh doanh bết bát nhất, kể từ trước đến nay của công ty! Chuyện gì đã và đang xảy ra đối với 2 mặt hàng được xem là thiết yếu vào mỗi dịp tết?

Còn nhớ cách đây 3 mùa tết, vào trung tuần tháng 1-2013, cơn sốt giá trứng gia cầm đã diễn ra tại TPHCM. Ngay lập tức, cơn sốt đã lan rộng đến nhiều vùng miền trong cả nước. Riêng tại TPHCM, chỉ sau 1 tuần, giá trứng gia cầm đã đưa về mức giá bình thường nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP và sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp (DN) bình ổn thị trường. Với các DN phân phối như Saigon Co.op đã nhanh chóng tổ chức mạng lưới phân phối, đồng thời chấp nhận không nhận chiết khấu cho các đối tác để làm nguội giá trứng. Nhưng tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội, người dân phải chấp nhập mua trứng với giá cao trong hơn một tháng trời.

Ở mặt hàng thịt heo, vào dịp tết năm 2008, cả TPHCM cũng bước vào đợt khan hiếm kéo dài, dẫn đến giá bán được đẩy lên rất cao. Đáng lưu ý, nhiều đơn vị giết mổ lớn của TP như Vissan, khi đó cũng lúng túng bởi nguồn cung quá khan hiếm. Nhiều cuộc họp liên tục đã diễn ra nhưng kết quả nguồn cung thịt heo cho thị trường tết vẫn không có. Đích thân Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng lúc bấy giờ phải vào cuộc, bằng cách mời các DN FDI trong lĩnh vực chăn nuôi đang nắm và chi phối đàn heo ở khu vực phía Nam để làm việc. Ngay sau đó, thị trường đã dễ thở hơn. Giá thịt heo đã giảm xuống chút ít. Trước đó, tết năm 2007, người dân TP cũng phải xếp hàng để chờ mua được một con gà đông lạnh để cúng tết.

Có thể lý giải cho tình trạng khan hàng, tăng giá vào những năm đó là do dịch bệnh lây lan trên diện rộng, cộng với sự biến đổi thất thường của khí hậu khiến cho việc chăn nuôi trong dân bị co cụm. Thị trường hàng hóa, giá cả lúc đó chủ yếu do các đại gia trong ngành chăn nuôi ở các nhóm mặt hàng như gia súc, gia cầm và trứng gia cầm, đặc biệt là các DN FDI thao túng!

TPHCM đã xác định nguyên nhân chính của việc khan hiếm nguồn cung, tăng giá hàng hóa chính là do chúng ta chưa chủ động được nguồn hàng. Điều quan trọng nhất, muốn bình ổn thị trường thì chúng ta không thể điều hành bằng mệnh lệnh suông mà phải có trong tay một đội ngũ DN mạnh, chủ động được nguồn hàng cung ứng cho thị trường TP. Từ thực tế này, lãnh đạo TP đã yêu cầu các sở, ngành chức năng xây dựng hàng loạt đề án để phát triển nguồn nguyên liệu, cung ứng cho thị trường TP.

Từ những chủ trương kịp thời, đúng đắn, phù hợp với xu hướng, nhu cầu thực tiễn cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP và sự sát cánh của các sở, ngành chức năng, các DN đã mạnh dạn tổ chức đầu tư cho công tác tạo nguồn hàng, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất chăn nuôi, giảm chi phí, giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nguồn thực phẩm an toàn cung ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điển hình như các đơn vị: Công ty Phạm Tôn, Công ty Ba Huân, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty Vissan, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Liên hiệp HTX thương mại TPHCM, Công ty San Hà, Công ty Vĩnh Thành Đạt… đã và đang từng bước hiện đại và khép kín quy trình từ sản xuất đến phân phối hàng hóa.

Trên thực tế, lượng hàng hóa của các DN bình ổn đưa ra thị trường khá ổn định vì đã có sự liên kết khá chặt chẽ từ sản xuất đến phân phối. Nhưng nhìn ở toàn cảnh, ngành chăn nuôi cả nước vẫn trong tình trạng bấp bênh, thiếu sự liên kết. Người bán vẫn chỉ bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần, điển hình nhất là mặt hàng thịt heo. Hiện TPHCM đã triển khai chuỗi thực phẩm an toàn và cửa hàng thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, lượng hàng cung ứng đối với mặt hàng heo đạt chuẩn VietGAP vẫn rất hạn chế, trong khi thị trường rơi vào khủng hoảng thừa. Heo hơi trong dịp tết bị ứ đọng cũng là điều dễ hiểu, bởi miếng thịt heo đang gánh trong mình nhiều loại tạp chất khiến người tiêu dùng quay lưng.

Ở mặt hàng trứng gia cầm, những năm gần đây ít bị dịch bệnh, dẫn đến tổng đàn tăng lên nhanh chóng. Người chăn nuôi cũng lại đối mặt với việc tồn đọng về nguồn hàng. Theo thông tin chúng tôi có được, ở một số DN, lượng trứng trữ lạnh hiện lên tới vài triệu quả. Nhiều trang trại đã mất tết vì không có nguồn thu! Chính sự thiếu vắng về thông tin thị trường cùng với thiếu sự liên kết về cung cầu, một lần nữa đã đẩy ngành chăn nuôi vào thế thua ngay vào thời điểm được xem là mức cầu tăng cao nhất trong năm.

Tăng cường đầu tư, liên kết để tạo nguồn hàng dồi dào cung ứng cho thị trường là điều cần thiết. Việc điều phối, dự báo thị trường, giá cả đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và phân phối để tránh dự trữ hàng hóa nhiều, dẫn tới dư thừa, lãng phí. Trên tất cả là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành các địa phương, sự liên kết bền chặt về cung - cầu về hàng hóa giữa DN với DN, mới đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng nông sản. Bằng không chuyện “được mùa, mất giá”, chuyện con heo, quả trứng sẽ chỉ dừng ở mức “biết rồi, nói mãi”!

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục