Gần 50 doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm động vật tham dự buổi gặp gỡ lãnh đạo Cục Thú y và Trung tâm Thú y vùng 6 trong tâm trạng rối bời. Đó là điều dễ hiểu bởi nó diễn ra sau khi nhiều lô hàng nhập khẩu có vấn đề về chất lượng (nhiễm khuẩn) và hạn sử dụng.
Trên thực tế, dù những vi phạm này chỉ xảy ra ở vài doanh nghiệp nhưng các mặt hàng này đều bị người tiêu dùng tẩy chay. Việc quản lý và kiểm tra sản phẩm trước khi thông quan tại cảng cũng bị siết chặt, gây ách tắc cho hàng loạt DN.
Liên quan đến vấn đề này, có DN cho rằng thịt nhập khẩu đảm bảo hơn thịt trong nước về mặt vệ sinh vì quy trình và công nghệ giết mổ, bảo quản của hầu hết các nước đều đạt chuẩn (như tiêu chuẩn HACCP, trong khi cả Việt Nam chưa có nhà máy nào đạt). Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu nước ngoài cũng không dại khi bán sản phẩm không đạt chất lượng để mất uy tín và ảnh hưởng đến thương hiệu. Những lập luận trên không phải là không có cơ sở, nhưng nếu chỉ dựa vào đó để bất chấp các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của ta là không công bằng với người tiêu dùng trong nước.
Theo Cục phó Cục Thú y Mai Văn Hiệp, có không ít DN làm ăn bê bối. Nếu DN “có tâm” thì không lý do gì có thể khiến họ phân phối những thùng hàng mà nước ngoài ghi rõ “không được sử dụng cho con người” cho người tiêu dùng sử dụng. Cũng không thể chấp nhận việc đưa ra thị trường tiêu thụ những lô hàng xét nghiệm 2 - 3 lần vẫn bị nhiễm khuẩn. Không thể xem thường quy trình kiểm tra của ta vì theo ông Mai Văn Hiệp, những quy định về chất lượng hay việc chiếu xạ và xử lý của ngành thú y đều dựa trên những quy định chung của thông lệ quốc tế, nhất là trong khối ASEAN.
Vấn đề ở đây là đạo đức kinh doanh của DN. Trước đây, chỉ có vài đơn vị tham gia nhập khẩu sản phẩm động vật. Nhưng sự hấp dẫn về lợi nhuận đã đưa con số này lên đến gần 50. Sự gia tăng này không hẳn là điều xấu, nếu không muốn nói là tốt cho sự cạnh tranh lành mạnh.
Điều đáng buồn là khi số lượng DN tham gia lĩnh vực này tăng lên thì tình hình trở nên phức tạp hơn, lực lượng chức năng khó kiểm soát hơn do số DN làm ăn gian dối bày ra “lắm trò” hơn.
Thời gian qua, việc kiểm tra chỉ tập trung vào vài DN. Do đó, không thể cho rằng chỉ có ngần ấy công ty làm ăn gian dối. Trên thực tế, “danh sách đen” có thể dài hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, trách nhiệm của lực lượng thú y là phải phân loại cho được những đơn vị chấp hành tốt. Từ đó, tạo điều kiện cho số này thông quan nhanh chóng bằng cách lấy mẫu tại kho riêng thay vì ở cảng, nhằm giải phóng nhanh nguồn hàng. Đồng thời phải kiểm tra chặt, xử lý nghiêm khắc những đơn vị cố tình lách hay tìm kẽ hở để tuồn hàng ra thị trường. Có như thế thì những DN “có đạo đức” mới yên tâm kinh doanh, không rơi vào tình cảnh “cá mè một lứa”.
Cũng nên có thái độ rõ ràng với những quan điểm cho rằng cứ mang nhãn mác nước ngoài là tốt. Ngay việc cho rằng chiếu xạ sẽ diệt vi khuẩn, cũng cần lưu ý. Tuy đó là phương pháp đã được công nhận ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada… nhưng Nhật Bản lại không công nhận. Lẽ ra nên làm rõ vì sao DN lại nhập khẩu sản phẩm nhiễm khuẩn rồi lại xin chiếu xạ? Vì sao thực phẩm trong nước bị khuẩn là phải tiêu hủy, không có chuyện chiếu xạ, còn thực phẩm nhập khẩu lại được “đặc ân” ấy.
Người tiêu dùng trong nước cần được đối xử như người tiêu dùng nước ngoài. Sản phẩm trong nước hay nước ngoài cũng cần đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn như nhau. Khi “hàng rào” kiểm tra chưa đầy đủ thì doanh nghiệp, bằng đạo đức kinh doanh, lẽ ra phải làm cho hàng rào ấy chặt chẽ hơn, chứ không phải tìm mọi cách để lách qua đó.
CÔNG PHIÊN