Lại nói chuyện mía đường

Tuần này một số nhà máy đường (NMĐ) ở đồng bằng sông Cửu Long khởi động việc ép mía niên vụ mới (2011-2012). Sau đó các NMĐ ở Tây Nguyên và miền Trung hoạt động vào tháng 10. Cuối cùng là các NMĐ vùng Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ và miền Bắc vào vụ tháng 11. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ này sản lượng đường chế biến khoảng 1,3 triệu tấn (tăng 150.000 tấn so với niên vụ trước). Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng và chế biến thực phẩm trong nước năm 2012, theo Bộ Công thương nhận định, khoảng 1,4 triệu tấn. Như vậy vẫn phải nhập đường để cân đối cung cầu.

Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, nếu nhập khẩu đường ngay thời điểm các NMĐ chế biến dễ tạo ra dư thừa cục bộ, ảnh hưởng giá đường trên thị trường và giá thu mua mía của NMĐ, nên Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT xem xét thời gian nhập khẩu đường sao cho phù hợp nhất, tránh gây ra tác động tâm lý không đáng có, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con trồng mía. Theo đó, việc cấp hạn mức có thể được cân đối từ đầu năm, nhưng hiệu lực từ tháng 8 đến tháng 11. Thông thường thời điểm tháng 11, không dưới 70% số NMĐ cả nước vào vụ chế biến, kéo dài đến tháng 6 năm sau. Bên cạnh đó, vấn đề giá mía đường niên vụ tới cũng cần được tính toán sao cho hợp lý hơn. Theo dự báo giá đường tại nhà máy vào khoảng 18.000 đồng/kg (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Trên cơ sở đó, Hiệp hội Mía đường đã đưa ra giá mua mía vụ tới là 900.000 đồng/tấn (loại mía 10 chữ đường) tại ruộng, nhưng giá mía thực mua sẽ diễn tiến theo giá thị trường.

Tuy nhiên, công thức mua theo tỷ lệ 60:40, giá mua 1 tấn mía 10 chữ đường (tại ruộng) tương đương giá bán 60kg đường trắng loại 1 (trước thuế tại kho NMĐ) vẫn chưa có sự điều chỉnh phù hợp. Với tỷ lệ này, bà con trồng mía vẫn là người chịu thiệt, bởi ngoài sản phẩm đường, NMĐ còn có thể bán các sản phẩm khác từ mía như rỉ mật, bã mía, ván ép… Ngay cả tỷ lệ 60:40 chỉ mang tính khuyến cáo, chưa có cơ quan giám sát, không loại trừ trường hợp sẽ có NMĐ không tuân thủ đúng tỷ lệ này khi giá đường trên thị trường biến động. Vấn đề này, nhà làm chính sách tham khảo thêm việc tính giá và quản lý giá ở quốc gia láng giềng Thái Lan. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa người trồng mía với NMĐ là 70:30. Trong tổng thu nhập từ đường và rỉ mật, nông dân sẽ hưởng 70%, NMĐ là 30%. Và Chính phủ nên có văn bản cụ thể bảo vệ quyền lợi bà con trồng mía, xây dựng cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý giữa người trồng mía và nhà máy để tạo sự ổn định 2 bên. Ngoài ra, chính sách dự trữ quốc gia về đường mà Bộ Công thương dự thảo và lấy ý kiến, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cần ban hành càng sớm và có cơ chế dự trữ 10% đối với nhà sản xuất, 5% đối với nhà thương mại để cùng nhà nước bình ổn giá đường trong nước.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục