Lại về đất thiêng Quảng Trị

Học bổng nghĩa tình
Lại về đất thiêng Quảng Trị

Tiếp tục chương trình trao học bổng cho các học sinh nghèo con em gia đình chính sách, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và hoàn cảnh khó khăn trong gói tài trợ 2 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ngày 16-9, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã về Quảng Trị, mảnh đất thiêng Tổ quốc. Như vậy, từ tháng 5-2012 đến nay, các thành viên BTC chương trình đã 3 lần về vùng đất này. Những cảm xúc vẫn tròn đầy với tình cảm thật sâu đậm.

Lễ trao học bổng Nghĩa tình Trường Sơn tại Quảng Trị.

Lễ trao học bổng Nghĩa tình Trường Sơn tại Quảng Trị.

Học bổng nghĩa tình

Cơn mưa từ đêm trước rỉ rả đến sáng 17-9 vẫn chưa dứt. Thương quá mấy cháu học sinh. Nhiều đứa còn rất bé, mới học lớp 2 - 3, phải thức từ 4 - 5 giờ sáng, đội mưa để đến kịp giờ làm lễ. Nhiều huyện cho xe đưa các cháu đi, nhưng đa số được người thân tự đưa đến. Ở ngoài sảnh, một phụ nữ chân đi đôi ủng cao, áo quần lam lũ, gương mặt sạm nắng, khắc khổ. Nhìn chị khá đặc biệt trong số thân nhân các em học sinh.

Chị cho biết tên là Lê Thị Vân, 40 tuổi, đi nhận học bổng giùm em trai út là Lê Cường, đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chị khoe em trai học rất giỏi, từ lớp 9 đến giờ vẫn thường được nhận học bổng. Chị chia sẻ: “Hắn đang rất muốn mua cái máy tính xách tay cũ, để tiện cho việc học, với 2 triệu đồng tiền học bổng nhận được, chắc phải vay thêm một ít”.

Trong khán phòng lẫn trong hàng ghế các học sinh nhận học bổng là một phụ nữ tuổi ngoài 70. Bà bước vội lên sân khấu như sợ không đi kịp các cháu nhỏ. Rồi bà cũng nhận giấy trao học bổng… mang tên con trai mình. Bà bảo cháu đang đi học ở xa, không về được, mà bà sợ không trực tiếp đến và không trực tiếp lên sân khấu thì sẽ không được ban tổ chức trao tiền. Nhận học bổng xong, bà tìm gặp các thành viên ban tổ chức rối rít, khiến mình cảm động vô cùng! Hai triệu đồng với người khó như gió vào nhà trống, nhưng nhìn nét mặt hồ hởi của các cháu và phụ huynh, các thành viên trong đoàn ai nấy cũng vui, xúc động!

Chợt nhớ lời chị Nguyễn Thị Thùy Mỵ và chị Nguyễn Thị Hồng Vân ở Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị: “Mong sao mỗi năm được đón ban tổ chức một lần”. Mình hiểu ý chị là mong chương trình tiếp tục đồng hành, chăm lo cho con em Quảng Trị, vùng đất vốn chịu nhiều mất mát trong chiến tranh, mảnh đất thiêng, bàn thờ Tổ quốc. Chợt nghĩ đến tương lai của chương trình, có thể phải kết thúc vào cuối năm sau, chợt thấy lòng nặng trĩu.

Quảng Trị khác Long An và Nam Định là hai nơi mà chương trình đã trao 200 suất học bổng trước đó khi đối tượng thụ hưởng được mở rộng là học sinh từ cấp 1 đến đại học, cao đẳng và nằm rải rác trên toàn tỉnh. Chính điều này đã khiến khán phòng Nhà văn hóa Thiếu nhi tỉnh - nơi trao học bổng có những hình ảnh đặc biệt.

Bên cạnh các anh chị sinh viên cao đẳng tràn trề nhựa sống của tuổi đôi mươi là các cháu còn rất bé. Ngồi ngay hàng ghế đầu, trong đoàn của huyện Gio Linh là một cậu bé đen đúa, nhỏ thó, tay chân khẳng khiu, đôi dép đầy bùn đất. Em thu hút tôi vì đôi mắt rất sáng, nhưng rụt rè. Giọng miền Trung khó nghe, lại thêm tiếng nhạc của phần văn nghệ chào mừng, tôi phải nhờ em viết tên tuổi, địa chỉ của mình và trả lời một số câu hỏi của tôi vào sổ tay. Nét chữ khá đẹp.

“Con tên Hồ Văn Sỹ, sinh năm 2002, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học cơ sở Linh Thượng, học sinh giỏi nhiều năm liền, năm vừa qua đứng nhất lớp. Nặng 20kg, chiều cao: không biết”. Tôi thật sự sửng sốt trước các thông tin trên. Em quá bé so với tuổi của mình. Con trai tôi chỉ mới hơn 4 tuổi mà đã 20kg, dù so với các bạn thì cháu thuộc hàng nhỏ nhất lớp. Thế mà… Thật thương! Ngồi cạnh Sỹ có một số bạn to cao hơn, nhưng nếu so với học sinh thành thị thì cũng quá bé vì hầu hết đã học đến lớp 8, lớp 9. Cuộc sống quá khó khăn nên sức khỏe, sự dinh dưỡng dành cho các cháu nhà nghèo đã không được cha mẹ xem trọng. Chợt nhói lòng khi trong danh sách các cháu nhận học bổng có đến 35 cháu là trẻ mồ côi, trong đó có 8 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Phải tự bươn chải cho cuộc sống của mình khi còn quá bé thì khó khăn còn gấp bội phần!

Con sẽ sống giống ba

Ngoài hành lang sau khi tan lễ, tôi gặp cha con chú Thái Xuân Cừ, Trưởng ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Gio Linh. Cô bé Thái Thị Nam Phương, học sinh lớp 9 Trường PTCS Gio Linh, con gái út của chú chính là cô bé được chọn đại diện cho các bạn phát biểu cảm tưởng. Hai cha con đang săm soi cái bảng công nhận học bổng trong ánh mắt thật hạnh phúc. Cha xoa đầu con, con nép vào cha…

Bé nói: “Đêm qua con hồi hộp quá không ngủ được, cố gắng nghe lời ba thì cũng phải đến 12 giờ khuya mới chợp mắt, 5 giờ sáng đã dậy để đọc đi đọc lại bài phát biểu”. Cô bé có nụ cười rất tươi, khuôn mặt trái xoan toát lên vẻ tự tin, mạnh mẽ. “Lớn lên con sẽ làm công an để bảo vệ cho người dân, bảo vệ yên bình của cộng đồng. Con tự hào về ba con, một chiến sĩ Trường Sơn. Con sẽ sống giống ba con!”. Nghe con nói, chú Cừ cười mãn nguyện. Với chú cũng như nhiều đồng đội có mặt tại buổi lễ này, được sống, được tham gia xây dựng đất nước sau giải phóng là niềm hạnh phúc. Đến giờ, thấy cộng đồng không quên Trường Sơn, nhớ về những con người Trường Sơn, chú cảm thấy vinh dự và tự hào vì mình đã từng là một người lính của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.

Người rời buổi lễ cuối cùng có lẽ là Trần Thị Kim Oanh, sinh viên năm thứ tư khoa ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Cô gái có ông nội đã hy sinh trên chiến trường Trường Sơn vào năm 1968. Gương mặt đầy xúc cảm, cô cho biết cô đã được nhận nhiều học bổng, nhưng học bổng mang tên Nghĩa tình Trường Sơn cho cô một cảm giác rất lạ. Đó không chỉ là việc hỗ trợ những hoàn cảnh khốn khó, mà cao hơn còn là hai chữ “nghĩa tình”. Có lẽ vì thế mà dù bận rộn với việc học, việc làm thêm và cả lớp học tình thương mà cô làm thiện nguyện, cô vẫn tranh thủ một ngày để về tham gia buổi lễ. Cô muốn cảm nhận một cách trọn vẹn tất cả những tình cảm liên quan đến hai từ Trường Sơn, vốn đã sâu nặng trong trái tim cô…

Hương Uyên


Khảo sát tìm địa điểm xây 4 trạm xá tại các tỉnh miền Trung

Trong 2 ngày 18 và 19-9, đoàn cán bộ và chuyên viên của Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã đi khảo sát tại các xã: A Vao (huyện Đắk Rông, tỉnh Quảng Trị); Nhâm, A Đớt (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Đoàn đã chọn 4 địa điểm để xây dựng 4 trạm xá quân dân y nhằm triển khai gói tài trợ 10 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Phần lớn những nơi được chọn đều nằm ở vùng sâu, vùng xa tại những xã biên giới nghèo, khó khăn nhất của các địa phương trên. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe cho bà con tại địa phương, các trạm xá này khi hình thành sẽ hỗ trợ cho việc thăm khám chữa bệnh cho người dân nước bạn Lào sinh sống dọc biên giới Việt Nam.

C.Q.

Tin cùng chuyên mục