Lãi suất tiêu dùng cao là điều dễ hiểu...

Có thể nói, sự xuất hiện của tín dụng tiêu dùng trên thị trường tài chính thời gian qua đã hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng có thu nhập thấp có điều kiện để “tiêu dùng trước, trả tiền sau”. Tuy nhiên, do kiến thức tiêu dùng của người dân về lĩnh vực này chưa được đầy đủ, nên đôi khi vẫn còn một số ý kiến cho rằng “khu vực” này thường có lãi suất cao.
Lãi suất tiêu dùng cao là điều dễ hiểu...

Có thể nói, sự xuất hiện của tín dụng tiêu dùng trên thị trường tài chính thời gian qua đã hỗ trợ rất nhiều cho khách hàng có thu nhập thấp có điều kiện để “tiêu dùng trước, trả tiền sau”. Tuy nhiên, do kiến thức tiêu dùng của người dân về lĩnh vực này chưa được đầy đủ, nên đôi khi vẫn còn một số ý kiến cho rằng “khu vực” này thường có lãi suất cao.

Vì sao lãi suất vay tiêu dùng cao?

Một khảo sát gần đây cho thấy, người tiêu dùng trong nước hiện đang có xu hướng tìm tới dịch vụ của các công ty tài chính (CTTC), bởi thủ tục nhanh, đơn giản hơn so với ngân hàng. Theo đó, các dịch vụ như: mua xe máy trả góp, đồ điện tử gia dụng và vay tiền mặt phục vụ nhu cầu cá nhân, là 3 dòng sản phẩm phổ thông này luôn được các CTTC hướng đến trong hoạt động cho vay tín chấp tiêu dùng của mình.

Hiện lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên được các CTTC áp dụng thường dao động từ 1,6%-5%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tùy thuộc vào từng đối tượng khách hàng thỏa mãn nhiều hay ít các điều kiện cho vay.

Theo đó, dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay…CTTC sẽ đặt ra các mức lãi suất khác nhau. Nói một cách dễ hiểu, khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ sẽ được vay với mức lãi suất càng thấp.

Trên thực tế, các khoản vay tiêu dùng của các CTTC thường có mức lãi suất cao hơn so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng thương mại. Nguyên nhân là do phân khúc khách hàng mà CTTC hướng đến phục vụ là những người không có đủ điều kiện (hoặc ngại) tiếp cận tín dụng từ ngân hàng và hình thức cho vay tiêu dùng là cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo), trong khi vay ngân hàng thường là hình thức vay thế chấp. Và theo nguyên lý đơn giản nhất, rủi ro tín dụng lớn sẽ phải đi kèm với lãi suất cao.

Mặt khác, với đặc thù là mô hình hoạt động không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, do đó chi phí vốn đầu vào của các CTTC cũng sẽ cao hơn nhiều so với các ngân hàng. Cùng với đó, việc phải triển khai hệ thống dịch vụ đến từng điểm bán hàng; xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ; trích lập dự phòng rủi ro lớn… đã khiến cho chi phí đầu vào của mỗi loại hình sản phẩm cao kéo theo lãi suất cũng cao theo.

Mặc dù lãi suất cho vay của các CTTC cao nhưng người tiêu dùng vẫn quyết định lựa chọn bởi tính tiện lợi, thủ tục nhanh gọn và khả năng đáp ứng nhanh nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Chỉ sau 1 ngày, 1 giờ, thậm chí là trong vòng…15 phút, khách hàng có thể nhận được hỗ trợ vốn từ phía CTTC, trong khi nếu đến các ngân hàng thì sẽ phải chờ cả tuần, thậm chí là không được duyệt vay bởi rất khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà ngân hàng đặt ra.

Vay tiêu dùng giúp người dân sống tốt hơn

Trên thực tế, có nhiều khách hàng có nhu cầu mua sắm, chi tiêu nhu cầu cá nhân, song không đủ ngay số tiền để chi trả trong một thời gian ngắn cho dù đã huy động mọi cách.

Có ý kiến cho rằng nên đi vay ngân hàng.Tuy nhiên có một thực tế là, gần 70% trong số hơn 90 triệu dân ở Việt Nam là những người có thu nhập thấp hoặc trung bình, khó có điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng. Họ là đối tượng dưới chuẩn cho vay bởi không thể chứng minh thu nhập hoặc thu nhập bấp bênh. Thêm vào đó, hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội; các dự án vốn ưu đãi của các chương trình tài trợ bởi tổ chức quốc tế; hoặc từ thiện xã hội cũng không thể bao phủ khắp. Ấy là chưa kể các chính sách, chương trình trên chỉ cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, trong khi cho vay tiêu dùng, mua sắm phương tiện…lại chưa được đề cập đến.

Còn một cách khác là đi vay bên ngoài. Tuy nhiên, để vay được người thân, bạn bè không phải dễ dàng. Còn vay “tín dụng đen” đem lại rủi ro rất lớn…Từ những phân tích trên cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của tín dụng tiêu dùng trong thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu không có các CTTC, những người thu nhập thấp sẽ có rất ít cơ hội để tích lũy tài sản. Về vấn đề này, TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa ra một ví dụ hết sức đơn giản: Ví như một người bán rau ở chợ có mức thu nhập 300 nghìn đồng/ngày. Họ sẵn sàng vay tín dụng đen 1 triệu đồng với lãi suất 100 nghìn/ngày, song không hề kêu ca lãi suất cao. Đơn giản bởi số tiền lãi đó vẫn nằm trong khả năng trả nợ của họ. Nếu có 1 triệu đồng thì họ sẽ làm ra 300 nghìn/ngày, nhưng nếu không vay 1 triệu đồng đó thì họ cũng sẽ chẳng có vốn để buôn bán được gì.

So sánh với ví dụ trên có thể thấy, lãi suất vay tiêu dùng ở CTTC vẫn có thể chấp nhận được, người dân có điều kiện để cải thiện đời sống hơn. Điều kiện cho vay của CTTC luôn tạo điều kiện cho người thu nhập thấp, cấp vốn nhỏ để họ có thể làm ăn, sinh hoạt trong cuộc sống. Vì thế, hãy tìm hiểu kỹ bản chất của vay tiêu dùng, để từ đó đưa ra được những nhận định khách quan, lựa chọn được cho mình nơi vay hợp lý.

P.V

Tin cùng chuyên mục