Để nghề trồng hoa lan Việt Nam có vị trí độc lập và thu ngắn khoảng cách với các nước Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… phải lai tạo ra nhiều giống lan khả dĩ có thể từng bước cạnh tranh được với các nước, thay vì nhập các giống lan về trồng. Đây là điều chúng ta chưa làm được nhưng không phải là không thể. Vì vậy, việc lai tạo giống lan Việt Nam để thúc đẩy ngành hoa lan Việt Nam phát triển là một việc làm cần thiết.
Quần chúng hóa việc lai tạo và hội thi
Mặc dù khoa học đã có nhiều phương pháp lai tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong việc lai tạo nhiều giống cây trồng như lúa, rau, bắp, đậu... nhưng trên thế giới vẫn lai tạo các giống lan mới theo phương pháp cổ điển, thủ công có từ thời Mendel, đó là gắp phấn hoa từ cây được chọn làm cây bố cấy vào nướm nhụy cây mẹ và chờ quá trình thụ phấn xảy ra (tuy không cần trình độ và thiết bị công nghệ cao nhưng cũng phải “có nghề”). Sau đó tiếp tục gieo hạt, nuôi cấy cho đến khi ra hoa mới đánh giá được tốt xấu, thường phải mất 2 năm trở lên. Giá trị của giống lan mới tùy thuộc rất nhiều vào sự may rủi của phép lai cổ điển này. Vì vậy, trong một lô cả trăm, cả ngàn giống lan mới, chỉ may mắn chọn được vài giống lan lạ, ưng ý để xã hội vinh danh như hoa hậu, á hậu, sau đó cho cấy mô nhân nhanh đại trà và kinh doanh. Những cây còn lại là để chơi tiêu khiển, thỏa mãn đam mê của người tạo giống, đồng thời góp phần làm cho thị trường giống và việc “chơi” lan thêm phần sống động.
Như vậy, người dân nếu chịu tìm hiểu và yêu thích cũng có thể lai tạo ra những giống lan lai mới. Ở Đắk Lắk có anh Phan Trọng Dũng, tốt nghiệp Nhạc viện TPHCM nhưng tự tìm hiểu, học hỏi đã lai tạo ra trên 400 giống lan mới, trong đó đã được công nhận sở hữu trí tuệ 12 giống bởi Hiệp hội Lan quốc tế ở Anh RHS và đưa được ra thị trường nhờ có cơ sở sản xuất, kinh doanh lan riêng. Tuy nhiên chuyện đó vẫn còn là hiếm hoi, một cánh én không tạo nên mùa xuân. Nếu số lượng người tham gia lai tạo càng đông thì cơ hội có những cây lai giống mới xuất sắc càng cao. Trong khi đó, các viện, trường, cơ quan nhà nước có tiến hành lai tạo ra các giống lan mới nhưng việc đưa ra thị trường gặp nhiều khó khăn. Vậy đầu tư cho các cơ quan nhà nước làm công việc lai tạo lan hay hướng dẫn, hỗ trợ cho quần chúng làm?
Ở lĩnh vực này, sự đam mê đi với số lượng quần chúng đông đảo sẽ hiệu quả và ít tốn kém ngân sách hơn trình độ cao mà lực lượng ít (chỉ nên tham gia lai tạo ở quy mô nhỏ nhằm phục vụ nghiên cứu, huấn luyện và đồng hành với quần chúng là chính). Để thúc đẩy chương trình lai tạo theo cách vận động quần chúng này, một đơn vị nhà nước đứng ra làm cơ quan thường trực để thực hiện và điều hành công việc là hợp chức năng và phát huy hiệu quả nhất.
Lan là loại hoa mang tính thời trang. Các giống mới liên tục được tung ra, khoe sắc, cạnh tranh nhau. Một giống lan mới ra đời, được định đoạt là hấp dẫn hay không theo cảm tính thời trang, nghệ thuật chứ không theo những tiêu chí, hay định lượng được như năng suất, mức độ kháng sâu bệnh, thời gian sinh trưởng... như các loại cây trồng thông thường. Vì vậy, nó thường được định đoạt giá trị và vinh danh bởi các hội thi có đông đảo người chơi lan hào hứng theo dõi... Thiếu vắng các cuộc thi đua, tài năng khó phát hiện, khó lên ngôi. Ở đây là thi đua hoa đẹp giống mới chứ không phải hoa đẹp giống cũ như lâu nay. Như vậy, tính phổ thông trong phương pháp lai tạo và tính thời trang của hoa lan có thể rút ra giải pháp phù hợp để thúc đẩy thành công việc lai tạo ra các giống lan mới, đặc sắc.
Bước đi…
Tiến trình để có được một giống lan lai mới có giá trị, được thị trường công nhận được khái quát: Chọn cặp lai bố mẹ. Thụ phấn nhân tạo. Chờ trái chín. Gieo ươm hạt trong môi trường dinh dưỡng có kiểm soát. Nuôi cây con trong phòng. Nuôi cây con ra ngoài vườn cho đến khi trổ hoa. Sau đó, còn các công việc khác như đặt tên, trưng bày, triển lãm, hội thi, đăng ký bản quyền cây giống, nhân giống, giao dịch... Một loạt việc liên quan đến nhiều người, nhiều giới, nên nhà nước cần nghiên cứu soạn thảo ra một chương trình lai tạo giống lan, có sách lược rõ ràng, nêu công việc cụ thể.
Những nội dung chính có thể hình dung: Cần soạn thảo một giáo án về phương pháp lai tạo giống lan và tiến hành tập huấn chuyển giao kỹ thuật, phổ biến rộng rãi trong giới trồng lan và người chơi lan. Giáo án này cần được đầu tư kỹ để có giá trị cao về lý thuyết, hoàn chỉnh về phương pháp, có thể áp dụng cả nước để phổ biến và huấn luyện quần chúng, đồng thời xây dựng chương trình lai tạo giống lan Việt Nam. Chương trình này không chỉ đề cập đến việc lai tạo giống mà còn đề cập đến các khâu tiếp theo như hội thi, trưng bày, bảo vệ bản quyền giống, giao dịch giống... để các giống lan mới có cơ hội tốt nhất tham gia thị trường.
Nên cử cán bộ kỹ thuật sang học khóa kỹ thuật lai tạo lan do Vườn Lan quốc gia Singapore (Singapore National Orchid Garden) tổ chức thường xuyên cho người dân muốn học lai tạo lan (80 Đôla Sing cho một khóa học một ngày). Khóa học này sẽ có giá trị kép bao gồm: học hỏi được phương pháp lai tạo giống từ một cơ quan có uy tín, kinh nghiệm để về nước xây dựng thành bộ giáo án tiếng Việt; tạo được mối quan hệ mật thiết với một cơ quan đầu đàn để cán bộ ta có điều kiện học hỏi, trao đổi thêm nhiều vấn đề, kinh nghiệm khác trong quá trình soạn thảo và điều hành chương trình lai tạo lan trong nước. Vườn Lan quốc gia Singapore là một cơ quan rất có uy tín, kinh nghiệm trên thế giới, là động lực quan trọng đưa Singapore thành một trong những quốc gia xuất khẩu lan có tiếng với lan Vanda Miss Joaquim là quốc hoa.
Xây dựng phương pháp thông tin quảng bá tích cực để lôi cuốn nhiều người tham gia học hỏi lai tạo lan. Có thể huy động các phương tiện thông tin đại chúng như thông báo trên báo chí, tập huấn - chuyển giao kỹ thuật trên đài truyền hình, song song đó là xuất bản tài liệu kỹ thuật chuyên đề về lai tạo giống lan. Phương pháp càng hấp dẫn càng vận động được nhiều người tham gia; càng nhiều giống lan được ra lò, đấu xảo, tôn vinh; nghề trồng lan ngày càng hào hứng, phát triển; người chơi lan, người mua lan càng tăng.
Nguyễn Ngọc Sáng
(Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM)